Khuyến công- đòn bẩy hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp

02:08, 06/08/2020

Thời gian qua, các hoạt động khuyến công đã phát huy vai trò là đòn bẩy, tiếp sức cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp công nghiệp nông thôn, từ việc hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại hóa sản xuất, cho đến xây dựng thương hiệu, cải tiến bao bì sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Qua đó, đã góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có thêm động lực phát triển.

 

 

Thời gian qua, các hoạt động khuyến công đã phát huy vai trò là đòn bẩy, tiếp sức cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp công nghiệp nông thôn, từ việc hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại hóa sản xuất, cho đến xây dựng thương hiệu, cải tiến bao bì sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Qua đó, đã góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có thêm động lực phát triển.

Nhiều cách hỗ trợ hiệu quả

Theo Sở Công thương, thời gian qua, hoạt động khuyến công trên địa bàn được sự quan tâm và hỗ trợ kinh phí thực hiện của Cục Công thương địa phương, các cấp chính quyền tại địa phương nhìn nhận tích cực về hiệu quả của hoạt động khuyến công trong vai trò khuyến khích thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn.

Theo đánh giá của Phó Giám đốc Sở Công thương- Trương Thanh Sử, các chương trình khuyến công đã hỗ trợ khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn thúc đẩy sản xuất, đổi mới, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh mở rộng thị trường tiêu thụ. Mặt khác, khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn khai thác tốt tiềm năng nguồn nguyên liệu hiện có trên địa bàn, tạo ra giá trị sản xuất chung của ngành công thương.

Ông Nguyễn Đỗ Hoàng Anh Thy- Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương) cho biết, ngoài việc tăng cường tuyên truyền, quảng bá thương hiệu sản phẩm công nghiệp của tỉnh, ngành khuyến công còn tăng cường hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh, nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp chủ lực.

Là một trong những cơ sở mới hình thành nhưng được đánh giá là tiềm năng phát triển khá lớn, sản phẩm làm ra đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng nên hộ kinh doanh sản xuất và mua bán Tuấn Linh (xã Tân Phú- Tam Bình) đã được hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị sản xuất tiên tiến để nâng cao hiệu quả sản xuất. Chị Nguyễn Thị Trúc Linh- chủ cơ sở- cho biết, sau khi đầu tư máy móc thiết bị giúp cơ sở nâng cao năng suất sản phẩm, hạn chế rơi vãi dung dịch sản phẩm, sản phẩm sạch hơn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng vẻ mỹ quan, sạch sẽ cho không gian sản xuất, giảm thiểu công lao động.

Cũng được hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất tiên tiến từ nguồn vốn khuyến công địa phương, ông Trần Hoàng Đông- Giám đốc Công ty TNHH Đông Phát Food (xã Tân Bình- Bình Tân) chia sẻ: Việc hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong chế biến rau, củ, quả đã giúp công ty phát triển thành đơn vị điển hình, nâng cao khả năng cạnh tranh, sản xuất sản phẩm mới có chất lượng cao, tiết kiệm nhiên- nguyên- vật liệu, tiến tới xóa bỏ công nghệ thủ công, lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.

Khuyến công cần nâng “chất” và “lượng”

Tuy đã đạt được nhiều kết quả khả quan, song, theo đánh giá của Sở Công thương, từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID- 19, phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội nên thực hiện khảo sát tại các cơ sở, doanh nghiệp để tư vấn, hướng dẫn các cơ sở công nghiệp nông thôn lập đề án và triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn. Một số cơ sở, doanh nghiệp bị suy giảm tiềm lực tài chính cho nên những dự định đầu tư máy móc thiết bị vào quy trình sản xuất bị chậm lại.

Đó là chưa kể phần lớn các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ có tiềm lực tài chính và trình độ tiếp cận khoa học công nghệ còn hạn chế nên việc tham gia thực hiện các đề án khuyến công gặp nhiều khó khăn.

“Nhận thức của các cơ sở, doanh nghiệp về hoạt động khuyến công chưa được đầy đủ dẫn tới ảnh hưởng đến sự hưởng ứng và cộng tác của các đơn vị. Kinh phí khuyến công được bố trí hàng năm và mức hỗ trợ cho các đề án chưa kích thích sự tham gia cơ sở, doanh nghiệp công nghiệp nông thôn”- ông Nguyễn Đỗ Hoàng Anh Thy nhận định.

Bên cạnh đó, mạng lưới chuyên trách thực hiện công tác khuyến công tại địa phương chủ yếu kiêm nhiệm do đó công tác khảo sát, tư vấn, hướng dẫn các cơ sở công nghiệp nông thôn lập đề án và triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn.

Hoạt động khuyến công góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn có thêm động lực phát triển.
Hoạt động khuyến công góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn có thêm động lực phát triển.

Theo các chuyên gia, để đạt mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng, thúc đẩy hoạt động khuyến công, thời gian tới, các hoạt động khuyến công cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách khuyến công để các cơ sở, doanh nghiệp tích cực chủ động tham gia, thụ hưởng.

Đồng thời, cần tăng chất lượng dịch vụ tư vấn, có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời cho các cơ sở, doanh nghiệp trong quá trình triển khai đầu tư sản xuất, xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, đề án khuyến công sát với thực tế và có hiệu quả, chú trọng khuyến khích các đề án ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trên cơ sở cải tiến, phát huy công nghệ hiện hữu và tăng cường công tác chuyển giao công nghệ mới.

Ông Nguyễn Đỗ Hoàng Anh Thy cho biết, thời gian tới, sẽ tăng cường hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp phát triển sản phẩm, kết hợp chặt chẽ giữa công tác khuyến công với xúc tiến thương mại, tích cực tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm ngoài tỉnh để tìm kiếm thị trường tiêu thụ, tạo sự phát triển cho doanh nghiệp.

Đồng thời, tăng cường công tác bình chọn và tôn vinh các sản phẩm đạt chất lượng, có giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển; công nhận làng nghề, nghệ nhân... Từ đó, động viên, khuyến khích các doanh nghiệp, doanh nhân tích cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Năm 2020, với kinh phí khuyến công địa phương khoảng 3,4 tỷ đồng, khuyến công tập trung hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn nâng cao năng lực sản xuất gắn với các nội dung của Đề án cơ cấu lại ngành công thương tỉnh về chế biến nông sản, thực phẩm và đồ uống sử dụng nguyên liệu tại địa phương; công nghiệp dệt may và da giày; công nghiệp hóa chất, dược phẩm; công nghiệp bao bì đóng gói, công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ khác.

Bài, ảnh: THẢO LY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh