"Đón sóng" thị trường EU

06:08, 07/08/2020

Việt Nam và Liên minh Châu Âu đã hoàn tất quá trình phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do EVFTA và có hiệu lực từ 1/8/2020, sau thập kỷ không ngừng nỗ lực. Theo đó, hàng trăm dòng thuế xuất khẩu hàng hóa sang Châu Âu sẽ về mức 0%, EVFTA sẽ tạo ra cơ hội và thách thức cho nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Việt Nam và Liên minh Châu Âu đã hoàn tất quá trình phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do EVFTA và có hiệu lực từ 1/8/2020, sau thập kỷ không ngừng nỗ lực. Theo đó, hàng trăm dòng thuế xuất khẩu hàng hóa sang Châu Âu sẽ về mức 0%, EVFTA sẽ tạo ra cơ hội và thách thức cho nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

EVFTA được coi là một hiệp định toàn diện, đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và Liên minh Châu Âu. Ðây là thị trường nhập khẩu lớn với 28 quốc gia (bao gồm cả Anh) với 508 triệu dân. Các nhóm ngành hàng quan trọng được hưởng lợi sau khi hiệp định có hiệu lực, đó là: dệt may, giày dép, thủy sản, gạo.

Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều dự báo sẽ tăng đáng kể. Các doanh nghiệp (DN) Việt Nam sẽ tận dụng các ưu đãi về thuế, rút ngắn con đường xuất khẩu; nhập khẩu các hàng hóa, nguyên vật liệu từ Châu Âu với giá cả hợp lý; thuận lợi hơn trong tiếp cận máy móc, thiết bị, công nghệ kỹ thuật cao từ các nước thành viên trong hiệp định.

Đối với ĐBSCL, hiệp định tạo nhiều điều kiện và cơ hội để đẩy mạnh phát triển các ngành xuất khẩu chủ lực của vùng, đặc biệt là nông sản, thủy hải sản, rau quả và trái cây trong thời gian tới.

Tuy nhiên, Châu Âu là một thị trường khó tính, luôn đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, những yêu cầu về bảo vệ môi trường, các tiêu chuẩn về lao động cũng là thách thức quan trọng với DN Việt Nam khi thâm nhập vào thị trường này. Để tận dụng cơ hội, trước hết DN phải chuẩn hóa chất lượng sản phẩm xuất khẩu, đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và yêu cầu về đảm bảo truy xuất nguồn gốc, tạo ra những sản phẩm chất lượng đáp ứng yêu cầu từ hiệp định.

Nhiều chuyên gia ví EVFTA như “đường cao tốc” để nối thị trường Việt Nam với EU. Tuy nhiên, để đón sóng và tham gia được ngoài việc tháo gỡ các rào cản về mặt thể chế, thì các DN của Việt Nam cũng phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu, cam kết từ hiệp định và luật lệ quốc tế. Đặc biệt, chính quyền các địa phương cũng cần hỗ trợ DN tiếp cận thông tin thông qua các hiệp hội và phương thức quản lý mới cho phù hợp với tình hình sản xuất hiện nay.

NGUYỄN HOÀNG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh