Thực phẩm chức năng: thật giả khó lường

05:07, 17/07/2020

Thực phẩm chức năng (TPCN), thực phẩm bổ sung được xem là sản phẩm có tác dụng hỗ trợ phục hồi, duy trì hoặc tăng cường chức năng của các bộ phận trong cơ thể.

 

Ngành chức năng đã phát hiện nhiều vụ hàng giả, hàng kém chất lượng.
Ngành chức năng đã phát hiện nhiều vụ hàng giả, hàng kém chất lượng.

Thực phẩm chức năng (TPCN), thực phẩm bổ sung được xem là sản phẩm có tác dụng hỗ trợ phục hồi, duy trì hoặc tăng cường chức năng của các bộ phận trong cơ thể.

Và trên thực tế, những sản phẩm này đã đem lại không ít lợi ích cho người tiêu dùng trong việc dự phòng và hỗ trợ trị liệu bệnh tật. Tuy nhiên, nếu hiểu biết không đúng đắn, mua sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng hay mua nhầm hàng giả thì việc sử dụng sẽ phản tác dụng và gây hại.

Kiểm nghiệm mới biết thật- giả

TPCN, thực phẩm bổ sung là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng có thể bổ sung vitamin dinh dưỡng giúp phục hồi sức khỏe, có tác dụng dinh dưỡng, tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ gây bệnh.

Trên thị trường hiện có rất nhiều loại TPCN, thực phẩm bổ sung được quảng cáo giới thiệu, trong đó có loại còn được “tâng bốc” có thể chữa bách bệnh, chữa cả… ung thư!

Tuy nhiên, TPCN, thực phẩm bổ sung không phải là thuốc, không có tác dụng chữa bệnh. Một số người ngộ nhận và sai lầm khi tin thực phẩm có chức năng chữa bệnh mà không đi thăm khám bác sĩ và sử dụng đúng liệu trình.

Bên cạnh đó, nếu mua phải TPCN, thực phẩm bổ sung không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng không có giá trị sử dụng sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe có thể gây ra sốc thuốc phản vệ.

Và điều đáng nói là để biết được chất lượng thật giả thì có lúc ngành chức năng vào cuộc lấy mẫu kiểm nghiệm thì sự thật mới được phơi bày đâu là thật đâu là giả.

Nếu chỉ mua bằng mắt thường, mua bằng niềm tin, bằng lời quảng cáo “có cánh” của người bán thì người tiêu dùng khó thể nào biết được chất lượng ra sao, công dụng thật sự như thế nào và rất dễ mua nhầm phải hàng giả.

Thời gian qua, nhiều vụ sản xuất, buôn bán TPCN giả, kém chất lượng bị phát hiện và xử lý khiến người tiêu dùng cảm thấy bất an, lo lắng. Nhiều loại TPCN gắn mác “xịn” hàng ngoại nhưng thực chất, chất lượng “xui nhiều hơn hên”.

Như đầu năm 2020, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã phát hiện 2 trường hợp kinh doanh thực phẩm bổ sung là hàng giả không có giá trị sử dụng.

Cụ thể, vào tháng 2/2020, Đội Quản lý thị trường số 4 tiến hành kiểm tra tại một cửa hàng thực phẩm ở xã Hòa Phú (Long Hồ) tiến hành lấy mẫu thực phẩm bổ sung giúp phòng ngừa loãng xương, tiểu đường Aralac Hi canxi pro của Công ty CP sản xuất thương mại phát triển Tân Việt Pháp sản xuất để gửi thử nghiệm chất lượng.

Quyền Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 4- Bùi Văn Chọn, cho biết: Kết quả thử nghiệm mẫu sản phẩm trên là hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng.

Đội đã lập biên bản vi phạm hành vi buôn bán hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng (lô hàng trị giá trên 17 triệu đồng).

Cũng vào đầu năm 2020, khi tiến hành kiểm tra 1 cửa hàng tạp hóa tại xã Tân An Luông (Vũng Liêm) và lấy 2 mẫu thực phẩm bổ sung: Trumilac canxi gold và Pomh nat canxi gửi thử nghiệm chất lượng, Cục Quản lý thị trường cũng phát hiện 2 mẫu sản phẩm trên là hàng giả không có giá trị sử dụng công dụng, đã lập biên bản vi phạm hành vi buôn bán hàng giả, đề nghị xử phạt vi phạm hành chính 30 triệu đồng.

Cẩn trọng khi chọn mua

Không thể phủ nhận những hiệu quả và lợi ích TPCN, thực phẩm bổ sung đã mang lại. Tuy nhiên, nếu quá tin tưởng và phụ thuộc vào TPCN mà coi nhẹ việc thay đổi thói quen ăn uống, cải thiện điều kiện sống và lối sống thì không những không ngăn ngừa được nguy cơ bệnh tật mà trái lại còn gây ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe người sử dụng.

Đó là chưa kể, trước “rừng” TPCN, nếu không trang bị kiến thức khi mua thì rất dễ dẫn đến tình trạng “tiền mất tật mang”.

Ông Lê Thanh Phong- Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh- cho biết: Thời gian qua, cục đã kiểm tra lấy mẫu một số loại thực phẩm, hàng hóa để kiểm tra chất lượng theo chỉ số công bố. Qua đó, cũng phát hiện một số vụ vi phạm. Tuy nhiên, đây chỉ là những con số nhỏ.

Theo các chuyên gia, TPCN, thực phẩm bổ sung dù tốt đến đâu cũng chỉ là một trong những nguồn bổ sung các chất cần thiết cho cơ thể. Khi muốn uống bất kỳ loại thuốc hay TPCN nào, bạn cần cân nhắc kỹ càng, giữa lợi ích và nguy cơ có thể mang đến cho cơ thể.

Muốn khỏe mạnh phải có những giải pháp đồng bộ và toàn diện. Phải duy trì một chế độ ăn uống hợp lý, xây dựng một lối sống lành mạnh khoa học và một trạng thái tinh thần luôn thanh thản và lạc quan. Luôn luôn phải như vậy để chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân và không bị tốn tiền vô ích vì thiếu hiểu biết.

Mặt khác, nhiều người tiêu dùng cũng mong muốn cơ quan chức năng công khai nêu tên các sản phẩm giả đã được sản xuất tung ra thị trường để người dân biết, tránh dùng phải sản phẩm giả.

Ông Lê Thanh Phong: Cục Quản lý thị trường sẽ tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc, thực phẩm bổ sung và TPCN, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Các ngành chức năng có liên quan cũng cần tập trung thanh tra việc thực hiện quy định về đăng ký, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, quản lý chất lượng thuốc tại các cơ sở liên quan trên cả nước và phải kiểm soát đặc biệt đối với việc thực hiện quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh