Thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn: Cần cơ chế đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp

02:07, 14/07/2020

Cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (NN,NT) của tỉnh hiện nay chưa đủ mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp. Yêu cầu đặt ra là cần có giải pháp mang tính quyết định, tạo chuyển biến mạnh mẽ hiệu quả thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

 

Cần giải pháp mang tính quyết định để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Cần giải pháp mang tính quyết định để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (NN,NT) của tỉnh hiện nay chưa đủ mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp. Yêu cầu đặt ra là cần có giải pháp mang tính quyết định, tạo chuyển biến mạnh mẽ hiệu quả thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

Chính sách chưa thật sự hấp dẫn

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, việc thực hiện chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực NN,NT của tỉnh thời gian qua chưa đem lại hiệu quả như mong đợi.

Cơ chế, chính sách của tỉnh hiện nay chưa đủ mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào NN,NT do thị trường này còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, khả năng tạo ra giá trị gia tăng thấp, kết cấu hạ tầng còn hạn chế.

Đồng thời, năng lực của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và trong khu vực còn yếu nên chưa mạnh dạn đầu tư vào khu vực này. Bên cạnh đó, việc doanh nghiệp tiếp cận đất đai gặp nhiều khó khăn. Đến nay, số doanh nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ chưa nhiều.

Ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành IV- cho biết: Là một doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng lúa gạo, Phước Thành IV đang định hướng phát triển thêm ngành nghề mới như bảo tàng lúa gạo, dịch vụ trạm dừng chân, cho thuê nhà xưởng.

Việc làm này có liên quan đến thủ tục thuê đất, đấu nối kết cấu hạ tầng giao thông, điện,… và hiện doanh nghiệp vẫn còn gặp không ít khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Thành kiến nghị tỉnh cần nghiên cứu vận dụng cơ chế linh động để cấp phép đầu tư sớm, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình- Trưởng Phòng Kế hoạch- Tổng hợp (Sở Nông nghiệp- PTNT), thời gian qua, một số doanh nghiệp mong muốn đầu tư vào NN,NT nhưng do không có sẵn quỹ đất hoặc vướng quy định về bảo vệ đất lúa nên doanh nghiệp không thể thực hiện dự án đầu tư và phải chuyển qua địa phương khác.

Bên cạnh đó, tỉnh còn nhiều yếu tố bất lợi về kết nối giao thông, một số tuyến quốc lộ còn nhỏ hẹp, cầu có tải trọng nhỏ dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp trong vận chuyển hàng hóa, giảm khả năng cạnh tranh.

Hiện trên địa bàn tỉnh chưa có dự án quy mô lớn, có sức lan tỏa, tạo động lực trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản.

Ngoài ra, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, thực trạng sản xuất nông nghiệp của tỉnh hiện chủ yếu dựa trên quy mô nhỏ lẻ, liên kết các hộ nông dân qua hình thức kinh tế tập thể còn rất khiêm tốn.

Cần chính sách đủ mạnh

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT Nguyễn Văn Liêm, để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào NN,NT, ngành nông nghiệp tỉnh kiến nghị Trung ương xem xét hoàn thiện cơ chế chính sách theo hướng hỗ trợ mạnh mẽ hơn, trong đó có cơ chế tạo thuận lợi cho địa phương được chuyển đổi đất trồng lúa sang mục đích thu hút đầu tư chế biến nông sản, thủy sản.

Bên cạnh đó là việc hỗ trợ doanh nghiệp về phân tích, dự báo thị trường, khuyến nghị về sản lượng và giá bán nông sản, sản phẩm nông sản chế biến bởi từng địa phương thực hiện sẽ không hiệu quả.

Ngoài ra, việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất như giao thông, thủy lợi, hạ tầng nuôi trồng thủy sản, nhất là hoàn thiện các QL53, 54, tạo thuận lợi cho giao thương, vận chuyển nông sản cũng là những đòi hỏi cấp thiết.

Ngành nông nghiệp cũng kiến nghị tỉnh cần có chính sách hỗ trợ tín dụng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào NN,NT, cơ chế thúc đẩy tập trung đất đai, tạo quỹ đất để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này.

Giai đoạn 2021- 2025, tỉnh cần hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp mạnh mẽ hơn nhằm tạo đà phát triển sản xuất hàng hóa, liên kết sản xuất- tiêu thụ với doanh nghiệp. Trọng tâm là bồi dưỡng nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ mới, tiếp cận nguồn vốn, thành lập mới và tổ chức lại hoạt động của các hợp tác xã.

Về phát triển nông sản chủ lực, tỉnh cũng cần xem xét ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn theo hướng xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, quảng bá sản phẩm,… cho các nông sản chủ lực và tiềm năng đạt các tiêu chuẩn sản xuất an toàn.

Qua khảo sát, giám sát về việc thực hiện chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực NN,NT gần đây, ông Nguyễn Thành Nghiệp- Trưởng Ban Kinh tế- Ngân sách (thuộc HĐND tỉnh) cho rằng, để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào NN,NT cần một “cú đấm” quyết định để bật lên.

Theo đó, việc mời gọi đầu tư cần sự phối hợp liên ngành nhằm nghiên cứu, rà soát, tham mưu điều chỉnh bổ sung, sửa đổi các chính sách.

Đồng thời, phát huy lợi thế so sánh của tỉnh, ưu tiên mời gọi những dự án liên kết chế biến sâu, chế biến công- nông nghiệp, sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng, ứng dụng công nghệ cao.

“Mời gọi đầu tư vào NN,NT thà chậm mà chắc, không quá nóng lòng và cơ chế, chính sách cần được nghiên cứu thật kỹ”- ông Nguyễn Thành Nghiệp nêu quan điểm.

Để phát triển ngành nghề nông thôn và thực hiện OCOP, ngành nông nghiệp kiến nghị tỉnh chỉ đạo xây dựng, ban hành đề án mỗi xã một sản phẩm của tỉnh giai đoạn 2021- 2025 theo hướng hỗ trợ thực chất cho các cơ sở sản xuất, ngành nghề nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, chuẩn hóa sản phẩm, tổ chức đánh giá xếp hạng các sản phẩm đạt các tiêu chí của OCOP, bao gồm sản phẩm xếp hạng cấp quốc gia.

Bài, ảnh: THÀNH LONG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh