Tái đàn heo: đừng tạo áp lực

12:07, 24/07/2020

Trong khi giá thịt heo đang ở mức cao, nhiều người tiêu dùng bớt "hụt hẫng" và đã chuyển dần sang các loại thực phẩm thay thế khác, khiến thị trường nhiều mặt hàng được "ăn theo". Trong khi đó, để phát triển đàn heo thì tái đàn heo cũng được nhiều địa phương chú trọng thực hiện; song theo khuyến cáo, người chăn nuôi nên thận trọng, chậm mà chắ

 

Giá thịt heo còn ở mức cao.
Giá thịt heo còn ở mức cao.

Trong khi giá thịt heo đang ở mức cao, nhiều người tiêu dùng bớt “hụt hẫng” và đã chuyển dần sang các loại thực phẩm thay thế khác, khiến thị trường nhiều mặt hàng được “ăn theo”. Trong khi đó, để phát triển đàn heo thì tái đàn heo cũng được nhiều địa phương chú trọng thực hiện; song theo khuyến cáo, người chăn nuôi nên thận trọng, chậm mà chắc.

Nguồn thực phẩm thay thế dồi dào

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, ước tính, đàn heo của tỉnh hiện có gần 241.800 con, giảm 0,53% (hay giảm gần 1.300 con) so cùng kỳ. Đàn heo giảm so với cùng kỳ là do ảnh hưởng của bệnh dịch tả heo Châu Phi, khiến số lượng tiêu hủy heo nhiễm bệnh nhiều, làm hụt nguồn cung trên thị trường.

Nhiều tháng nay, giá heo hơi tăng rất cao do số lượng heo còn trong dân ít, sản lượng xuất chuồng giảm nên cung không đủ cầu, giá heo hơi hiện nay từ 85.000- 87.000 đ/kg. Tại các chợ, khoảng vài tháng gần đây giá thịt heo có giảm nhẹ do các biện pháp kéo giảm giá thịt heo như nhập thịt heo ngoại, song vẫn còn ở mức cao.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt- tiểu thương bán thịt heo chợ Vĩnh Long- cho hay: Giá thịt heo từ đầu năm đến nay ở mức cao do thiếu nguồn cung. Sức mua cũng giảm hơn do người dân tiết kiệm chi tiêu, đồng thời đã chuyển sang sử dụng các loại thực phẩm khác.

Nhiều tiểu thương bán gà, vịt, cá, tôm, thịt bò,… cũng cho hay, nhờ giá thịt heo tăng nên nhiều tháng nay giá các mặt hàng này cũng nhích theo do sức mua tăng hơn trước.

Chị Lê Thị Tư- bán cá chợ Phường 2 (TP Vĩnh Long)- cho hay: “Từ khi thịt heo tăng giá cao, tôi bán cá được hơn, có khi gấp đôi khi giá heo chưa tăng nhiều, giá cá cũng tăng 3.000- 5.000 đ/kg so với năm trước. Tuy nhiên, nguồn cá cũng hạn chế, nhiều người bỏ mối cá phải bắt cá nhỏ mới đủ giao”.

Theo một số thương lái, do tác động dịch tả heo Châu Phi người dân dùng thực phẩm thịt bò tăng, nên sản lượng tăng. Giá bò hơi hiện ở mức 95.000- 110.000 đ/kg, so cùng kỳ tăng 8.000- 10.000 đ/kg.

Bên cạnh đó, giá gà công nghiệp, gà thả vườn cũng ở mức ổn định, nguồn cung dồi dào, sức mua gà, vịt trong những tháng gần đây cũng đã có nhích hơn.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT Nguyễn Văn Liêm, nhìn chung, ngoại trừ chăn nuôi heo ra thì chăn nuôi bò và gia cầm vẫn phát triển ổn định.

Chăn nuôi gia cầm có sự tăng trưởng khá do giá thịt heo cao, việc tiêu thụ sản phẩm gia cầm dễ dàng vì người dân có xu hướng chuyển qua sử dụng thịt gia cầm thay thế, giá cả ổn định, người nuôi có lời, nên đầu tư tái đàn và mở rộng quy mô nuôi.

Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm được kiểm soát tốt, tạo tâm lý an tâm cho người nuôi phát triển đàn gia cầm thời gian qua.

Không nên tạo áp lực tái đàn heo

Các loại thực phẩm thay thế khác, trong đó có thịt bò cũng được nhiều người lựa chọn.
Các loại thực phẩm thay thế khác, trong đó có thịt bò cũng được nhiều người lựa chọn.

Để kiểm soát, khống chế dịch bệnh tái phát và lây lan, trong thời gian qua, ngành thú y đã phối hợp chính quyền địa phương tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, đồng thời khuyến cáo người chăn nuôi chuyển đổi phát triển đàn vật nuôi khác phù hợp với từng địa phương, đảm bảo cung cầu thị trường; tổ chức lại sản xuất theo liên kết trong chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ để hình thành sản xuất sản phẩm theo chuỗi có truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Toàn tỉnh có 476 trang trại chăn nuôi, gồm: 152 trang trại nuôi heo với trên 29.000 con, 194 trang trại nuôi gà với trên 2,3 triệu con, 130 trang trại nuôi vịt gần 406.000 con. Hiện đàn bò của tỉnh có gần 85.000 con, đàn gia cầm (không kể vịt chạy đồng vụ Đông Xuân) có trên 8,8 triệu con, tăng 2,89% (hay tăng 247.500 con) so cùng kỳ. Toàn tỉnh có 261 cơ sở nuôi cá lồng, bè với trên 1.200 chiếc lồng, bè đang thả nuôi, tăng 4,79% so với cùng kỳ, chủ yếu là cá điêu hồng, basa, vồ đém, cá chim trắng, cá rô phi đen, cá bông lau, cá trắm cỏ,...

Tuy nhiên, thời tiết bất lợi ảnh hưởng đến sức đề kháng của vật nuôi, mầm bệnh lưu giữ trong môi trường chuồng nuôi, nguy cơ xảy ra các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm rất cao, đặc biệt là bệnh cúm gia cầm và bệnh dịch tả heo Châu Phi.

Đáng nói là từ đầu năm đến nay, đã xảy ra 4 ổ dịch bệnh dịch tả heo Châu Phi tại huyện Vũng Liêm, Mang Thít và TX Bình Minh với tổng đàn bệnh tiêu hủy 31 con.

Trong đó, 3 ổ dịch bệnh đã qua 30 ngày, 1 ổ dịch mới phát sinh tại xã Tân Quới Trung (Vũng Liêm) vào đầu tháng 6/2020, tiêu hủy 15 con.

Nhận định tình hình bệnh dịch tả heo Châu Phi trong thời gian tới còn nhiều diễn biến khá phức tạp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp- PTNT)- Lê Thanh Tùng, cho biết: Nhiều địa phương trong cả nước đã tái dịch trong khi chưa có vắc xin phòng bệnh, do đó, người chăn nuôi cần cẩn trọng.

Hiện trên địa bàn tỉnh, tái đàn heo chưa nhiều. Những người không có nhiều tiền, không phiêu lưu sẽ không mạo hiểm tái đàn nhanh.

Thời gian qua, hàng loạt giải pháp nhằm kéo giảm thịt heo đã được đưa ra, theo đó, người tiêu dùng cũng đã bớt hụt hẫng về giá thịt heo, có tâm lý dần chấp nhận, chuyển sang thực phẩm thay thế, như gà, vịt, cá, hay các sản phẩm thịt heo, thịt bò đông lạnh,…

“Vấn đề khó khăn lớn cho người chăn nuôi muốn tái đàn hiện nay là khan hiếm con giống. Thời gian qua, cũng xuất hiện tình trạng lấy heo thịt làm heo giống. Nếu không có nguồn con giống chất lượng, đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật thì việc tái đàn sẽ nguy hiểm hơn.

Nếu tái đàn quá nhanh sẽ khó đảm bảo chất lượng. Do đó không nên tạo áp lực tái đàn heo, nên chậm mà chắc”- ông Lê Thanh Tùng nói thêm.

“Chỉ những cơ sở, trang trại đủ các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học mới nên tái đàn thời điểm này, còn những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nếu không đảm bảo các điều kiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học không nên nuôi trở lại để tránh rủi ro và nguy cơ tái dịch và hạn chế lây lan dịch bệnh”- ông Lê Thanh Tùng khuyến cáo.

Theo ông Lê Thanh Tùng, khi muốn tái đàn, quan trọng hơn hết vẫn là người chăn nuôi phải tuân thủ theo các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Cụ thể, phải kiểm soát chặt chẽ việc ra vào khu vực chăn nuôi. Chuồng nuôi phải dễ thực hiện các biện pháp vệ sinh, sát trùng, tiêu độc, phòng bệnh. Có lưới bao quanh chuồng nuôi và biện pháp khác ngăn chặn côn trùng và vật chủ trung gian khác truyền bệnh như chuột, chim, ruồi… Tại lối ra vào chuồng nuôi phải bố trí hố khử trùng, heo giống mua về phải có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh. Chất thải phải được thu gom hàng ngày, chuyển đến nơi tập trung và xử lý bằng nhiệt, bằng hóa chất hoặc bằng biện pháp sinh học phù hợp.

 Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh