Lúa Thu Đông đang vào cao điểm xuống giống đợt 2. Đây cũng là đợt xuống giống chính và phân bổ tại hầu hết các địa phương trong tỉnh. Theo dự báo của ngành chuyên môn, lũ năm nay ít có khả năng đến sớm nhưng cũng không loại trừ yếu tố rủi ro từ thượng nguồn có thể đe dọa đến sản xuất vụ Thu Đông này.
Nhanh chóng triển khai thi công, hoàn thành các công trình thủy lợi phục vụ phòng chống thiên tai, bảo vệ sản xuất. |
Lúa Thu Đông đang vào cao điểm xuống giống đợt 2. Đây cũng là đợt xuống giống chính và phân bổ tại hầu hết các địa phương trong tỉnh. Theo dự báo của ngành chuyên môn, lũ năm nay ít có khả năng đến sớm nhưng cũng không loại trừ yếu tố rủi ro từ thượng nguồn có thể đe dọa đến sản xuất vụ Thu Đông này.
Ít có khả năng xuất hiện lũ sớm
Theo Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh Vĩnh Long, mùa lũ năm nay vùng đầu nguồn sông Cửu Long ít có khả năng xuất hiện lũ sớm. Đỉnh lũ năm nay trên sông Tiền tại Tân Châu và sông Hậu tại Châu Đốc ở mức báo động 1 đến báo động 2, thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm từ 0,2- 0,4m, xuất hiện vào nửa cuối tháng 9.
Trong những tháng cuối năm, mực nước sông Cửu Long chịu ảnh hưởng của các đợt triều cường mạnh. Mực nước cao nhất năm trên sông Tiền tại Mỹ Thuận có khả năng từ 1,95- 2,05m (trên báo động 3 từ 0,15- 0,25m, thấp hơn so với đỉnh lũ năm 2019 là 7cm), xuất hiện vào cuối tháng 9, đầu tháng 10. Mực nước tại các trạm nội đồng trên các sông, rạch trong tỉnh đều trên mức báo động 3 từ 15- 40cm. Do đó, cần đề phòng triều cường gây ngập lụt sâu ở các vùng ven sông, trũng thấp.
Theo kế hoạch, từ cuối tháng 7 đến 14/8, lúa Thu Đông sẽ xuống giống đợt 2 với 35.000ha. Đây cũng là đợt xuống giống chính của tỉnh phân bố hầu hết tại các địa phương trong tỉnh. Đợt 3 xuống giống 5.000ha, tập trung từ 23- 31/8/2020.
Xuống giống số diện tích còn lại, phân bố ở vùng trũng, vùng bị nhiễm mặn, vùng không bị ảnh hưởng của lũ. Đến nay, lúa Thu Đông sớm đã xuống giống trên 14.665ha.
Bước vào mùa mưa năm nay, tình hình mưa lớn, giông lốc đã làm nhiều diện tích lúa Hè Thu trên địa bàn tỉnh bị đổ ngã. Đáng kể nhất là tại huyện Tam Bình với 1.200ha lúa bị đổ ngã tại các xã: Mỹ Thạnh Trung, Phú Thịnh, Long Phú,… trong đó thiệt hại trên 70% trên 239ha, từ 30- 70% là 237ha và dưới 30% là 724ha. Ước thiệt hại là 12,4 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Quốc Thái- Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Bình, lúa đổ ngã đã ảnh hưởng lớn đến năng suất, sản lượng lúa Hè Thu của huyện. Địa phương sẽ lưu ý những khuyến cáo của ngành chuyên môn để hạn chế tình trạng lúa đổ ngã trong vụ sau. Bên cạnh đó, địa phương rà soát các tuyến đê bao, cống, đập để kịp thời gia cố, bảo vệ sản xuất vụ Thu Đông được an toàn.
Là địa phương có khả năng chịu ảnh hưởng lũ trong vụ Thu Đông, bà Võ Ngọc Thơ- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Bình Tân cho rằng trong kế hoạch sản xuất vụ Thu Đông này, Bình Tân sẽ chủ động né lũ. Theo đó, đối với những nơi không đảm bảo an toàn trong mùa lũ thì hạn chế xuống giống cũng như chủ động xả lũ ở những khu vực thích hợp.
Thời gian qua, mưa lớn kèm giông lốc đã gây đổ ngã trên 1.200ha lúa Hè Thu tại các xã: Mỹ Thạnh Trung, Phú Thịnh, Long Phú,… (Tam Bình), trong đó thiệt hại trên 70% hơn 239ha, từ 30- 70% là 237ha và dưới 30% là 724ha. Ước thiệt hại là 12,4 tỷ đồng. Mưa lớn cũng gây ngập úng 10ha dưa hấu tại xã Thạnh Quới (Long Hồ), 11ha cây mít tại thị trấn Tân Quới (Bình Tân) và 0,3ha cây mãng cầu ta tại xã Phú Thịnh (Tam Bình). Ước thiệt hại trên 109 triệu đồng. |
Nhiều rủi ro từ thượng nguồn
Tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô 2019- 2020 diễn ra tại Long An gần đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Nguyễn Xuân Cường đã nhấn mạnh rằng: ĐBSCL đang chịu tổn thương rất lớn do biến đổi khí hậu, trong đó yếu tố đặc biệt quan trọng và khốc liệt là những rủi ro từ thượng nguồn.
Cụ thể là việc quản lý sử dụng nước làm thay đổi dòng chảy tự nhiên, gây tác động tiêu cực trong mùa khô và cả mùa mưa lũ, hiện yếu tố thượng nguồn đã và đang tác động lên đồng bằng không theo quy luật nào và tiềm ẩn những rủi ro rất lớn cho sản xuất và đời sống.
Tỉnh Vĩnh Long cũng vừa trải qua một mùa khô với nhiều thiệt hại được ghi nhận. Ngay sau hạn, mặn thì công tác phòng chống thiên tai trong mùa mưa lũ cũng được triển khai nhằm bảo vệ sản xuất trong những tháng cuối năm.
Theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, mặc dù lũ năm nay có khả năng thấp hơn năm 2019 nhưng vẫn tiềm ẩn những yếu tố bất ngờ từ thượng nguồn.
Để chủ động phòng chống thiên tai, mưa bão, lũ, mà trước mắt là thực hiện tốt mục tiêu sản xuất lúa vụ Thu Đông này, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo các địa phương cần rà soát và có kế hoạch tổ chức chỉ đạo sản xuất cụ thể cho từng vùng. Những vùng sản xuất lúa 3 vụ không hiệu quả phải bố trí lại mùa vụ theo hướng 2 vụ lúa- 1 vụ màu, 2 vụ lúa- 1 vụ cá, 2 vụ màu- 1 vụ lúa và 2 vụ lúa.
Chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão năm nay, ông Lê Quang Trung- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- nhấn mạnh: “Không được chủ quan, phải chủ động thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin kịp thời nhằm nâng cao nhận thức từ cán bộ và người dân về phòng chống, ứng phó với thiên tai”.
Ông Lê Quang Trung cũng chỉ đạo ngành chuyên môn quan tâm theo dõi diễn biến khí tượng, thủy văn, thiên tai để kịp thời thông báo, cảnh báo cho các cơ quan, tổ chức, người dân có biện pháp phòng tránh, ứng phó kịp thời và hiệu quả.
Đồng thời, nhanh chóng triển khai thi công, hoàn thành các công trình thủy lợi phục vụ phòng chống thiên tai. Ngoài biện pháp công trình, phải chú trọng đến biện pháp phi công trình phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.
Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho biết, lúa đổ ngã rất khó để khắc phục sự cố và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến năng suất. Vụ Thu Đông sẽ rơi vào cao điểm mùa mưa lũ nên các địa phương khuyến cáo người dân áp dụng các biện pháp canh tác để hạn chế lúa đổ ngã ngay từ đầu vụ nhằm hạn chế thiệt hại bằng việc chọn giống cứng cây, gieo sạ mật độ vừa phải, bón phân cân đối, tháo nước giữa vụ để tránh đất bị nhão. |
Bài, ảnh: LÊ SƠN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin