Nới lỏng điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng

09:07, 01/07/2020

Các giải pháp hỗ trợ hiện nay phần lớn mới tập trung vào người lao động, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, với các doanh nghiệp mặc dù đã có các chính sách vay vốn nhưng chưa thực sự hỗ trợ nhiều.

 

Các giải pháp hỗ trợ hiện nay phần lớn mới tập trung vào người lao động, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, với các doanh nghiệp mặc dù đã có các chính sách vay vốn nhưng chưa thực sự hỗ trợ nhiều.

Nhiều doanh nghiệp đã phải nghỉ luân phiên, giảm giờ làm do gặp khó khăn cua COVID-19. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Nhiều doanh nghiệp đã phải nghỉ luân phiên, giảm giờ làm do gặp khó khăn cua COVID-19. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất Chính phủ tiếp tục kéo dài thời gian tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, trước mắt đến hết năm 2020; tăng cường hỗ trợ đào tạo nghề cho lực lượng lao động bị mất việc làm, giúp họ có cơ hội trở lại thị trường lao động. Đặc biệt, bộ đã trình Chính phủ nới lỏng điều kiện, tiêu chí để doanh nghiệp có thể tiếp cận gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng.

31 triệu người bị ảnh hưởng

Trong khi số lao động mất việc làm liên tục gia tăng thì kết quả giải quyết việc làm trong 6 tháng đầu năm còn thấp, ước tính giải quyết việc làm cho 540.000 lao động, đạt 36,5% kế hoạch đặt ra, bằng 76,1% cùng kỳ năm trước. Nhu cầu tuyển dụng lao động mặc dù tháng 6 bắt đầu gia tăng so với 5 tháng đầu năm nhưng vẫn rất thấp so với cùng kỳ năm 2019, tại Thành phố Hồ Chí Minh giảm 28%, Hà Nội giảm 23%...

Theo ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), tính đến tháng Sáu năm nay, cả nước có gần 31 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, bao gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập...; trong đó số người bị ảnh hưởng do giảm thu nhập chiếm tỷ trọng lớn nhất với 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng. Một số doanh nghiệp như Công ty trách nhiệm hữu hạn PouYuen Việt Nam dự kiến cắt giảm gần 3.000 lao động; Công ty Dệt may Huê Phong, Công ty gỗ Woodworth Wooden cũng đã xây dựng kế hoạch cắt giảm hơn 2.000 lao động do lượng đơn hàng giảm đến 50%.

Sau thời gian giãn cách xã hội, doanh nghiệp du lịch nội địa chưa khởi sắc. Trong khi đó, việc đưa người Việt Nam ra nước ngoài cũng chưa thể thực hiện... Có thể nói, đại dịch COVID-19 đã tác động trầm trọng tới doanh nghiệp ngành du lịch. Ông Đỗ Anh Tuấn, đại diện Tổng công ty du lịch Hà Nội (Hanoitourist), cho biết kết quả kinh doanh của Hanoitourist hai quý đầu năm chỉ đạt 9% kế hoạch năm; lượng khách lưu trú giảm 39%, công suất phòng giảm 43% so với cùng kỳ năm 2019.

“Mặc dù đã phải cho lao động nghỉ luân phiên, giảm giờ làm đồng thời ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh, tái cơ cấu doanh nghiệp nhưng tình hình vẫn rất khó khăn,” ông Đỗ Anh Tuấn cho hay.

Cũng theo bà Nguyễn Hoài Thu, Phó Giám đốc Saigontourist, công ty vẫn đang cố gắng giữ nguồn lực, chưa cắt giảm nhân sự. Tuy nhiên, đến hết tháng Sáu, nguồn tích lũy của doanh nghiệp đã dần cạn. Do đó, doanh nghiệp đang rà soát lao động để có biện pháp mới trong những tháng tiếp theo.

Sửa điều kiện tiếp cận gói hỗ trợ cho doanh nghiệp

Trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 15/QĐ-CP về thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch, các giải pháp phần lớn mới tập trung hỗ trợ người lao động, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Với các doanh nghiệp, mặc dù đã có các chính sách như vay vốn để trả lương ngừng việc; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất... nhưng vẫn chưa thực sự thoát khỏi khó khăn.

Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ nguồn vốn tín dụng (16.000 tỷ đồng) cho người sử dụng lao động (doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình...) vay vốn trả lương ngừng việc để nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều địa phương, doanh nghiệp chính sách hỗ trợ vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động đang có vướng mắc liên quan đến việc xác định gặp khó khăn về tài chính theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg. 

Với quy định doanh nghiêp phải “đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả lương cho người lao động ngừng việc” thì hiện nay chưa có doanh nghiệp nào tiếp cận được nguồn vốn vay này.

Trước thực trạng này, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết cơ quan này đã đề xuất Chính phủ tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm ổn định cho người lao động. 

“Với gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có văn bản trình Chính phủ nới lỏng một số điều kiện, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận. Ngoài ra, bộ đang nghiên cứu đề xuất Chính phủ cho phép doanh nghiệp được sử dụng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động,” Thứ trưởng Lê Văn Thanh nói.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo Quyết định Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 13 Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Theo đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sửa điều kiện doanh nghiệp tiếp cận vay vốn là  “Doanh thu quý 1/2020 giảm từ 20% trở lên so với quý 4/2019 hoặc so với cùng kỳ năm 2019” thay vì phải “đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả lương cho người lao động ngừng việc.”/.

Theo Hồng Kiều (Vietnam+)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh