Tại hội thảo "Hậu Giang mở mang đô thị" vừa qua, các nhà đầu tư đã chia sẻ về những vấn đề quan tâm, những mặt cần địa phương hỗ trợ… Từ hội thảo cho thấy "những việc cần làm" để biến đô thị thành "điểm đến" đầu tư.
Hậu Giang chủ trương mở mang đô thị để tạo đột phá phát triển. |
Tại hội thảo “Hậu Giang mở mang đô thị” vừa qua, các nhà đầu tư đã chia sẻ về những vấn đề quan tâm, những mặt cần địa phương hỗ trợ… Từ hội thảo cho thấy “những việc cần làm” để biến đô thị thành “điểm đến” đầu tư.
Sự hỗ trợ và chính sách tốt
Đề cập đến việc tại Hậu Giang đã xuất hiện các nhà đầu tư có tiềm lực như FLC, Đất Xanh, Cát Tường… ông Ngô Quang Phúc- Tổng Giám đốc điều hành Phú Đông Group, Chủ nhiệm CLB Địa ốc Saigon Times (thuộc nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn) cho rằng, việc thu hút các nhà đầu tư uy tín là cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) khác ở TP Hồ Chí Minh đến Hậu Giang tìm hiểu đầu tư.
Theo ông Ngô Quang Phúc, các DN địa ốc ở TP Hồ Chí Minh có 2 mô hình kinh doanh là đầu tư bất động sản và làm dịch vụ kinh doanh bất động sản. Vì TP Hồ Chí Minh hiện đang có sự cạnh tranh rất cao nên DN mong muốn tìm kiếm môi trường mới.
Theo đó, những tỉnh nào có chính sách thu hút đầu tư tốt thì DN sẽ ưu tiên đầu tư trước. Theo đó, việc địa phương cung cấp thông tin chính xác cho nhà đầu tư sẽ giúp DN yên tâm. Đồng thời, cần sự cam kết, tính thực thi của cơ quan nhà nước.
“Có những dự án khi tìm hiểu rất thuận lợi nhưng khi bắt tay vào làm các bước tiếp theo thì rất khó khăn vì bước nào cũng liên quan đến cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, sự cam kết tạo thuận lợi của địa phương với cộng đồng DN rất quan trọng”- ông Ngô Quang Phúc nói. Ông Ngô Quang Phúc cũng lý giải về việc giá bất động sản hiện nay cao một phần do sự kéo dài của công tác đầu tư. Trong đó, khó khăn hiện nay là khâu giải phóng mặt bằng do đó rất cần sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước…
Cho biết đã tiếp cận các dự án ở Hậu Giang từ năm 2018 và hiện có một số dự án đang làm các thủ tục đầu tư, ông Phạm Quang Hiếu- Giám đốc Đầu tư khu vực phía Nam (Công ty CP Tập đoàn FLC)- nói:
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án tại Hậu Giang, cần đẩy nhanh công tác thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng dự án đầu tư có sử dụng đất và đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng. Ông bày tỏ: “Nhà đầu tư rất mong muốn được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật và quy định riêng của tỉnh”.
Ông Dương Long Thành- Chủ tịch HĐQT Thắng Lợi Group- Chủ nhiệm CLB Doanh nhân 2030 thuộc Saigon Times Group- gợi ý, trong bối cảnh vị trí địa lý của Hậu Giang không “sáng” hơn so với các địa phương khác, thì địa phương cần lấy lợi thế cải cách hành chính để thu hút đầu tư.
Chiến lược, tầm nhìn dài hạn
Chia sẻ về việc cách đây 2 năm DN đã nghiên cứu về Hậu Giang để chọn dự án sẽ đầu tư, ông Nguyễn Văn Tuấn- Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn Địa ốc Cát Tường nói: “Chúng tôi thấy được chiến lược dài hạn của tỉnh nên quyết định gắn bó lâu dài”. Theo ông, các chính sách thu hút đầu tư của Hậu Giang là bước đi mang tầm chiến lược để thu hút các nhà đầu tư vào mở mang đô thị.
Còn ông Nguyễn Vũ- Giám đốc đầu tư Tập đoàn Đất Xanh- cho rằng, chủ trương mở mang đô thị cùng với các chương trình phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch xanh và khả năng hỗ trợ, chính sách thu hút DN của tỉnh… góp phần đưa Hậu Giang thành “điểm sáng”.
Nhờ vậy, trong vòng 2 năm qua “mảng đô thị” của tỉnh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư tìm hiểu và chọn đầu tư. Theo ông Nguyễn Vũ, bên cạnh chú trọng phát triển loại hình bất động sản công nghiệp là nền tảng phát triển bền vững cho nền kinh tế, Hậu Giang cần phát triển cân bằng và đa dạng hóa các loại hình bất động sản khác như bất động sản nhà ở, thương mại- dịch vụ; phát triển các khu phức hợp với quy mô lớn và đa dạng loại hình giải trí, chú trọng vào tính tiện ích để thu hút dân cư.
Bà Lê Thị Truyền- Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Phát triển hạ tầng Hợp Lực- cho biết, có thế mạnh về nông nghiệp như Hậu Giang thì cần tìm đầu ra cho nông nghiệp. Bà Truyền đề xuất, Hậu Giang nên đầu tư các khu công nghiệp kết hợp với đô thị cùng với việc phát triển logistics.
Đại diện Tập đoàn bất động sản Nam Hưng (Bắc Ninh)- đơn vị đang có dự án đầu tư nhà ở xã hội ở tỉnh Hậu Giang- cho rằng địa phương nên đẩy mạnh thu hút cơ chế đầu tư theo hình thức BT bởi “đây là hình thức kêu gọi đầu tư được tỉnh Bắc Ninh triển khai rất hiệu quả”.
Theo gợi ý của đơn vị này, tỉnh Hậu Giang nên thành lập đội phản ứng nhanh để “khi các dự án đầu tư gặp khó khăn, thì đội phản ứng nhanh này sẽ hỗ trợ, nhất là về các thủ tục đầu tư, xây dựng cho các nhà đầu tư khi đầu tư vào địa phương”.
Đô thị khẳng định đầu tàu, động lực cho phát triển kinh tế- xã hội địa phương |
Ông Lê Tiến Châu- Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang- ghi nhận những ý kiến DN, nhà đầu tư chia sẻ tại hội thảo là “thiết thực và bổ ích”. Vị lãnh đạo này nhấn mạnh, những nội dung của hội thảo là nguồn tư liệu quý trong xây dựng và phát triển đô thị, tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Trong đó, ưu tiên phát triển đô thị bền vững gắn với bảo vệ môi trường sống và nâng cao hiệu quả kinh tế trong mọi dự án đầu tư. Thiết nghĩ, từ chia sẻ này cũng là “nguồn tư liệu quý” cho các địa phương đang mở mang đô thị bởi từ lâu đô thị đã khẳng định vai trò là động lực cho phát triển.
Năm 2004, Hậu Giang có 9 đô thị (8 đô thị loại V, 1 đô thị loại IV) và hiện là 16 đô thị (có 1 đô thị loại II, 2 đô thị loại III, còn lại loại V). Để định hướng xây dựng và kêu gọi thu hút đầu tư, có 335 danh mục đồ án quy hoạch được lập và phê duyệt; tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung đô thị đạt 100%; quy hoạch phân khu đạt 62,6%, quy hoạch chi tiết đạt 31,7%. Đến nay, địa phương đã lựa chọn và công nhận chủ đầu tư đối với 19 dự án khu đô thị mới, nhà ở thương mại; cho chủ trương nghiên cứu, tiếp cận lập quy hoạch chi tiết để đề xuất đầu tư đối với 62 dự án. |
Bài, ảnh: SÔNG HẬU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin