Nhiều yếu tố khiến doanh số bán xe máy giảm mạnh

02:07, 13/07/2020

Sau khi giảm hơn 3% trong quý đầu năm, bước sang Quý II/2020, doanh số bán xe của Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) giảm 30,77% so với cùng kỳ năm trước.

Sau khi giảm hơn 3% trong quý đầu năm, bước sang Quý II/2020, doanh số bán xe của Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) giảm 30,77% so với cùng kỳ năm trước.

Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) cho biết, doanh số bán hàng trong Quý II/2020 của 5 đơn vị thành viên đạt tổng cộng 518.920 xe các loại, giảm 30,77% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, trung bình mỗi tháng, 5 đơn vị thành viên của VAMM là Honda, Piaggio, Suzuki, SYM và Yamaha bán ra gần 173.000 xe và bình quân mỗi ngày có xấp xỉ 5.800 xe máy được tiêu thụ trên khắp cả nước.

Ngoài ra, thị trường xe máy Việt Nam còn có sự góp mặt của thương hiệu trong nước như VinFast, PEGA Việt Nam cùng các thương hiệu Ducati, Kawasaki, BMW, KTM, Benelli, Harley Davidson, Triumph, Royal Enfield, Motorrad… đang phân phối sản phẩm ở Việt Nam. Tuy nhiên, các đơn vị này không phải là đơn vị thành viên của VAMA nên không có số liệu báo cáo bán hàng này.

Trong các liên doanh, Honda Việt Nam hiện đang chiếm lĩnh đến 80% thị phần xe máy tại thị trường Việt Nam, số còn lại chia lần lượt cho các thương hiệu Yamaha, Piaggio, Suzuki và SYM Việt Nam.

Honda Việt Nam cho biết, chỉ tính riêng trong tháng 6 vừa qua, liên doanh này có doanh số bán xe máy đạt 174.755 xe các loại, giảm 3% so với tháng trước và giảm 4% so với cùng kỳ năm 2019 

Hiện nay, các đơn vị thành viên của VAMA cung cấp ra thị trường đa dạng dòng sản phẩm với khoảng 100 mẫu xe, từ sản xuất lắp ráp trong nước đến nhập khẩu về phân phối, bao gồm các dòng xe số, xe tay ga, xe côn tay và xe phân khối lớn với giá bán từ 18 triệu đến 1,2 tỷ đồng/xe, tùy sản phẩm, phiên bản và thương hiệu.

Với dải sản phẩm đa dạng và phong phú này, các liên doanh đã không bỏ sót bất cứ nhu cầu ở phần khúc nào của khách hàng, còn người tiêu dùng trong nước có nhiều sự lựa chọn khi mua sản phẩm phù hợp với điều kiện kinh tế của mình hơn.

Theo nhận định của giới chuyên môn, bên cạnh tác động của dịch COVID-19 và giãn cách xã hội đã ảnh hưởng đến sức mua của người dân trong Quý II vừa qua, thì doanh số bán xe của các liên doanh còn phải chia sẻ với các đơn vị không phải là thành viên VAMM đang phân phối đa dạng dòng xe tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, thị trường xe máy Việt Nam cũng đã bước vào giai đoạn bão hòa nên doanh số bán xe trong Quý II không tăng trưởng mạnh như trước đây. 

Cùng với đó, xu hướng người dân đang chuyển dịch sang sử dụng xe máy điện thân thiện với môi trường, mua sắm ô tô hoặc lựa chọn phương tiện công cộng để đi lại… cũng đã góp phần giảm doanh số bán xe của các doanh nghiệp như hiện nay.

Theo Văn Xuyên (TTXVN)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh