Doanh nghiệp (DN) có cơ hội quảng bá được thương hiệu, người sản xuất có đầu ra ổn định, người tiêu dùng mua được hàng hóa có chất lượng, nguồn gốc rõ ràng,… Đó là những lợi ích và hiệu quả thiết thực từ các chương trình kết nối cung cầu mang lại trong thời gian qua. Đây còn được xem là kênh giúp khơi thông thị trường, giúp DN đến gần nhà phân phối hơn.
Doanh nghiệp mạnh dạn hơn khi tham gia các chương trình kết nối cung cầu. |
Doanh nghiệp (DN) có cơ hội quảng bá được thương hiệu, người sản xuất có đầu ra ổn định, người tiêu dùng mua được hàng hóa có chất lượng, nguồn gốc rõ ràng,… Đó là những lợi ích và hiệu quả thiết thực từ các chương trình kết nối cung cầu mang lại trong thời gian qua. Đây còn được xem là kênh giúp khơi thông thị trường, giúp DN đến gần nhà phân phối hơn.
Góp phần giải quyết “điểm nghẽn” đầu ra
Nhiều năm qua, với vai trò làm trung gian, Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh (Sở Công thương) đã giúp các DN sản xuất trong tỉnh và DN phân phối đến gần nhau hơn. Bên cạnh việc thường xuyên tiếp cận, tháo gỡ khó khăn, trung tâm còn tăng cường hỗ trợ cung cấp thông tin, nghiên cứu tìm kiếm thị trường để tìm đầu ra cho sản phẩm của các DN, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, các chương trình kết nối cung cầu hàng hóa được xem là một trong những giải pháp tốt nhất để giúp DN sản xuất trong tỉnh có cái nhìn mới, có hướng đi đúng trong giai đoạn hiện nay.
Nhiều cơ sở, DN cho hay, trước kia, mặc dù sản phẩm được sản xuất theo hướng an toàn, tuy nhiên vẫn không có được đầu ra ổn định, bởi sản phẩm chưa có thương hiệu, chưa tạo được lòng tin vững chắc từ người tiêu dùng.
Nhờ tham gia các chương trình kết nối, gặp gỡ các nhà phân phối lớn, các kênh phân phối hiện đại, người tiêu dùng ở nhiều địa phương,… đến nay sản lượng tiêu thụ cũng như doanh thu của những đơn vị này đã tăng lên, sản xuất ngày càng phát triển, thị trường cũng được mở rộng hơn.
Tích cực tham gia các chương trình kết nối cung cầu, ông Đoàn Văn Tài- Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt (xã Trung Ngãi- Vũng Liêm)- cho biết: “Tham gia các chương trình kết nối cung cầu là cơ hội để quảng bá, giới thiệu hình ảnh, thương hiệu, nâng cao uy tín và hiệu quả kinh doanh.
Đồng thời, cũng thông qua các chuyến đi kết nối, đã giúp cải thiện tốt kỹ năng giao tiếp, tự giới thiệu sản phẩm, tiếp cận được nhiều đối tác là các nhà phân phối, nhất là các cửa hàng lớn ở các tỉnh- thành bạn, từ đó tiếp tục mở rộng thị trường ra các tỉnh trong khu vực”.
Theo bà Huỳnh Thị Thùy Linh- Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương), tham gia các chương trình kết nối cung cầu không chỉ giúp DN tăng doanh thu, có đầu ra mà còn tạo ra môi trường và động lực cho DN chủ động tham gia tìm kiếm đối tác, thị trường.
Đồng thời, nâng cao ý thức của người sản xuất về việc xây dựng thương hiệu, nắm bắt kịp thời nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng, từ đó, có những cải tiến về chất lượng, mẫu mã sản phẩm để phù hợp với xu hướng, thị hiếu thị trường.
Ông Nguyễn Trung Kiên- Phó Giám đốc Sở Công thương- nhận định: Các chương trình kết nối sẽ góp phần tăng cường liên kết giữa các vùng miền, trao đổi thông tin và hợp tác tiêu thụ hàng hóa, khơi thông thị trường, góp phần giải quyết “điểm nghẽn” đầu ra. Qua đó, từng bước giúp DN thoát ra khỏi tư duy ngại thay đổi, thụ động, chủ động kết nối với các kênh phân phối.
DN cần nỗ lực, chủ động hơn
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Công thương, dù đã có nhiều chuyển biến, nhưng quy mô sản xuất cũng như năng lực của một số DN, cơ sở còn nhỏ lẻ, sản xuất theo tập quán truyền thống, nên chưa đáp ứng được yêu cầu về thủ tục, chưa bảo đảm chất lượng trong các khâu bảo quản, vận chuyển… nên khó đưa vào hệ thống phân phối hiện đại.
Chủ một cơ sở sản xuất thực phẩm tại TP Vĩnh Long, cho hay: “Kênh phân phối ở chợ, cửa hàng, đại lý thì dễ tiếp cận, tuy nhiên để vào kênh phân phối hiện đại như siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi thì “khó nuốt hơn”, bởi các tiêu chí khắt khe, đòi hỏi nhiều quy định mà cơ sở nhỏ dù rất muốn nhưng rất khó thực hiện được”.
“DN trong tỉnh phần lớn là DN vừa và nhỏ lại thiếu chủ động thay đổi tư duy kinh doanh, tiếp cận thị trường nên sức cạnh tranh còn hạn chế so với DN các tỉnh- thành khác. Trong khi đó, đội ngũ nhân sự của DN làm công tác xúc tiến thương mại, thị trường chưa chuyên nghiệp, chưa chủ động nắm bắt cơ hội mang lại khi tham gia các chương trình, chưa chủ động kết nối tạo mối quan hệ với các nhà phân phối”- bà Huỳnh Thị Thùy Linh cho biết thêm.
Các chương trình kết nối cung cầu đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. |
Theo ông Nguyễn Trung Kiên, xu hướng tiêu dùng hiện nay đòi hỏi các sản phẩm cần bảo đảm chất lượng, an toàn, truy xuất được nguồn gốc, thân thiện với môi trường, giá thành hợp lý... Không bảo đảm các yêu cầu trên, nông sản, hàng hóa của các cơ sở, DN sẽ gặp khó khi tiêu thụ.
Do đó, để nâng cao khả năng cạnh tranh, tồn tại và phát triển bền vững, đòi hỏi DN phải sản xuất, cung ứng hàng hóa theo đúng nhu cầu của thị trường. Đặc biệt xây dựng và phát triển các chuỗi sản xuất có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, sản xuất theo hướng hữu cơ… để tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, đồng đều, đảm bảo các tiêu chí nhà phân phối, nhà cung ứng đặt ra.
“Quan trọng hơn hết là DN phải đổi mới tư duy, không thể sản xuất tiêu thụ theo lối mòn, tới đâu hay tới đó mà phải có chiến lược phát triển kinh doanh cụ thể rõ ràng lâu dài. Đồng thời, phải cởi mở, mạnh dạn hơn, mở rộng kênh phân phối, tiêu thụ, vươn ra các tỉnh- thành khác”- ông Nguyễn Trung Kiên cho hay.
Từ 6- 10/7/2020, Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh tổ chức tham gia hội nghị kết nối cung cầu, hoạt động giao thương trưng bày sản phẩm, ký kết hợp đồng, thỏa thuận ghi nhớ… tại Bình Định, Bình Thuận, Nha Trang. Tham gia kết nối lần này Vĩnh Long có các mặt hàng là sản phẩm thế mạnh, tiêu biểu của tỉnh, như: gạo hữu cơ Tấn Đạt, cam sành, cam sành Organics Trà Ôn, đồ chơi gỗ Meo Meo, sản phẩm hóa mỹ phẩm thân thiện môi trường, nước chấm, gia vị và chao dừa, nước uống đóng lon, mứt hoa quả từ vỏ cam, vỏ bưởi, kim chi Hàn Quốc,... |
Bài, ảnh: TRÀ MY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin