Trong định hướng phát triển công nghiệp nông thôn, làng nghề sẽ được khôi phục, phát triển trên cơ sở khuyến khích mọi thành phần kinh tế, huy động mọi nguồn lực tham gia; hướng tới phát triển cụm công nghiệp làng nghề nhằm mở rộng mặt bằng sản xuất, giải quyết bức xúc về môi trường ở các làng nghề hiện nay.
Làng nghề tàu hủ ky Mỹ Hòa có lịch sử hàng trăm năm, đến nay ngày ngày vẫn đỏ lửa. |
Trong định hướng phát triển công nghiệp nông thôn, làng nghề sẽ được khôi phục, phát triển trên cơ sở khuyến khích mọi thành phần kinh tế, huy động mọi nguồn lực tham gia; hướng tới phát triển cụm công nghiệp làng nghề nhằm mở rộng mặt bằng sản xuất, giải quyết bức xúc về môi trường ở các làng nghề hiện nay.
Trong những năm qua, dù gặp không ít khó khăn, song các sản phẩm làng nghề vẫn có một sức sống mãnh liệt nhờ thương hiệu đã được khẳng định qua nhiều năm và mang nét độc đáo riêng của mỗi địa phương. Các ngành nghề nông thôn đã góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu, tạo động lực phát triển kinh tế nông thôn.
Làng nghề tàu hủ ky Mỹ Hòa (xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh) có lịch sử hình thành và tồn tại ngót nghét 100 năm. Làng nghề hiện có khoảng 32 hộ sản xuất, mỗi ngày cho ra lò khoảng 3 tấn tàu hủ, gồm nhiều loại như: tàu hủ miếng lớn, cọng khô, cọng non, tàu hủ ky ướp muối… Có lúc trầm thăng về đầu ra, nhưng vẫn còn nhiều hộ bám trụ với nghề.
Theo ông Đinh Công Hoàng- hộ sản xuất tàu hủ ky, trước đây nhiều người mặc định đó là đồ ăn chay, nhưng bây giờ thực khách khá đa dạng, trong chế biến cũng vậy. Cũng chính vì thế mà làng nghề dần phát triển ngày một mạnh, sản phẩm tiêu thụ không chỉ trong tỉnh mà còn bán được cho khắp các tỉnh miền Tây và lên cả TP Hồ Chí Minh.
Hiện nay, tuy số lượng gia đình theo nghề làm tàu hủ ky ở đây có giảm so với trước, song nhiều hộ quyết tâm bám trụ với nghề, bỏ vốn đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại để sản xuất, gìn giữ làng nghề truyền thống hợp theo xu thế thị trường, góp phần gia tăng lợi nhuận.
Ngoài làng nghề tàu hủ ky Mỹ Hòa, toàn tỉnh hiện còn có khoảng 80 làng nghề khác, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động. Các làng nghề đa dạng với nhiều nhóm nghề như: làng nghề bánh tráng cù lao Mây (Trà Ôn), đan thảm lục bình (Tam Bình), trồng lác và chế biến sản phẩm từ cây lác (Vũng Liêm), sản xuất gạch, gốm mỹ nghệ (Long Hồ, Mang Thít), làng mai vàng Phước Định (Long Hồ)…
Các làng nghề truyền thống không phân bố rải rác mà tập trung ở từng huyện. Chính điều này đã tạo nên điểm nhấn riêng cho từng khu vực. Như khi nhắc đến huyện Vũng Liêm thì có làng nghề trồng và xe lõi lác; huyện Tam Bình thì đan thảm lục bình; Mang Thít thì sản xuất gốm- gạch... Một số làng nghề đã xây dựng được thương hiệu, tên tuổi riêng và được nhiều nơi biết đến cho sản phẩm của mình; đã và đang góp phần đa dạng hóa loại hình du lịch và ít nhiều tăng thêm chất lượng các “tour” và điểm du lịch.
Trong đề án khôi phục và bảo tồn làng nghề thời gian qua, có nhiều chính sách ưu đãi thu hút các doanh nghiệp đầu tư để khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, mở thêm các tuyến tham quan du lịch; đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu và đăng ký thương hiệu sản phẩm có nguồn gốc từ làng nghề; hình thành thêm một số làng nghề mới theo nhu cầu thực tế của thị trường.
Cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại để quảng bá thương hiệu và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm làng nghề. |
Sở Công thương cho biết sẽ chú trọng phát triển cụm công nghiệp làng nghề. Đây là mô hình cụm công nghiệp tập trung quy mô nhỏ. Mục tiêu chủ yếu là phục vụ việc di dời các cơ sở sản xuất của làng nghề, xã nghề ở ngay tại địa phương nhằm mở rộng mặt bằng sản xuất, xử lý ô nhiễm môi trường của các làng nghề.
Phấn đấu đến hết năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 95 làng nghề, tạo việc làm cho 65.000 lao động; giá trị sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp của làng nghề chiếm tỷ trọng 20- 25%; lao động nông thôn tham gia ngành nghề chiếm 18%; phấn đấu từng bước mỗi làng một nghề.
Có thể nói, chính ý thức giữ gìn truyền thống của bà con, cộng với sự quan tâm đầu tư đúng mức của ngành chức năng, các làng nghề truyền thống ở Vĩnh Long vẫn đang được duy trì và có sự phát triển nhất định. Việc cần làm tiếp theo là đẩy mạnh xúc tiến thương mại để quảng bá thương hiệu và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Có một thương hiệu riêng sẽ làm tăng sức cạnh tranh; một đầu ra ổn định sẽ đảm bảo cuộc sống của bà con làm nghề. Qua đó, không những cùng địa phương thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo hiệu quả mà còn góp phần gìn giữ và phát huy những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc.
Để khôi phục và phát triển làng nghề, tỉnh xác định không thực hiện theo “phong trào” mà gắn với khai thác nguồn nguyên liệu, nhân lực địa phương và phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn. Từ năm 2018, Vĩnh Long đã xây dựng chương trình OCOP- mỗi xã một sản phẩm- đến năm 2020 và được tổ chức thực hiện như một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn, theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị cho các sản phẩm địa phương. Trọng tâm của chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế của mỗi xã trên địa bàn theo chuỗi giá trị do tổ chức kinh tế tập thể và tư nhân thực hiện. |
Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin