Báo cáo với Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tại buổi làm việc mới đây, nhiều địa phương ĐBSCL, trong đó có Vĩnh Long cho biết khó khăn, vướng mắc trong thực hiện dự án ODA hiện nay ở khâu điều chỉnh giải pháp kỹ thuật, điều chỉnh tăng giảm quy mô đầu tư một số hạng mục và vướng chủ yếu ở khâu đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB).
Nhiều dự án nguồn vốn ODA làm thay đổi diện mạo hạ tầng ĐBSCL. |
Báo cáo với Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tại buổi làm việc mới đây, nhiều địa phương ĐBSCL, trong đó có Vĩnh Long cho biết khó khăn, vướng mắc trong thực hiện dự án ODA hiện nay ở khâu điều chỉnh giải pháp kỹ thuật, điều chỉnh tăng giảm quy mô đầu tư một số hạng mục và vướng chủ yếu ở khâu đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB).
Tiến độ giải ngân rất thấp
Giai đoạn 2016- 2020, ĐBSCL tiếp nhận 100 dự án với tổng số vốn trên 39.000 tỷ đồng, trong đó 5 tỉnh- thành gồm: TP Cần Thơ, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Bến Tre, Long An có 23 dự án ODA với số vốn vay là 641 triệu USD, chiếm gần 1/3 tổng nguồn vốn ODA cho ĐBSCL.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá 6 tháng đầu năm nay, tiến độ giải ngân vốn ODA các địa phương còn rất thấp, yêu cầu đặt quyết tâm, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ.
Nhiều địa phương kiến nghị với Chính phủ về áp dụng tỷ lệ vay lại vốn ODA, vốn vay ưu đãi ở mức thấp nhất, đối với dự án không giải ngân hết vốn thì cho phép điều chỉnh để giải ngân cho dự án khác...
Đối với Vĩnh Long, năm 2020 có 7 dự án sử dụng vốn ODA do tỉnh trực tiếp làm chủ quản với tổng nguồn vốn là 549,359 tỷ đồng. Trong đó, vốn Trung ương cấp phát theo kế hoạch là 265,935 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn vốn được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2020); địa phương đối ứng 283,424 tỷ đồng.
Cụ thể, 5 dự án đang triển khai thực hiện, gồm: Dự án thí điểm lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng công cộng và đèn cảnh báo an toàn giao thông sử dụng năng lượng mặt trời; hệ thống thủy lợi ngăn mặn, tiếp ngọt khu vực huyện Vũng Liêm thuộc Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC); mở rộng nâng cấp đô thị Việt Nam- Tiểu dự án TP Vĩnh Long, vay vốn WB; đầu tư trang thiết bị Bệnh viện Đa khoa tỉnh, vốn vay của Chính phủ Áo; tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh, vay vốn WB.
2 dự án trong giai đoạn hoàn chỉnh thủ tục là phát triển đô thị và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu TP Vĩnh Long và thu gom, xử lý nước thải TX Bình Minh, vốn vay Chính phủ Hungary.
Trong 6 tháng đầu năm giá trị thực hiện ước khoảng 20,55 tỷ đồng (đạt khoảng 5% so kế hoạch), giải ngân ước 15,55 tỷ đồng (đạt khoảng 4%).
Theo đánh giá, tiến độ thực hiện chậm, chủ yếu do vướng công tác đền bù, GPMB; điều chỉnh quy mô đầu tư; các dự án đang trong giai đoạn tổ chức lựa chọn nhà thầu, thực hiện các thủ tục vay vốn,…
Vĩnh Long đưa ra nhiều kiến nghị
Đối với “Dự án hệ thống thủy lợi ngăn mặn, tiếp ngọt khu vực huyện Vũng Liêm” triển khai thi công từ năm 2019. Hiện chủ đầu tư đang thực hiện một số hạng mục công trình thuộc giai đoạn 1 dự án, ước khoảng 10% khối lượng, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng quý III/2021.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay công tác bồi hoàn GPMB. Trong quá trình triển khai có điều chỉnh tăng giảm quy mô đầu tư một số hạng mục công trình thuộc dự án,... nên cũng đã ảnh hưởng đến tiến độ và làm tăng tổng mức đầu tư.
Qua đây, tỉnh kiến nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch- Đầu tư tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn từ ngân sách trung ương để đầu tư hoàn thành dự án trong giai đoạn 2021- 2025 với tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ khoảng 125,776 tỷ đồng.
Bên cạnh, tỉnh cũng đề nghị xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ bố trí nguồn vốn do Trung ương cấp phát và hỗ trợ nguồn vốn đối ứng cho dự án “Mở rộng nâng cấp đô thị Việt Nam- Tiểu dự án TP Vĩnh Long” trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 để triển khai thực hiện dự án theo tiến độ.
Bởi khó khăn, vướng mắc dự án này hiện nay là quy trình, thủ tục thực hiện công tác đền bù, GPMB, tái định cư cho dự án thực hiện theo quy trình, trình tự, nội dung khung chính sách tái định cư nên tiến độ thực hiện chậm. Bên cạnh đó, hiện vẫn còn một số hộ dân khiếu nại, chưa nhận tiền đền bù.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh ghi nhận đề xuất các địa phương và lưu ý, nguyên tắc không dùng vốn ODA cho công tác GPMB, vì vậy phải tập trung mọi nguồn lực của mình để có mặt bằng sạch. Các tỉnh quyết liệt hơn nữa trong việc giải ngân nguồn vốn ODA trong năm 2020.
Khi xây dựng các dự án mới, phải chuẩn bị sẵn mặt bằng, nếu để đến khi ký kết xong mới GPMB thì làm nguồn vốn đắt hơn rất nhiều, kéo dài thời gian thực hiện các dự án cũng là tính hiệu quả.
Về điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với một số dự án, Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh tuân thủ theo quy định hiện hành và sớm trình cơ quan có thẩm quyền để phối hợp, hỗ trợ.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông- Vận tải Nguyễn Nhật, nhiều dự án nguồn vốn ODA làm thay đổi diện mạo hạ tầng khu vực ĐBSCL như: cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống,... Cùng với dự án kết nối Mekong gồm cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống đã được vận hành, đến tháng 9/2020, dự án Lộ Tẻ- Rạch Sỏi hoàn thiện góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông cho khu vực. Tuy nhiên, để cho giao thương khu vực tứ giác Long Xuyên nói riêng, ĐBSCL nói chung đảm bảo thuận lợi, Thứ trưởng Nguyễn Nhật đề nghị Bộ Tài chính đẩy nhanh tiến độ thủ tục theo quy định để các dự án liên quan được triển khai sớm. |
Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin