Du lịch nội địa phục hồi nhanh, mang đến hình ảnh Việt Nam năng động

01:07, 09/07/2020

Sau khi Việt Nam kiểm soát được dịch COVID-19, du lịch Việt Nam đã bắt đầu khởi động trở lại từ đầu tháng 5 và có tăng trưởng trong những tháng gần đây. Một loạt các địa phương, doanh nghiệp thực hiện các giải pháp nhằm khôi phục ngành du lịch, mang đến một hình ảnh Việt Nam năng động.

Sau khi Việt Nam kiểm soát được dịch COVID-19, du lịch Việt Nam đã bắt đầu khởi động trở lại từ đầu tháng 5 và có tăng trưởng trong những tháng gần đây. Một loạt các địa phương, doanh nghiệp thực hiện các giải pháp nhằm khôi phục ngành du lịch, mang đến một hình ảnh Việt Nam năng động.

Đoàn khảo sát kích cầu du lịch khảo sát dịch vụ du lịch tại các tỉnh Nam Trung Bộ - Tây Nguyên.
Đoàn khảo sát kích cầu du lịch khảo sát dịch vụ du lịch tại các tỉnh Nam Trung Bộ - Tây Nguyên.

 

Vươn lên sau dịch

Từ cuối tháng 1/2020, dịch COVID-19 bùng phát mạnh, lan rộng nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đến ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế thế giới chính thức tuyên bố đại dịch toàn cầu làm hoạt động du lịch quốc tế bị ngừng trệ hoàn toàn. Du lịch Việt Nam cũng lâm vào cảnh tương tự.

Với việc hoạt động du lịch quốc tế bị ngừng trệ từ cuối tháng 3 đến nay, lượng khách quốc tế 6 tháng đầu năm dừng lại gần 3,7 triệu lượt (chủ yếu là khách đến trong quý I/2020), giảm 57%. Khách du lịch nội địa đạt 23 triệu lượt, giảm 50%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 176.800 tỷ đồng, giảm 48%.

Đại dịch đã tác động nặng nề đến hoạt động ngành du lịch, khoảng 95% các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế trên cả nước dừng hoạt động. Gần 140 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép. Công suất phòng trung bình của các cơ sở lưu trú chỉ đạt khoảng 20%.

Ngay sau khi Việt Nam khống chế thành công dịch COVID-19, Tổng cục Du lịch đã tham mưu Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” từ đầu tháng 5/2020 để kích cầu du lịch nội địa, tạo đà tái khởi động hoạt động du lịch.

Hai trung tâm du lịch vùng của cả nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều chương trình liên kết xúc tiến quảng bá. Ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, thời điểm này, các đơn vị cần tăng cường liên minh, phối hợp tốt hơn với nhau để có sản phẩm giá thành hợp lý, tạo dựng tour mới để thu hút khách. Từ đầu tháng 5, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động liên kết du lịch với các địa phương như: Lai Châu, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Ninh Bình… kết nối, quảng bá điểm đến; doanh nghiệp xây dựng các tour du lịch cụ thể đảm bảo sự an toàn, hấp dẫn.

Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng tổ chức chương trình liên kết kích cầu Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, đối với vùng Đông Nam Bộ, các doanh nghiệp du lịch đã xây dựng ba chương trình kích cầu liên tour liên tuyến mớ, gồm: tour TP Hồ Chí Minh - Tây Ninh - Bình Dương với chủ đề “Sắc xanh ngày mới”, “Chinh phục nóc nhà Nam Bộ"; tour TP Hồ Chí Minh - Bình Dương - Bình Phước với chủ đề “Tình đất đỏ miền Đông”; tour TP Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu với chủ đề “Thiên nhiên xanh mát, sắc biển hòa ca”. Tất cả các tour đều giảm giá 30%.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức liên kết với 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL giai đoạn 2020-2025 với hơn 50 chương trình kích cầu. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Để đẩy mạnh kích cầu khách du lịch nội địa đến 13 tỉnh, thành ĐBSCL trong những tháng cuối năm 2020, các địa phương sẽ thực hiện 3 chương trình du lịch gồm: Những nẻo đường phù sa, Sắc màu vùng biên, Non nước hữu tình.

Bên cạnh đó, sau các chuyến khảo sát liên kết các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên, vùng Đông Bắc, Tây Bắc, các doanh nghiệp cũng đưa ra nhiều sản phẩm du lịch trải nghiệm liên tuyến như Đà Nẵng – đảo Lý Sơn; Gia Lai – Bình Định; Mộc Châu (Sơn La); Quảng Ninh – Lạng Sơn…

Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, tổng lượt khách đến tham quan, du lịch Đà Nẵng trong tháng 6 đạt 454.764 lượt, so với tháng 5/2020, con số này tăng 85%, trong đó khách nội địa tăng 90% (tăng 209.292 lượt khách). Lượt khách do các cơ sở lưu trú du lịch phục vụ tăng 60% so với tháng 5; công suất phòng trung bình đạt 30%, tăng 65% so với công suất phòng trung bình 18% của tháng 5.

Ông Nguyễn Hoàng Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Định cho biết, ngay sau khi kinh doanh dịch vụ du lịch được hoạt động trở lại sau giãn cách xã hội, Hiệp hội Du lịch Bình Định đã tổ chương trình “Kích cầu du lịch Bình Định 2020” lần thứ 2 với sự tham gia của 40 doanh nghiệp với mức giảm giá dịch vụ khách sạn từ 10% và giảm từ 40 - 50% giá vé vào cổng các địa điểm du lịch, đảm bảo chất lượng dịch vụ không giảm. Nhờ đó, lượng khách quay trở lại Bình Định từ tháng 6 tăng 60%, công suất phòng dịp này cũng đạt 60%. Hiện các khách sạn thành phố Quy Nhơn cũng đã được khách đặt trong tháng 7 và tháng 8 lên tới 80%.

"Để giữ trên khách lưu lại Bình Định lâu hơn, các doanh nghiệp trong Hiệp hội du lịch Bình Định sẽ tạo thêm một số sản phẩm mới mang bản sắc đặc trưng của vùng đất Bình Định, trong đó vẫn chú trọng du lịch biển đảo và du lịch ở các điểm văn hóa gắn với làng nghề cộng đồng", ông Nguyễn Hoàng Vũ cho biết.

Đánh giá của Tổng cục Du lịch, sau 2 tháng phát động, hoạt động du lịch nội địa đã phục hồi rõ rệt. Lượng chuyến bay trong nước của các hãng hàng không đã hồi phục, thậm chí còn mở thêm nhiều đường bay mới với sản lượng từ giữa tháng 6 vượt 20% so với cùng kỳ năm 2019. Công suất phòng lưu trú đã tăng 50-60% vào ngày giữa tuần và 80-90% cuối tuần. Lượng khách nội địa tháng 6 đạt 7 triệu lượt tăng 2,3 lần so với tháng 5/2020.

Đẩy mạnh quảng bá trên nền tảng số

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng đánh giá, du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, dễ bị tổn thương bởi những sự cố, khủng hoảng. Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động du lịch thế giới nói chung và Việt Nam, tình hình diễn biến vẫn còn rất phức tạp. Do vậy, công tác dự báo là rất quan trọng, cần được thường xuyên quan tâm để bảo đảm chủ động trong các tình huống. Đặc biệt, đây là cơ hội triển khai tốt quá trình chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh, đẩy mạnh quảng bá du lịch trên các nền tảng số.

Do đó, Tổng cục Du lịch tiếp tục chú trọng đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; Tập trung nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cơ cấu lại thị trường, sản phẩm phù hợp với bối cảnh mới. Sau dịch COVID-19, khách du lịch cũng hình thành xu hướng đi du lịch mới và đây cũng là thời điểm tái cơ cấu ngành du lịch theo hướng bền vững, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia phát triển du lịch Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đánh giá: Các hoạt động kích cầu du lịch nội địa đang diễn ra sôi động trên phạm vi cả nước. Các chương trình liên kết, hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp đã tạo ra những sản phẩm, gói kích cầu hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân đi du lịch trong nước. Đây mới là những kết quả tích cực ban đầu và sớm có giải pháp đồng bộ để du lịch nội địa tăng trưởng, lan tỏa sâu rộng và bền bỉ, tạo thành một xu hướng người Việt Nam thích đi du lịch trong nước.

Ngành du lịch cũng cần chuẩn bị sẵn sàng các phương án tổ chức hoạt động du lịch quốc tế ngay sau khi Chính phủ cho phép mở lại. Dự báo du lịch khu vực và thế giới hậu COVID-19 sẽ cạnh tranh gay gắt và cần chủ động, sẵn sàng để nắm bắt cơ hội ngay khi điều kiện cho phép.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết: Ngày 9/7/2020 là thời điểm các thế hệ những người làm du lịch nhìn lại quá trình lịch sử 60 năm xây dựng và phát triển.

Du lịch Việt Nam đã vươn lên trở thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước, đón và phục vụ trên 100 triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế, đóng góp 9,2% GDP, tạo ra hàng triệu việc làm và là động lực thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực khác. Du lịch Việt Nam là điểm sáng trên bản đồ du lịch thế giới, được cộng đồng quốc tế công nhận với nhiều giải thưởng hàng đầu. Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch cả nước được đầu tư ngày càng mạnh mẽ, năm 1990 mới có 350 cơ sở với 16.700 buồng thì đến hết năm 2019 cả nước đã có 30.000 cơ sở lưu trú du lịch với 650.000 buồng. Như vậy, sau 30 năm đổi mới và mở cửa hội nhập với nền kinh tế thế giới, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch của ngành Du lịch Việt Nam đã tăng 85 lần về số cơ sở và tăng 39 lần về số buồng.

Về khách du lịch quốc tế, nếu như năm 1990 mới chỉ có 250.000 lượt khách quốc tế đến Việt Nam thì năm 2019 đạt hơn 18 triệu lượt, tăng 72 lần so với năm 1990. Tốc độ tăng trưởng hàng năm thường đạt mức 2 con số, đặc biệt là giai đoạn 2015-2019 đạt 22,7% mỗi năm. Khách du lịch nội địa tăng 85 lần, từ 1 triệu lượt vào năm 1990 lên 85 triệu lượt vào năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch, năm 2019 du lịch Việt Nam đạt 755.000 tỷ đồng (tương đương 32,8 tỷ USD).

Theo Xuân Cường/Báo Tin tức

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh