Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, bền vững

07:07, 29/07/2020

Nhiệm kỳ 2015- 2020, thông qua thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, huyện Bình Tân đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

 

 

Nhiều nông dân ở huyện Bình Tân đang đầu tư nhà lưới luân canh các loại rau màu, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhiều nông dân ở huyện Bình Tân đang đầu tư nhà lưới luân canh các loại rau màu, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhiệm kỳ 2015- 2020, thông qua thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, huyện Bình Tân đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Nâng giá trị trên cùng diện tích canh tác

Thực hiện Đề án số 03 của Tỉnh ủy về nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững giai đoạn 2016- 2020, huyện Bình Tân đã tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đáp ứng nhu cầu của thị trường, giảm diện tích trồng lúa kém hiệu quả, tăng diện tích trồng màu và vườn cây ăn trái. Đồng thời, xây dựng mô hình chuyên canh, đa dạng hóa các chủng loại rau màu.

Chị Bùi Thị Bé Hai (ấp Tân Hiệp- xã Tân Bình) vừa chuyển hơn 3 công chuyên canh lúa kém hiệu quả sang trồng luân canh cải bẹ dún và cà phổi. Theo chị, đây là 2 loại cây trồng ngắn ngày, mau thu hoạch và tương đối dễ trồng.

Cụ thể, cải bẹ dún có thể thu hoạch sau hơn 30 ngày, cà phổi thu hoạch sau hơn 50 ngày nhưng được nhiều đợt nên nếu chịu khó chăm sóc sẽ mang lại sản lượng, thu nhập khá. Hiện cải bẹ dún có giá tương đối ổn định từ 7.000- 8.000 đ/kg, cà phổi cũng có giá trên dưới 8.000 đ/kg. “Vừa thu hoạch xong cải bẹ dún là bắt tay ngay vào làm đất xuống giống cà phổi, luân canh như vậy mới mang lại hiệu quả kinh tế cao được”- chị Bé Hai tính toán.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Tân Bình Lê Văn Mắc, năm 2012, xã có 361ha đất trồng lúa, qua vận động của địa phương đến năm 2016 nhân dân đã chuyển đổi 100% đất lúa sang trồng màu với cây màu chủ lực là hành lá, rau cải, thu nhập 250- 300 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh, xã còn vận động nhân dân cải tạo vườn tạp sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như nhãn, sầu riêng, mận, cam,…

Thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xã đã đặt mục tiêu chuyển từ đất lúa sang trồng màu nhằm tạo bước đột phá trong nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân hướng đến xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2021.

Đối với xã Tân Lược có diện tích tự nhiên hơn 9,5km2, trong đó đất nông nghiệp chiếm hơn 84%, cùng hệ thống thủy lợi với 2 kinh trục chính là kinh Lòng Ống và kinh Xã Khánh nối liền ra sông Hậu nên rất thuận lợi cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Bí thư Đảng ủy xã Tân Lược Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, đến nay địa phương đã chuyển dần diện tích trồng 3 vụ lúa trong năm sang các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao như luân canh 2 vụ lúa 1 vụ màu, 2 vụ màu 1 vụ lúa, chuyên canh màu. Đến cuối năm 2013, diện tích trồng 3 vụ lúa trong năm chỉ còn 122ha, chiếm 24% diện tích trồng cây hàng năm.

Ở Tân Lược còn nhiều mô hình sản xuất hiệu quả dần hình thành và phát triển như: mô hình trồng màu chuyên canh, lợi nhuận 200- 500 triệu đồng/ha/năm; mô hình nuôi cá lóc trong vèo, nuôi ếch thương phẩm, nuôi dê, nuôi thỏ, trồng khoai lang ngày càng tăng,... đã góp phần tăng bình quân giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích mỗi năm.

Sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao

Huyện Bình Tân có diện tích tự nhiên là 15.807ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp chiếm đến 12.662ha (khoảng 80%).

Theo bà Võ Ngọc Thơ- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Bình Tân, toàn huyện đã hình thành 2 vùng sản xuất rõ rệt. Đó là vùng phù sa ven sông Hậu, gồm thị trấn Tân Quới, xã Thành Lợi, Tân Bình, Tân Lược và Tân An Thạnh là vành đai trồng rau xanh, trong đó có khoảng 450ha chuyên trồng màu với thế mạnh trồng hành lá và rau cải các loại, có khả năng cung cấp quanh năm cho thị trường.

Vùng còn lại hơi nhiễm phèn ở các xã dọc Đường tỉnh 908 và Đường huyện 919B như: Mỹ Thuận, Nguyễn Văn Thảnh, Thành Trung, Tân Thành, Tân Hưng, có thế mạnh sản xuất luân canh lúa màu, với khoai lang và dưa hấu là cây trồng chủ lực.

Trên cơ sở đó, địa phương đã tăng cường hợp tác với các nhà khoa học để khảo nghiệm, tuyển chọn và đưa vào sản xuất những giống khoai mới cho năng suất và chất lượng cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên. Đến nay đã phục tráng được một số giống như: khoai tím Nhật, khoai tím Malaysia, khoai Nhật cao sản để chọn ra những giống có năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nhờ đầu tư hệ thống nhà lưới trồng rau màu, anh Đặng Hoàng Minh tiết kiệm chi phí phân thuốc, hạn chế sâu bệnh, rau an toàn.
Nhờ đầu tư hệ thống nhà lưới trồng rau màu, anh Đặng Hoàng Minh tiết kiệm chi phí phân thuốc, hạn chế sâu bệnh, rau an toàn.

Bên cạnh, huyện xây dựng mô hình cánh đồng mẫu, mô hình chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, mô hình trồng rau trong nhà lưới kết hợp với hệ thống tưới phun tại xã Tân Bình; mô hình tưới tiết kiệm nước trên vườn cây ăn trái trên 50ha, tập trung ở các xã Tân Bình, Tân Thành, Thành Lợi, Tân Lược, Tân Hưng; mô hình cơ giới hóa trong sản xuất lúa tại xã Nguyễn Văn Thảnh, Mỹ Thuận.

Sau hơn 10 năm gắn bó với cây khoai lang, đến năm 2018, anh Đặng Hoàng Minh (ấp Tân Qui- xã Tân Bình) quyết định “chia tay” với loại cây trồng này để lên liếp trồng cây ăn trái và rau màu. Hiện anh đang canh tác 4 công đu đủ, 2 công mít Thái, 2 công hành lá và 4 công bắp cải de.

Nói về quyết định được xem là táo bạo vào thời điểm đó, anh Minh cho rằng, làm ăn theo kiểu truyền thống lợi nhuận ít mà khó khăn thì nhiều, tất cả đều phụ thuộc vào thời tiết, đến khi làm ra sản phẩm lại bị thương lái “làm mình làm mẩy” nên thiệt thòi nông dân phải gánh trước tiên.

Hơn hết, trong thời buổi công nghệ phát triển, nông dân cũng không thể đứng ngoài cuộc, phải thay đổi tư duy, nắm bắt cơ hội, “bắt mạch” nhu cầu thị trường và áp dụng khoa học kỹ thuật vào mảnh vườn, thửa ruộng mới hy vọng có lợi nhuận cao và bền vững được.

“Có thời gian là tôi đi chỗ này chỗ kia tham quan, học hỏi mô hình hay, rồi xem báo đài, tìm hiểu thêm trên Internet để mở mang kiến thức. Nhờ vậy mà biết rõ nhu cầu thị trường ra sao, cây nào, con gì đang hút hàng, dội chợ để… né, không nên chạy theo số đông mà phải tìm hướng đi riêng, tạo ra sản phẩm chất lượng”- anh Minh chia sẻ

Hiện anh Minh đang trồng thử nghiệm 1 công bắp cải de trong nhà lưới cùng hệ thống tưới phun và bước đầu đạt kết quả khả quan. Theo tính toán của anh Minh, với cách trồng này cho năng suất gấp đôi so bên ngoài, vừa ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật lại an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt là vào mùa mưa rau vẫn phát triển, vẫn an toàn, không bị giập.

Theo bà Võ Ngọc Thơ, nhờ triển khai quy hoạch vùng sản xuất màu, đặc biệt là trồng khoai lang và thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng vùng sản xuất gắn với các giải pháp về giống, khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất đã góp phần đáng kể cho sự phát triển kinh tế của địa phương, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Giá trị nông- lâm nghiệp, thủy sản của huyện Bình Tân tăng bình quân 3,13 %/năm, trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 3,06 %/năm. Năm 2020, giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất trồng trọt và mặt nước nuôi trồng thủy sản ước đạt 449,7 triệu đồng/ha (tăng 181 triệu đồng/ha so năm 2015), trong đó, giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất trồng trọt tăng từ 232,2 triệu đồng/ha năm 2015 lên 386,2 triệu đồng/ha năm 2020.

 

Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh