Bảo đảm các vấn đề an sinh xã hội, phát triển kinh tế trong 6 tháng cuối năm

08:07, 02/07/2020

Tiếp tục Hội nghị Chính phủ với địa phương, chiều 2/7, đại diện Chính phủ, các bộ, ngành đã làm rõ một số vấn đề liên quan đến an sinh xã hội như y tế, giáo dục; đồng thời đưa ra các mục tiêu nhằm đảm bảo phát triển ngành Nông nghiệp trong 6 tháng cuối năm 2020.

 

 

Tiếp tục Hội nghị Chính phủ với địa phương, chiều 2/7, đại diện Chính phủ, các bộ, ngành đã làm rõ một số vấn đề liên quan đến an sinh xã hội như y tế, giáo dục; đồng thời đưa ra các mục tiêu nhằm đảm bảo phát triển ngành Nông nghiệp trong 6 tháng cuối năm 2020.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Thực hiện tốt các nhiệm vụ về y tế, giáo dục

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, tình hình dịch COVID-19 dự báo còn diễn biến phức tạp trong khoảng 1 - 2 năm nữa. Hiện một số nước có những bước tiến nhanh trong việc nghiên cứu sản xuất vaccine, tuy nhiên dự kiến nhanh nhất phải đến cuối năm 2021 mới có mặt tại Việt Nam.

Trên tinh thần, kiên định ngăn chặn dịch bệnh từ bên ngoài, xây dựng lộ trình mở cửa chặt chẽ, Phó Thủ tướng lưu ý, ngành Y tế, Công an, chính quyền địa phương bám sát, theo dõi sức khỏe từng người dân nhằm thực hiện tốt mục tiêu y tế cơ sở. Thực hiện các biện pháp do Bộ Y tế chỉ đạo, các địa phương tập trung quản lý các trạm y tế, theo dõi hồ sơ y tế sức khoẻ tất cả người dân trên nền tảng chung.

Năm 2021, Việt Nam tiến hành liên thông y tế toàn quốc, Phó Thủ tướng cho biết, nếu không thay đổi căn bản phương thức thanh toán sẽ có nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm. Trong thời gian qua, một số tỉnh, thành phố như: Quảng Ninh, Yên Bái, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Cần Thơ tiên phong thí điểm, áp dụng hiệu quả phương thức thanh toán mới theo định mức và ca bệnh.

Liên quan đến vấn đề sách giáo khoa lớp 1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục quán triệt tinh thần "sách giáo khoa mới không có chuyện dùng 1 năm rồi bỏ đi".

Hiện Luật Giáo dục Đại học và Luật Giáo dục đã có hiệu lực, trên tổng số 200 trường đại học, trên 40 trường đại học thuộc Bộ Giáo dục, các trường còn lại thuộc các bộ, các tỉnh, Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các tỉnh, Bộ tập trung chỉ đạo, tích cực triển khai luật bằng cách kiện toàn trường theo đúng tinh thần mới.

Về Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, năm 2020 là năm cuối thực hiện lộ trình đổi mới kỳ thi 6 năm theo Nghị quyết Trung ương. "Bước cuối cùng bao giờ cũng quan trọng, nếu thành công coi như lộ trình 6 năm thành công; bước cuối cùng trục trặc, cả lộ trình sẽ bị ảnh hưởng", Phó Thủ tướng nêu rõ.

Phó Thủ tướng nêu rõ, một trong những điểm mới của Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2020 đó là khâu cuối cùng giao cho địa phương chịu trách nhiệm tổ chức trên các địa bàn. Chủ tịch UBND địa phương chịu trách nhiệm về kỳ thi theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Đảm bảo sinh kế người lao động

Liên quan đến các vấn đề an sinh xã hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm ra, kiểm soát thị trường; điều hành giá cả với những mặt hàng thiết yếu nói chung, mặt hàng thực phẩm nói riêng; tiếp tục có biện pháp quyết liệt nhằm nâng cao năng lực cung ứng; xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức có dấu hiệu tích trữ hàng hóa; xem xét giảm giá một số mặt hàng nguyên liệu  phục vụ sản xuất của doanh nghiệp, tiêu dùng của người dân. Ngoài ra, Chính phủ tiếp tục có các giải pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; duy trì và mở rộng thị trường việc làm, ổn định thu nhập cho người lao động.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nêu rõ, nhân dân mong muốn Chính phủ, các bộ ngành tiếp tục thực hiện thực hiện giải pháp đồng bộ để giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu; ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân; sớm khảo sát đánh giá hiệu quả các khu vực cụ thể, thích ứng với biến đổi khí hậu… Các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp trong công tác quy hoạch phát triển kinh tế vùng để phù hợp với thích ứng biến đổi khí hậu, đảm bảo sinh kế cho nhân dân, nhất là với người dân khó khăn ở vùng sâu, vùng xa.

Liên quan đến băn khoăn của người dân về hiệu quả giảng dạy ở vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện kinh tế khó khăn; vấn đề bán và đấu giá sách giáo khoa; việc giao địa phương tự chọn sách giáo khoa lớp 1; mô hình hoạt động liên kết của các trường; các điều kiện đào tạo, tuyển dụng giáo viên…, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị: "cần kiểm soát tốt hơn việc các nhà xuất bản tái bản, sửa đổi quá nhiều nội dung trong sách không thực chất, không cần thiết. Các bộ sách được sử dụng nhiều lần và ổn định, tránh lãng phí tiền của nhân dân".

Theo đó, nhân dân mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các địa phương tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, đảm bảo an toàn, chặt chẽ, không để xảy ra vụ việc tiêu cực đáng tiếc như những năm học trước.

Không thay đổi mục tiêu tăng trưởng ngành Nông nghiệp

Liên quan đến vấn đề sản xuất, chăn nuôi trong ngành Nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong 6 tháng đầu năm, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, tác động của tình hình thiên tai khắc nghiệt nhưng Việt Nam vẫn đạt 2 nhóm chỉ tiêu căn cốt nhất của ngành Nông nghiệp. Theo đó, chỉ tiêu lương thực thực phẩn hoàn thành vượt mức, đảm bảo 3 mục tiêu: nhà nước đủ cân đối, kể cả phương án dự phòng; đảm bảo người dân có lãi trên 40%; giá trị xuất khẩu cao. Với giá trị xuất khẩu nông sản trong 6 tháng đầu năm đạt 18 tỷ USD nông sản, Bộ Trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, mặc dù giảm 3,4% nhưng là kết quả đáng biểu dương.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, nhiệm vụ khó khăn, thách thức trong 6 tháng cuối năm 2020 do đại dịch COVID-19 đã lan tỏa, xâm nhập đến tất cả các quốc gia và chưa có hồi kết, diễn biết hết sức phức tạp. Mùa mưa lũ năm 2020 được dự báo khắc nghiệt, đặc biệt mưa lũ lớn. Tiềm ẩn dịch bệnh nguy hiểm trên cây trồng, vật nuôi, trong khi đó dịch tả lợn châu Phi đã quay trở lại tại một số nước xung quanh, các dịch bệnh khác đang đe dọa như dịch do chủng virus cúm lợn G4 xảy ra tại Trung Quốc trong thời gian gần đây…

"Khó khăn như vậy càng phải quyết tâm nhiều hơn. Ngành Nông nghiệp xác định cùng các địa phương không thay đổi mục tiêu tăng trưởng, mục tiêu xuất khẩu trên 41 tỷ USD", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.

Để thực hiện được mục tiêu đã đề ra, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất các nhóm giải pháp trọng tâm như phối hợp với các địa phương xây dựng giải pháp tổng thể, ứng phó kịp thời tình hình; tổ chức khai thác thị trường nội địa với 100 triệu dân; công tác ứng phó thiên tai, hạn chế thiệt hại về con người, sản xuất; chú trọng tái cơ cấu nông nghiệp, không chỉ gia tăng cơ cấu sản xuất và chú ý thích ứng với các biến động bằng giải pháp nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường…

Bên cạnh đó, trước nhận định tình hình thiên tai phức tạp, khắc nghiệt, Bộ trưởng đề nghị các địa phương xây dựng các kế hoạch hành động cụ thể, sát thực tiễn theo phương châm "bốn tại chỗ"; chú ý đến 238 điểm, vị trí xung yếu trên các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt; theo dõi sát tình hình dịch tả lợn châu Phi nhằm đảm bảo an toàn, tránh ảnh hưởng đến công tác tái đàn trong nước…

Theo Diệp Trương (TTXVN)

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh