Quốc hội vừa biểu quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) được xem là cú hích quan trọng cho xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU.
Quốc hội vừa biểu quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) được xem là cú hích quan trọng cho xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU. Với 27 nước thành viên, EU là một thị trường lớn, nhiều quốc gia có trình độ phát triển công nghệ hàng đầu thế giới là cơ hội đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Những năm qua, quan hệ thương mại song phương Việt Nam- EU phát triển nhanh chóng và hiệu quả. Kim ngạch thương mại 2 chiều tăng lên khoảng 14 lần, từ 4,1 tỷ USD năm 2000 lên trên 56 tỷ USD năm 2019. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam tăng gần 15 lần, từ 2,8 tỷ USD năm 2000 lên 41 tỷ USD năm 2019.
Lợi ích mang lại từ hiệp định là thúc đẩy gia tăng 2 chiều thương mại, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Người dân được tiếp cận hàng hóa nguyên phụ liệu trang thiết bị máy móc giá rẻ chất lượng cao.
Theo nội dung cam kết, sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Với một số ít mặt hàng còn lại, tương đương khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan, với thuế suất nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Về nhập khẩu, dự kiến nhập khẩu từ EU sẽ tăng khoảng 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030, tập trung vào một số mặt hàng như: phương tiện và thiết bị vận tải, máy móc thiết bị phụ tùng, điện thoại… Đây còn là cơ hội để Việt Nam có thể thu hút thêm các nhà đầu tư từ EU trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch...
Cơ hội là rất lớn, nhưng thách thức với các doanh nghiệp Việt Nam từ EVFTA không nhỏ. Một trong những việc cần làm ngay được khuyến cáo là đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm củng cố năng lực cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường này. Chú trọng vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý do EU quy định, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất, đặc biệt đảm bảo quy tắc xuất xứ.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, thời gian tới, bộ sẽ kiến nghị bổ sung vào các chương trình hành động của Chính phủ; xây dựng những kế hoạch cụ thể để phối hợp với doanh nghiệp nhỏ và vừa tổ chức triển khai thực hiện. Tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, thực hiện vấn đề liên quan đến dữ liệu phục vụ cộng đồng doanh nghiệp và các vấn đề liên quan đến hướng dẫn thực thi.
N. HOÀNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin