Hiệp định EVFTA là đỉnh cao lịch sử thể chế thương mại giữa Việt Nam và EU, tăng cường kết nối quan hệ EU- ASEAN.
EVFTA và Việt Nam trở thành cầu nối quan hệ EU- ASEAN. (Ảnh: KT) |
Hiệp định EVFTA là đỉnh cao lịch sử thể chế thương mại giữa Việt Nam và EU, tăng cường kết nối quan hệ EU- ASEAN.
Lạc quan thương mại ASEAN và EU
Tổng quy mô dân số của cả hai khối đạt hơn 1 tỷ người và thu nhập bình quân đầu người đạt 17.500 USD tạo nên tổng quy mô thị trường khổng lồ với Việt Nam. Năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu ASEAN và EU đạt con số 288 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 161 tỷ USD và nhập khẩu 127 tỷ USD.
Trong tổng kim ngạch thương mại hai chiều với EU, Việt Nam có kim ngach lớn 2 (56 tỷ USD) chỉ sau Singapore (85 tỷ USD). Tổng kim ngạch thương mại 2 chiều còn lại của các nước ASEAN với EU chiếm trên 51% tổng kim ngạch cả khối với EU.
Trong đó Malaysia có 45 tỷ USD, Thái Lan- 41 tỷ USD, Indonesia- 32,5 tỷ USD và 5 nước còn lại -18 tỷ USD. Kim ngạch 2 chiều ASEAN với EU có xu hướng tăng khi tiềm năng thương mại triệt để khai thác.
Với khoảng 8 năm nỗ lực đàm phán, Việt Nam là quốc gia thành viên thứ 2 trong ASEAN có hiệp định thương mại tự do với EU. Đây là nhịp cầu thương mại thứ 2 được “hợp long” thành công kết nối ASEAN với EU mà Việt Nam là một đầu cầu độc lập.
Hàng Việt Nam được xuất khẩu trực tiếp sang EU không cần phải thông qua Singapore hoặc các nước ASEAN khác, tiết kiệm chi phí trung gian, tăng sức cạnh tranh.
Quy mô thương mại Việt Nam- EU tăng lên trong thời gian tới tạo động lực mạnh và tầm nhìn lạc quan gia tăng đáng kể năng lực thương mại ASEAN –EU và thương mại nội bộ ASEAN. Điều này góp phần hình thành chuỗi cung ứng mới giữa Việt Nam với các nước ASEAN khác tương quan với dòng thương mại Việt Nam- EU mở rộng.
Cơ hội tăng tính thống nhất thể chế ASEAN
Nếu so sánh với EU có chính sách thương mại thống nhất với nước không thành viên, ASEAN vẫn còn cơ hội lớn để thống nhất thể chế thương mại. Thực tế, mỗi nước vẫn duy trì chính sách thương mại độc lập với phần còn lại của thế giới trong đó có EU.
Mỗi nước ASEAN vẫn có cách ứng xử riêng biệt và đặc thù mặc dù nguyên tắc ứng xử thương mại phổ biến trong Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vẫn được áp dụng.
Nếu 8 nước ASEAN còn lại cùng đàm phán để ký kết hiệp định thương mại tự do song phương độc lập với EU thì cũng phải cần ít nhất 8 cuộc đàm phán.
Giả sử thời gian mỗi cuộc đàm phán kéo dài trung bình 8 năm, phải mất khoảng 64 năm. Điều này làm tiêu tốn không nhỏ thời gian và chi phí các nước ASEAN. EU có số thành viên 27-gấp khoảng 3 lần ASEAN chỉ cần đàm phán 1 lần. EU là điển hình thể chế thương mại hoàn thiện để ASEAN soi chiếu.
Các nước EU tiết kiệm đang kể chi phí và thời gian và cũng không tốn kém chi phí để thống nhất lại chính sách với các nước không thành viên. Thể chế thống nhất rất cao này tránh tình trạng cạnh tranh giữa các thành viên để thu hút nguồn lực EU gây tổn hại lợi ích cục bộ.
ASEAN có mục tiêu thành lập Cộng đồng ASEAN đầy đủ vào năm 2025 và thực tế Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) có hiệu lực thực tế từ 31/12/2015 trong đó có sự di chuyển tự do hàng hóa, dịch vụ.lao động có kỹ năng, vốn và đầu tư.
AEC có trình độ phát triển cao của hội nhập khu vực và có những điểm tương tự như Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC) trước năm 1992.
Sự thống nhất nội bộ kinh tế ASEAN ngày càng tăng là nền tảng để hoàn thiện thể chế thương mại ASEAN theo hướng thống nhất cách ứng xử với phần còn lại của thế giới.
Thực tế, ASEAN có nhiều hiệp định nội bộ có hiệu lực như Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định khung thương mại dịch vụ (AFAS), Hiệp định khu vực đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA).
Đồng thời, ASEAN có các hiệp định thương mại và đối tác kinh tế với Trung Quốc (ACFTA), Hàn Quốc (AKFTA), Ấn Độ (AIFTA), Nhật Bản (AJCEA), Australia và New Zealand (AANZFTA).
Các hiệp định này củng cố sự thống nhất nội bộ và mở rông quan hệ với bên ngoài nhưng tận dụng chưa như mong đợi.
ASEAN và EU cũng đã có những cam kết khái quát và bao trùm dựa trên kết quả gặp gỡ thượng định ASEAN-EU (ASEM) nhưng chưa được đẩy mạnh.
Nỗ lực hoàn thiện thể chế ASEAN
Rõ ràng nỗ lực tăng cường tính thống nhất ASEAN để thúc đẩy sự hoàn thiện thế chế thương mại là cần thiết. Từng quốc gia thành viên cần chủ động, tích cực mở rộng giao dịch thương mại và đầu tư để từng bước hình thành chuỗi giá trị và cơ cấu kinh tế ASEAN thống nhất.
Điều này giúp tiết kiệm đáng kể chi phí và thời gian từng nước ASEAN đàm phán ký kết hiệp định với phần còn lại thế giới, góp phần đơn giản hóa khâu công việc, tận dụng kinh nghiệm và thực tiễn tốt từ các nước đi trước như Singapore và Việt Nam.
Đây cũng là cách thức giảm thiểu lãng phí do chính sách thiếu thống nhất hoặc đề quá cao đặc thù quốc gia làm suy giảm thậm chí hy sinh lợi ích quốc gia khác và cả cộng đồng.
ASEAN có thể thực hiện đàm phán ký kết hiệp định thương mại tự do hoặc hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-EU (AEFTA hoặc AECEA).
Việc hoàn thiện thể chế cần hình thành cách ứng xử thống nhất triệt để giữa ASEAN với phần còn lại thế giới trước hết về chính sách thương mại thống nhất chung ASEAN. Điều này đòi hỏi thỏa thuận triệt để giữa tất cả thành viên ASEAN trên nguyên tắc đồng thuận vốn là nguyên tắc cơ bản quan hệ trong ASEAN.
Thành viên trách nhiệm cao trong ASEAN
Việt Nam đang đam nhiệm chức vụ chủ tịch ASEAN. Những công việc phải thực hiện trong nhiệm ký được thống nhất và công bố từ đầu nhiệm kỳ. Điều đó thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong ASEAN.
Tuy nhiên, biến động khó lường như đại dịch viêm phổi cấp COVID-19 làm sụt giảm tăng trưởng thâm chí tăng trưởng âm kinh tế khu vực và thế giới làm đảo lộn đáng kể tình hình từ đầu năm 2020 và không rõ điểm kết thúc.
Bên cạnh đó, EVFTA có hiệu lực từ tháng 8/2020 cũng như những thay đổi trong chuỗi giá trị ASEAN theo hướng duy trì chuỗi cũ, điều chỉnh và thiết lập chuỗi mới để thích hợp điểm cân bằng mới hay trạng thái bình thường mới.
Duy trì ổn định trạng thái bình thường mới là một thành công ngoài mong đợi đối với Việt Nam trong so sánh với các nước.
Việt Nam có uy tín khống chế đại dịch COVID-19 được thế giới công nhận và ca ngợi. Việt Nam duy trì tăng trưởng dương là trạng thái rất khó khăn trong đại dịch càng khẳng định sự thành công đầy thuyết phục.
Việt Nam có những bài học và thực tiễn tốt đàm phán và ký kết hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là CPTPP và EVFTA.
Việt Nam hoàn toàn tự tin đảm nhiệm trách nhiệm cao thành viên ASEAN. Có thể đề xuất thêm sáng kiến phối hợp nỗ lực hoàn thiện thể chế ASEAN theo hướng thống nhất cao quan hệ kinh tế-thương mại- đầu tư nội khối hướng tới thể chế thương mại thống nhất theo mô hình EU mang đặc thù ASEAN.
Chủ động, tích cực tổ chức diễn đàn, chương trình trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm kiểm soát dịch COVID-19, thực tiến thiết lập trạng thái bình thường mới và bài học đàm phán ký kết hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Đây là thời điểm Việt Nam tự tin đảm đương vị trí và thực hiện vai trò thành viên có trách nhiệm cao trong ASEAN, góp phần nâng cao uy tín quốc tế đất nước mà ít có cơ hội tương tự xuất hiện lần 2./.
Theo PGS.TS Nguyễn Thường Lạng (Đại học Kinh tế quốc dân)/VOV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin