Xác định nông nghiệp vẫn là thế mạnh của địa phương, nhiệm kỳ 2020- 2025, Đảng bộ xã đề ra mục tiêu đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững, gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội và xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng cao đời sống người dân.
Xã Tường Lộc đang phát triển mô hình trồng màu trong nhà lưới nhằm cung cấp cho thị trường nông sản chất lượng. Trong ảnh: Anh Thanh chăm sóc cây dưa leo trong nhà lưới. |
Nhiệm kỳ 2015- 2020, Đảng ủy xã Tường Lộc (Tam Bình) đã chỉ đạo phát triển kinh tế toàn diện trên 3 lĩnh vực: công thương nghiệp- tiểu thủ công nghiệp; nông nghiệp và thương mại- dịch vụ.
Xác định nông nghiệp vẫn là thế mạnh của địa phương, nhiệm kỳ 2020- 2025, Đảng bộ xã đề ra mục tiêu đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững, gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội và xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng cao đời sống người dân.
Thực hiện tốt cơ cấu lại sản xuất
“Một trong những thành tựu nổi bật của xã trong nhiệm kỳ qua là thực hiện tốt đề án cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và đáp ứng nhu cầu thị trường”- Bí thư Đảng ủy xã Tường Lộc Trần Văn Thạch nhận định và cho biết thêm- “Hiện xã không còn vườn kém hiệu quả, lợi nhuận đem lại từ kinh tế vườn đạt 80- 120 triệu đồng/ha/năm. Nổi bật là cây cam sành (307ha), chiếm 42,3% diện tích vườn toàn xã”.
Đến vườn cam của anh Huỳnh Thái An (anh Ái) ở ấp Tường Lễ, chúng tôi thấy 30 công cam do anh thuê đất ruộng chuyển lên vườn trồng đã 5 năm tuổi vẫn phát triển tốt và “ăn hơn chục năm vẫn được” theo lời anh Ái, trong khi nhiều hộ chỉ trồng 3- 4 năm đã có dấu hiệu chuẩn bị tàn.
Từng đi nhiều nơi làm ăn, hết qua Long Xuyên rồi ra miền Đông vào Tiền Giang- thuê đất rồi mua đất trồng... đủ thứ và đúng nghĩa là “nông dân trồng- chặt”, nhưng rất “có máu làm vườn”, anh Ái cũng là người “không biết gì về cây cam và chưa hiểu gì vùng đất này”, nhưng anh đã chọn xã Tường Lộc làm điểm dừng chân vì “chỉ cần mình chịu làm thì đời sống khá”.
Cây cam sành hiện chiếm 42,3% diện tích vườn toàn xã Tường Lộc và đem lại cho nông dân nguồn thu khá. Trong ảnh: Anh Ái bên vườn cam cho trái trĩu quả. |
Cách để anh Ái làm vườn hiệu quả là học hỏi từ các nhà vườn với nhau, từ bạn bè. Nhờ thiệt tình chỉ người khác làm ăn chứ không phải “làm bông ăn tiền”, mà nhiều người cũng chỉ lại “mày làm vầy nó ngon nữa”, nên vườn cam của anh giờ phát triển ngon lành.
Vụ cho trái thứ 3 với 1.800 cây cam trên diện tích khoảng 4 công, anh Ái thu hoạch được 85 tấn cam, gần gấp đôi so nhiều vườn cam khác.
Trong quá trình trồng, anh chú trọng dưỡng cây tốt, chủ yếu xài phân hữu cơ, cá ủ vi sinh giúp rễ cây dễ dàng hấp thu qua đất, cây trồng an toàn, tránh ô nhiễm môi trường lại cho năng suất, chất lượng cao. Hiện, anh Ái đang gia hạn thời gian thuê đất tiếp 2 năm và mua được 4 công đất cạnh đó để trồng cam.
Ông Trần Văn Thành (ấp Tường Lễ): Đời sống người dân xã Tường Lộc những năm gần đây đã có nhiều thay đổi, đa phần người dân đều có việc làm ổn định, nông thôn ngày càng khang trang, hạ tầng ngày càng hoàn thiện với điện, đường, trường, trạm, nước sạch được kéo về đáp ứng đời sống dân sinh. |
Tận dụng mọi nguồn lực để phát triển kinh tế
Cũng mệnh danh là “nông dân trồng- chặt” có tiếng, sau khi tình cờ đọc tin trên báo thấy giống dừa xiêm lục khá hiệu quả, ông Trần Văn Thành (ấp Tường Lễ) đã quyết định gắn bó với cây trồng này.
Theo ông Thành, dừa xiêm lục là giống dừa lâu đời chưa rõ xuất xứ, cho trái khá sớm so các giống dừa ở Đông Nam Á, trồng khoảng 20 tháng thì trổ buồng và năng suất khá cao. Trong khi những giống dừa khác cho 1 quày/tháng thì cây dừa xiêm lục cho 2 quày/tháng và sai trái (trên 12 trái/quày) và có khi “quày ra nhiều quá phải cắt bỏ bớt”.
Theo ông Thành, giống dừa này cho lượng đường khá nhiều và có nước là uống ngọt, không cứng cạy, không lên ga. Hiện, ông trồng 12 công dừa, bán giá bình quân khoảng 65.000 đ/chục (12 trái), cứ 5- 7 ngày là có 1 chuyến xe tải nhỏ tới lấy, tổng cộng khoảng 3 thiên/tháng.
Từng làm việc ở công ty chuyên cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với thu nhập khá, đam mê làm nông nghiệp nên từ tháng 10/2019, anh Phan Nhựt Thanh quyết định khởi nghiệp ở quê nhà (ấp Tường Nhơn), đầu tư 1.500m2 nhà lưới với tổng kinh phí 600 triệu đồng để trồng màu.
Vụ đầu tiên, anh trồng dưa lưới cho thu hoạch khoảng 4,5 tấn, giá bán 32.000- 50.000 đ/kg. Vụ thứ 2 anh trồng dưa leo, thu hoạch 13 tấn, giá bán từ 4.000- 17.000 đ/kg. Theo anh Thanh, “sản phẩm mình làm ra có mẫu mã rất đẹp, về chất lượng thì đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Anh Thanh cho biết thêm: “Tạo ra nông sản sạch không phải bằng lời nói hay giấy chứng nhận mà là cả quá trình nỗ lực và phải đầu tư nhiều”.
Lợi nhuận từ kinh tế vườn của xã Tường Lộc hiện đạt 80- 120 triệu đồng/năm. Trong ảnh: Ông Thành (phải) bên vườn dừa xiêm lục. |
Theo Bí thư Đảng ủy xã Tường Lộc Trần Văn Thạch, nhiệm kỳ qua xã đã vận động nhân dân trồng mới và cải tạo vườn kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao với diện tích 38,8ha, nâng tổng diện tích vườn toàn xã lên 725ha, đạt 145% so nghị quyết.
Bên cạnh, xã cũng vận động nhân dân trồng màu trên đất ruộng và đất vườn. Bình quân diện tích màu hàng năm gần 307ha, đạt 122,7% so nghị quyết, tăng 40,3ha so đầu nhiệm kỳ, lợi nhuận 35- 40 triệu đồng/ha/vụ.
Nhờ chuyển đổi cây trồng hiệu quả mà đời sống người dân ngày càng nâng cao. Đến cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 45,6 triệu đồng/năm.
“Nhiệm kỳ 2020- 2025, xã tiếp tục vận động nhân dân chuyển lúa sang trồng màu và lên vườn để nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác”- Bí thư Đảng ủy xã Tường Lộc nói và cho biết thêm- “Đảng bộ xã cũng đề ra khâu đột phá là tận dụng mọi nguồn lực để phát triển kinh tế; tập trung củng cố phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hộ; đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng tập trung, chuyên canh, tạo mối liên kết đầu vào, đầu ra ổn định hiệu quả”.
Đồng chí Trần Văn Thạch- Bí thư Đảng ủy xã Tường Lộc Bên cạnh tạo đột phá về phát triển kinh tế, nhiệm kỳ 2020- 2025, Đảng bộ xã sẽ tập trung nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng nhất là đường giao thông nông thôn để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đảm bảo 100% lao động có việc làm ổn định với thu nhập khá; đồng thời nâng cao hơn nữa chất lượng cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị. Cùng với đó, Đảng bộ xã sẽ tập trung mọi nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng để xây dựng xã đạt chuẩn NTM vào đầu nhiệm kỳ và đạt xã NTM nâng cao trong những năm tiếp theo, đồng thời xây dựng ấp Tường Lễ và Tường Nhơn đạt ấp NTM kiểu mẫu. |
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin