Cần làm gì để đánh thức thị trường nông thôn?

11:06, 19/06/2020

Hiện nay, không ít doanh nghiệp (DN) đã "bỏ quên" thị trường nông thôn, dù rằng đây là một thị trường rộng lớn, là mảnh đất màu mỡ và người tiêu dùng (NTD) cũng đã có cái nhìn ưu ái hơn với hàng Việt Nam.

 

Các phiên chợ hàng Việt Nam đã tạo được dấu ấn tốt cho người tiêu dùng.
Các phiên chợ hàng Việt Nam đã tạo được dấu ấn tốt cho người tiêu dùng.

Hiện nay, không ít doanh nghiệp (DN) đã “bỏ quên” thị trường nông thôn, dù rằng đây là một thị trường rộng lớn, là mảnh đất màu mỡ và người tiêu dùng (NTD) cũng đã có cái nhìn ưu ái hơn với hàng Việt Nam.

Mảnh đất màu mỡ còn bị ngó lơ

Không ít DN cho rằng nhu cầu tiêu dùng của thị trường nông thôn rất lớn, trong khi đó kênh bán hàng truyền thống như chợ, đại lý,… vẫn luôn là thế mạnh ở khu vực nông thôn, nếu nắm rõ tâm lý tiêu dùng của người dân thì đây sẽ là mảnh đất màu mỡ, đầy tiềm năng cho DN.

Ông Phạm Minh Hiền- Giám đốc Công ty TNHH 1TV Bột mì Đại Nam (Phường 8- TP Vĩnh Long), cho biết: “NTD ở nông thôn hiện nay không phải chỉ tìm dòng sản phẩm phân khúc thấp, giá rẻ mà họ đã có ý thức hơn trong tiêu dùng, chú trọng hàng chất lượng tốt, có xuất xứ rõ ràng. Do đó, nếu chỉ sản xuất sản phẩm rẻ, không chú trọng chất lượng thì rất dễ bị “đào thải” khỏi thị trường”.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn không ít DN bỏ qua khu vực nông thôn, chỉ chú trọng vào thị trường thành thị và xuất khẩu.

Theo ông Hồ Trung Nghĩa- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương), trong bối cảnh hàng Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với hàng ngoại nhập cả ở khu vực nông thôn và thành thị thì những phiên chợ “Đưa hàng Việt Nam về nông thôn” có ý nghĩa quan trọng trong phát triển thị trường cho hàng Việt hiện nay.

Theo đó, các chương trình đưa hàng Việt Nam về nông thôn trong thời gian qua, không chỉ tạo ra sự tương tác 2 chiều giữa DN và người dân khu vực nông thôn, mà còn giúp chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của NTD, góp phần thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng Việt Nam.

“Phiên chợ “Đưa hàng Việt Nam về nông thôn” không chỉ giúp người dân nông thôn có cơ hội tiếp xúc, nhận biết các hàng hóa đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp do Việt Nam sản xuất mà còn tạo cơ hội cho DN quảng bá, giới thiệu sản phẩm, nắm bắt thị trường, thị hiếu của NTD, trên cơ sở đó cải tiến mẫu mã, chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm nhằm phục vụ tốt hơn ở thị trường nông thôn”- ông Hồ Trung Nghĩa cho biết.

Có thể thấy, DN đã nhiệt tình hơn khi tham gia các phiên chợ hàng Việt Nam về nông thôn, NTD cũng dần chuộng hàng Việt Nam hơn. Tuy nhiên, theo nhiều người dân ở nông thôn, nhiều phiên chợ hàng Việt Nam vẫn chưa đi vào chiều sâu, chưa đáp ứng nhu cầu của NTD.

“Phiên chợ hàng Việt Nam nhưng hàng hóa chưa đa dạng, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có quần áo, đồ gia dụng “10.000 đ/món” hay bánh kẹo,… Chưa thu hút, chưa có gì mới lạ so với những phiên chợ trước”- một NTD dạo quanh phiên chợ hàng Việt Nam về nông thôn cho hay.

Không chỉ vậy, bên cạnh một số DN chưa mặn mà tham gia, còn đặt nặng vấn đề doanh thu thì cũng còn một số hạn chế trong khi đưa phiên chợ hàng Việt Nam về nông thôn.

Một số DN dù tích cực tham gia hội chợ, phiên chợ nhưng còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng bán hàng, đặc biệt là kỹ năng chăm sóc khách hàng, sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng về chất lượng, mẫu mã, giá cả chưa phù hợp. Chưa kể, một số phiên chợ “mạo danh” phiên chợ hàng Việt Nam làm ảnh hưởng uy tín của chương trình,…

Muốn “đánh thức” thị trường nông thôn, đòi hỏi doanh nghiệp nỗ lực, chủ động tiếp cận người tiêu dùng hơn.
Muốn “đánh thức” thị trường nông thôn, đòi hỏi doanh nghiệp nỗ lực, chủ động tiếp cận người tiêu dùng hơn.

Cần giải pháp bài bản, đi vào chiều sâu

Dù nhận định thị trường nông thôn là thị trường lớn, đầy tiềm năng, song, việc các DN chỉ tham gia vài phiên chợ, vài chuyến bán hàng về nông thôn là chưa đủ để thâm nhập, chiếm lĩnh thị trường này.

Bởi nếu chỉ vài tháng mới có chuyến hàng về nông thôn thì không thể tạo ra hiệu ứng tốt với thị trường, NTD không có cơ hội sử dụng thường xuyên hàng Việt Nam, từ đó khó có thể xây dựng thói quen tiêu dùng hàng Việt Nam.

Theo Sở Công thương, muốn hàng Việt Nam đi sâu và ở lâu trong lòng NTD điều quan trọng là DN phải tự xây dựng, hình thành hệ thống phân phối của mình tại thị trường nông thôn.

Bên cạnh việc cải tiến chất lượng, mẫu mã hàng hóa, giá thành sản phẩm… để tăng sức cạnh tranh thì DN cần đổi mới phương thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm, khâu chăm sóc khách hàng.

Thời gian qua, cũng đã có không ít DN chịu khó, bền bỉ, đeo đuổi mảnh đất màu mỡ này và đã gặt được nhiều trái ngọt.

Là một trong những cơ sở sản xuất gia vị thành lập chưa lâu nhưng lại rất nhiệt tình tham gia các chương trình kết nối cung cầu, hội chợ, nên hiện nay các sản phẩm của cơ sở sản xuất và mua bán Tuấn Linh (ấp Phú Thành, xã Tân Phú- Tam Bình) đã phủ sóng khắp các chợ truyền thống và vươn sang các tỉnh bạn.

Chị Nguyễn Thị Trúc Linh- chủ cơ sở- cho hay: “Sản phẩm mới nên phải tích cực quảng bá, giới thiệu đến NTD, đồng thời phải thường xuyên tìm hiểu thị hiếu, phản hồi từ NTD. Có như vậy mới trụ được. Hiện tôi cũng đang hoàn tất các thủ tục để vào kênh siêu thị”.

“Thói quen tiêu dùng của người dân nông thôn là mua hàng ở các chợ truyền thống, chợ dân sinh, nhưng theo xu hướng các cửa hàng tiện lợi sẽ xuất hiện ngày một nhiều.

Bởi vậy, các DN Việt Nam phải nắm bắt được tâm lý này của NTD để vừa phát triển theo hình thức kinh doanh mới của các siêu thị để giữ thị phần, vừa tiếp tục duy trì hệ thống phân phối bán lẻ ở các chợ lớn, chợ nhỏ”- ông Phạm Minh Hiền cho hay.

Nghĩ vậy, nên các đợt hội chợ, phiên chợ hàng Việt Nam về nông thôn lần nào cũng có gian hàng bột bánh xèo Hương Xưa của Công ty TNHH 1TV Bột mì Đại Nam.

“Chỉ nói thì khó ai tin, nên công ty luôn có người chế biến sẵn tại chỗ để khách hàng dùng thử, có như vậy mới lấy được lòng tin khách hàng”- ông Hiền nói thêm.

Không ít DN cũng cho rằng khách hàng nông thôn đa phần là những khách hàng trung thành nhất khi họ đã tin dùng một sản phẩm nào đó của DN.

Do đó, khi DN khẳng định được thương hiệu và tạo được lòng tin đối với người dân nông thôn, chắc chắn thương hiệu sẽ tồn tại, phát triển bền vững.

Để làm được điều này, DN cần nhận định phải được tầm quan trọng của thị trường nông thôn và có chiến lược phát triển kinh doanh bài bản, cụ thể về lâu dài, để không bị rớt lại trên “sân nhà”.

Bài, ảnh: TRÀ MY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh