Vùng rau Thuận An vượt lên trong nắng hạn

02:05, 29/05/2020

Nằm cách nội ô TX Bình Minh chừng 2km, xã Thuận An từ lâu nổi tiếng với thế mạnh rau màu bởi là vùng chuyên canh diện tích lớn và cọng rau Thuận An đã vượt ra khỏi ranh giới địa phương, đến với nhiều tỉnh- thành.

 

Nông dân Trần Văn Giai bên liếp rau răm đang trúng lớn.
Nông dân Trần Văn Giai bên liếp rau răm đang trúng lớn.

Nằm cách nội ô TX Bình Minh chừng 2km, xã Thuận An từ lâu nổi tiếng với thế mạnh rau màu bởi là vùng chuyên canh diện tích lớn và cọng rau Thuận An đã vượt ra khỏi ranh giới địa phương, đến với nhiều tỉnh- thành.

Một ngày nắng, khi nhiều vùng rau màu khác đang bị thiệt hại do năng suất, chất lượng bị ảnh hưởng vì hạn mặn thì chúng tôi đến Thuận An theo lời “rủ rê”: “Đến Thuận An đi, thời điểm này nhiều nông dân đang trúng lớn”.

Rau Thuận An “hot” mùa hạn mặn

Từ TX Bình Minh, chúng tôi đến vùng chuyên canh rau màu theo đường tỉnh Thuận An- Rạch Sậy. Những rẫy màu giăng giăng dưới giàn lưới tối màu, trang bị hệ thống tưới phun hiện đại cạnh những ngôi nhà tường khang trang, bề thế. Dễ hiểu bởi đây là xã có mức thu nhập “quán quân” của tỉnh (bình quân 64,14 triệu đồng/người/năm).

Tuy nhiên, nếu rau màu được “nhộn nhịp” bán lẻ ven đường vào các thời điểm trong năm- nhất là dịp Tết Nguyên đán- thì nay hoàn toàn vắng bóng. Hỏi thăm thì một số người cho hay, rau đang “sốt giá, khan hàng” nên không trưng bán lẻ.

Gặp chúng tôi ở nhà rẫy, nông dân Phạm Thanh Cường ở ấp Thuận Thành, đang canh tác 2,5 công đất rẫy, vui vẻ: “Tôi trồng 4 bờ xà lách xoong, 1 bờ rau má. Từ tháng Giêng đến nay giá rau tăng lên dần nên thời điểm này có lời nhiều”.

Trồng rau hơn 10 năm nay với “xà lách xoong là xuyên suốt, mới chuyển 1 bờ sang rau má trong năm nay- cắt được 3 vụ” ông Cường nói, hiện rau cắt bao nhiêu cũng có lái lấy hết nhưng “chia ra mỗi lái một ít khi giá cao để khi rớt giá thì lái cứu lại mình”.

Ông Cường cho biết thêm, thời điểm nghe ngoài sông lớn nước có thể nhiễm mặn, ông trữ nước trong mương đủ tưới mấy ngày nên không ảnh hưởng gì. Giờ thì không còn lo mặn nhưng nắng nóng gắt nên canh 1 tiếng, nửa tiếng tưới 1 lần nên “trực suốt ngoài liếp rẫy”. Hỏi ông tưới vậy có vất vả không?

Ông cười: “Tưới phun bằng giàn ống “bật nút” không mà, cần là canh đủ nước. Mình nuôi rau, rau nuôi lại cả nhà mình nên… không vất vả”.

Nông dân Phạm Thanh Cường trực suốt bên đám rau ngày nắng nóng.
Nông dân Phạm Thanh Cường trực suốt bên đám rau ngày nắng nóng.

Cạnh đó, ông Trần Văn Giai cũng trúng lớn với 1 công đất mướn trồng rau om và rau răm. Theo ông Giai, rau om và rau răm là 2 loại dễ trồng, chỉ mua cây giống vụ đầu, 30- 40 ngày là thu hoạch, cắt 10 bữa thì bắt đầu lên cây con, vụ sau còn dày hơn vụ trước. Trước đây, chỉ 12.000 đ/kg là có giá nhưng năm nay cao, hiện rau om là 30.000 đ/kg, rau răm 35.000 đ/kg và “khi nào cắt chỉ cần a lô là có người đến lấy, trả tiền ngay”.

Nửa công rau om cho thu hoạch khoảng 1,5 tấn, còn nửa công rau răm cho thu hoạch 700- 800kg; cắt khoảng 2- 3 ngày mới xong. Ông Giai cho biết thêm, giá thuê đất là 10 triệu đồng/năm đầu (chủ đất trang bị sẵn giàn ống tưới phun), 3,5 triệu đồng/năm tiếp theo. Ông Giai cho hay trồng màu nhẹ vốn, nhẹ công mà hiệu quả kinh tế cao nên em trai của ông dự kiến “san vườn lên liếp rẫy”. Gần đó, anh Tùng có 2 công đất trồng màu vốn cho mướn đất hơn 45 triệu đồng/năm nhưng cũng đang cắt lại 1 công để thuê người trồng rẫy.

Theo các nông dân, do đang là vụ nghịch (tháng 3 đến tháng 9), sản lượng nhiều loại rau giảm mạnh so mùa thuận. Riêng xà lách xoong khoảng 400- 500kg/công- thấp hơn 3- 4 lần so mùa thuận nhưng giá bán cao gấp 10 lần nên nông dân trúng lớn. Ông Trương Thành Đến- Phó Chủ tịch UBND Thuận An cho hay, vùng rau Thuận An không bị ảnh hưởng mặn. Với giá cao như gần đây thì nhiều nông dân có lời nhiều.

Trúng nhờ “bí quyết”

Ông Nguyễn Vương Khanh lý giải về việc nhiều nông dân Thuận An trúng mùa rau. Trong đó, một phần do công tác dự báo chuẩn bị cho con nước được thực hiện nghiêm túc: “Nông dân canh lấy nước vào mương vườn rồi tưới trong vòng nửa tháng vẫn ổn”.

Bên cạnh, lợi thế lớn của Thuận An so vùng khác- nhất là trong mùa hạn mặn là do tập quán canh tác của nông dân: “Xà lách xoong tầm khoảng 50 năm, phát triển mạnh cỡ khoảng 20 năm nay. Diếp cá thì từ thời bao cấp đã có. Nghề dạy nghề riết thành chuyên nghiệp, mở rộng riết thành vùng chuyên canh phong phú như hiện nay”. Nhìn chung, năng suất có thể không cao hơn một số vùng khác nhưng chất lượng rau thì nhờ “bí quyết”.

Ông Khanh dẫn chứng: Rau cần ống và diếp cá thì không có phân hóa học nào để cho cọng trắng nõn nà mà chỉ có phân tro từ nông nghiệp. Cây rau cũng có bệnh “chổi rồng víu víu đầu” thì nông dân cũng có “bí kíp” trị, không phải lấy phân lạnh tưới là được. Ngay cả cách tưới cũng không dễ, tưới không khéo là cọng rau bị dính bùn, nhìn rất cằn. Nhưng rau mấy nông dân ở đây trồng thì mượt mà. Ông Nguyễn Vương Khanh cho biết thêm, có nơi thuê chuyên gia, mua giống rau Thuận An về trồng hay nông dân Thuận An gả, cưới con cháu ở các nơi cũng đem giống rau xứ mình đi trồng nhưng “Thuận An vẫn là thế mạnh”.

Trong đó, bên cạnh bí quyết người trồng còn có vấn đề “đầu ra”. “Ở đây vùng trồng diện tích lớn, hệ thống thu mua mối lái mấy mươi năm đã có sẵn “chân rết”. Sản phẩm làm ra thì cứ tới ngày cắt là bán. Ông Nguyễn Vương Khanh cho biết thêm, hiện tại thị trường chủ yếu của vùng rau là TP Hồ Chí Minh và các tỉnh- thành vùng ĐBSCL, phần lớn qua đầu mối là hệ thống thương lái.

Anh Trần Minh Hiếu- Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Xà lách xoong an toàn Thuận An- cho hay, do hiện đang vào vụ nghịch nên canh tác rau gặp một số khó khăn. Trong đó, một số hộ rau bị chết khoảng 70% do “nắng nóng từ trên xuống và nước tưới lên cũng nóng”.

Tuy nhiên, cũng theo anh Hiếu, không ít hộ có kinh nghiệm, giỏi kỹ thuật và đất trồng còn mới nên trúng lớn. Những hộ đó cầm chắc lời to, chỉ mùa này là thêm giàu có. Còn hộ thất mùa này thì chờ vụ khác thì lấy lời gỡ lại.

“Nói chung, người trồng xà lách xoong ở vùng này cầm chắc… hổng lo nghèo”- anh Hiếu nói. Với nhãn hiệu tập thể và “thương hiệu” đã được khẳng định từ lâu trên thị trường, anh Hiếu cho hay xà lách xoong có đầu ra ổn định, trong đó, cung cấp ổn định cho một số siêu thị ở TP Cần Thơ, Kiên Giang khoảng 200 kg/ngày (mùa thuận là 500 kg/ngày).

Vùng đất Thuận An xen nội ô TX Bình Minh ngày càng xanh hơn với những liếp rẫy, vườn cây và đời sống người dân ngày càng nâng chất. Chúng tôi rời Thuận An với lời “rủ rê” trở lại vào dịp tết để ghi nhận không khí mua bán nhộn nhịp nhất hàng năm. Trên cung đường giăng giăng liếp rẫy, chúng tôi thấy trong mắt mình có “màu vui” của nắng.

Theo Phòng Kinh tế TX Bình Minh, toàn thị xã hiện có khoảng 511ha màu, riêng xã Thuận An là 295ha. Nông dân Thuận An đang trúng lớn bởi giá rau đang cao ngất ngưởng và rất hút hàng. Cụ thể, với giá rau các loại từ hơn 20.000 đ/kg, riêng xà lách xoong hơn 40.000 đ/kg và đang “tăng từng ngày”. Sau khi trừ chi phí từ 5- 20 triệu đồng/công, nông dân trồng rau có lời từ hàng chục triệu đến hơn 100 triệu đồng/công. Ông Nguyễn Vương Khanh- Trưởng Phòng Kinh tế TX Bình Minh- cho hay, do ảnh hưởng của hạn mặn nên vùng trồng rau màu một số tỉnh ở ĐBSCL chưa kịp khôi phục dẫn đến nguồn cung bị ảnh hưởng, đẩy giá lên cao.

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN- XUÂN TƯƠI

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh