Để việc mở cửa du lịch quốc tế thuận lợi sau COVID-19, Việt Nam cần tạo cho du khách quốc tế ấn tượng về điểm đến an toàn từ khách sạn, quy trình thủ tục, giao thức...
Để việc mở cửa du lịch quốc tế thuận lợi sau COVID-19, Việt Nam cần tạo cho du khách quốc tế ấn tượng về điểm đến an toàn từ khách sạn, quy trình thủ tục, giao thức...
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Lê Quang Tùng khẳng định đây là cơ hội để khắc phục dịch COVID-19 đồng thời là cơ hội để du lịch phát triển. Ảnh: VGP/Nhật Nam |
Việt Nam cần tạo ấn tượng về điểm đến an toàn cho du khách
Tại Hội nghị “Giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và phục hồi du lịch quốc tế hậu COVID-19” được tổ chức ngày 22/5, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng Giám đốc Công ty Vietravel nêu ý kiến về việc mở cửa thị trường quốc tế. Đề cập tới tiêu chí an toàn khi dịch COVID-19 vẫn đang diễn ra, ông Kỳ cho biết dưới 10 người nằm viện được coi là an toàn, dưới 5 người là rất an toàn.
Trên cơ sở đó, ông dựa trên sơ đồ để nêu ra tình hình dịch ở các đối tác thương mại chủ yếu của Việt Nam như Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật, Thái Lan, Đài Loan, Australia, Singapore... Theo ông, các doanh nghiệp cần nắm bắt tốt tình hình dịch bệnh cũng như các số liệu nghiên cứu để có phương án phục hồi lại kinh tế.
Ông David đến từ Đại sứ quán Australia cũng chia sẻ suy nghĩ về việc mở cửa. Với tư cách là du khách, lý do ông muốn quay trở lại Việt Nam là uy tín tăng cường, là điểm đến an toàn. Vì vậy, theo ông, để việc mở cửa thuận lợi, Việt Nam cần tạo cho du khách quốc tế ấn tượng về điểm đến an toàn từ khách sạn, quy trình thủ tục, giao thức...
Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Hàng không VietJet Đinh Việt Phương cho rằng có nhiều cách để đón đầu du lịch quốc tế, không chỉ đưa ra tiêu chí an toàn mà còn là lựa chọn thị trường an toàn.
Ông cho biết, doanh nghiệp cũng đang làm việc với các cơ quan chức năng để có những phương án tốt nhất đồng thời có những hỗ trợ dành riêng cho các doanh nghiệp du lịch, kích cầu trực tiếp từ nội địa đến quốc tế.
Ông Đinh Ngọc Đức - Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch, Tổng cục Du lịch - cho rằng, trước khi làm xúc tiến cần làm truyền thông. "Trong thời gian cách ly xã hội, chúng ta đã làm mạnh qua trang web vietnamtravel. COVID-19 làm thay đổi công tác xúc tiến và truyền thông. Khi có tín hiệu tích cực sẽ có buổi gặp chính thức với các hãng truyền thông quốc tế tại Việt Nam, tiếp tục làm việc với các đại sứ quán, cùng với hàng không có những đề xuất liên quan.
Chúng tôi có kế hoạch vừa truyền thông vừa quảng bá, phối hợp các bên, đồng hành cùng các tập đoàn, đối tác", ông Đức nói.
Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Hàng không VietJet Đinh Việt Phương khẳng định, với ngành hàng không, việc phục hồi du lịch quốc tế có thể tiến hành ngay lập tức khi Chính phủ cho phép, vì mọi thứ đều đã sẵn sàng.
Như hiện tại, hãng có thể bay quốc tế nhưng không thể chở người về được, nếu chở về phải đăng ký thông qua Đại sứ quán, Bộ Ngoại giao và lượng người về cũng rất hạn chế, nên đây cũng là một vấn đề.
Ông Phương gợi ý, phía du lịch cần tới 4-6 tháng để phục hồi, vậy ngay từ bây giờ các hãng hàng không đã có thể mở rộng hình thức quảng bá, bán vé trước chưa, để đón đầu cho các nước lập kế hoạch du lịch ở Việt Nam dịp cuối năm.
Việt Nam cần đẩy mạnh truyền thông chiến thắng COVID-19
Ông Christophe Lajus - Giám đốc khối kinh doanh khách sạn và du lịch, Tập đoàn BRG, chia sẻ với tư cách là một người nước ngoài, ông rất vui khi Việt Nam là điểm đến an toàn. Đây cũng là thông điệp chính để giới thiệu Việt Nam với khách quốc tế.
Và ngành du lịch Việt Nam nên truyền tải thông điệp này tới các du khách trong nước và nước ngoài. Để quảng bá thành công, Chính phủ phải gia tăng mục tiêu an toàn, giải pháp tại chỗ để du khách yên tâm khi tới Việt Nam.
Bà Esther De La Cruize, Trưởng Ban biên tập trang web và mạng xã hội của TAB cũng chia sẻ, trên trang web của bà có hai bài viết liên quan tới COVID-19, chính sách liên quan tới visa, việc hủy tour khắp nơi trên thế giới... Hai bài báo này thu hút hàng trăm nghìn lượt view, được link tới New York Times...
"Chúng tôi trả lời hàng nghìn câu hỏi của những người muốn du lịch Việt Nam. Chúng tôi cung cấp nhiều hình ảnh giúp du khách hiểu chính sách liên quan tới du lịch Việt Nam như: Nên đi tới điểm nào, đi ra sao.
Thời điểm hiện tại, chúng tôi cũng ra mắt kênh truyền thông về tour lữ hành, video, tài liệu trực tiếp... giúp du khách kết nối Việt Nam, giúp họ chưa tới Việt Nam hiện tại nhưng có thể tới trong tương lai", bà Esther De La Cruize nói.
Trong khi đó, đánh giá cao tiêu chí an toàn, ông Kenneth Atkinson - Phó Chủ tịch TAB cho rằng, các du khách quốc tế có thể quay trở lại Việt Nam chỉ với điều kiện chúng ta tiếp đón họ an toàn.
Điều này cũng giúp người dân loại bỏ rủi ro lây nhiễm qua cộng đồng. Hiện tại, nhiều quốc gia ở châu Âu tạo bong bóng du lịch bằng cách liên kết với nhau để thúc đẩy du lịch quốc tế. Vì vậy, Việt Nam cũng có thể thu hút du khách quốc tế nhanh và đơn giản bằng cách tạo ra "bong bóng du lịch" cho riêng mình.
"Bong bóng du lịch" có thể hiểu là những tuyến du lịch đến những địa điểm gần, dễ dàng truy dấu hoặc phong tỏa trong trường hợp có người lây nhiễm. Khái niệm này tương đương với du lịch khoanh vùng.
Theo ông Craig Douglas, Phó Chủ tịch công ty đầu tư Lodgis Hospitality Holdings, Việt Nam cần có những chính sách rõ ràng, cần làm sao để hỗ trợ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, các lĩnh vực liên quan, có thể xây dựng với các đối tác như Trung Quốc, Đài Loan để kích thích tăng trưởng kinh tế.
"Thị trường trong nước, khu vực châu Á không thể phục hồi nhanh, nhưng có thể từng bước mở cửa để bảo đảm Việt Nam là điểm đến an toàn", ông nói.
Phó Chủ tịch Lodgis Hospitality Holdings cho rằng Việt Nam đang ở vị thế tốt vì thành công trong việc kiểm soát COVID-19. "Thế giới cần biết thông điệp này, cần định vị Việt Nam như một thiên đường an toàn. Việc chúng ta hành động tức thì là quan trọng. Khởi động các chiến dịch marketting càng nhanh càng tốt", ông Craig Douglas nói.
Doanh nghiệp mong chờ tới "ngày bình thường"
Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) Võ Anh Tài cho biết doanh nghiệp hiện đang rất mong chờ tới "ngày bình thường", nối lại các hoạt động không chỉ du lịch mà còn giao thương, thương mại, ngoại giao...
“Một điều nữa khiến chúng tôi quan tâm là thị trường du lịch quốc tế trọng điểm. Trọng điểm trước đây tùy thuộc vào quy mô, lợi ích... còn giờ phải xác định lại thị trường trọng điểm để ưu tiên phát triển du lịch”, ông Tài chia sẻ.
"Chúng tôi quan tâm tới hạn visa bởi điều này liên quan tới tốc độ phục hồi, trở lại của du khách. Bên cạnh đó, mọi người phải luôn sẵn sàng xúc tiến quảng bá không chỉ du lịch mà cả ngành ngoại giao như: Đưa ra các hình ảnh, tạo các video về điểm đến, du lịch an toàn...
Hiện nay, các nước trong khu vực đã chuẩn bị, chúng ta có thể tham khảo. Bộ VHTT&DL đã ký các giải pháp liên quan đến du lịch. Đây cũng là hành động thiết thực.
Như vậy, chúng ta sẽ có điều kiện tiếp cận với đối tác bên ngoài, tạo kênh để các sản phẩm Việt Nam cùng lên kệ, bán cạnh tranh với sản phẩm du lịch các nước khác"", ông Tài nói.
Ông Lương Hoài Nam - Phó Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Công nghệ Du lịch Gotadi cho biết trên thế giới, Anh đã đạt được thỏa thuận với Pháp để mở lại đường bay quốc tế. EU cũng đang đàm phán giữa các nước với nhau.
Đây là cách tiếp cận để mở lại hàng không quốc tế sớm nhất. Nếu đi theo hướng này, đầu mối đứng ra dàn xếp, thương thảo với những quốc gia khác là Bộ Ngoại giao, Giao thông vận tải, Y tế... Điều này giúp chúng ta sớm mở lại đường bay quốc tế.
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Lê Quang Tùng khẳng định đây là cơ hội để khắc phục dịch COVID-19 đồng thời là cơ hội để du lịch phát triển.
Ông Tùng chia sẻ thêm, 80% khách của ngành hàng không là khách du lịch. Theo ông, riêng thị trường nội địa, chúng ta nói nhiều về giảm giá, cam kết... nhưng mọi người phải đồng hành với nhau để không ai quá thiệt thòi. Bởi các doanh nghiệp nhỏ sẽ dễ phá sản nếu giảm giá sâu.
Bên cạnh đó, ngành hàng không được coi là xương sống của ngành du lịch. "Chúng tôi luôn trông chờ vào hàng không. Vì vậy, việc đầu tiên cần làm là lựa chọn ra trọng điểm, đối tượng cần hỗ trợ nhất để kiến nghị với Chính phủ. Chúng ta nên hỗ trợ cho doanh nghiệp có thể thay đổi thị trường.
Ngoài ra, những trường hợp đặc biệt cũng có thể báo cáo với Chính phủ", Thứ trưởng Lê Quang Tùng cho biết.
Liên quan tới thị trường quốc tế, câu hỏi đặt ra là: "Làm sao để mở cửa thị trường quốc tế?", bởi thời điểm, cách thức mở... rất quan trọng. Bên cạnh những nỗ lực của doanh nghiệp, vai trò của Nhà nước rất quan trọng.
“Thời gian tới, Bộ VHTT&DL sẽ chủ trì, xây dựng kế hoạch, thời điểm mở lại thị trường quốc tế. Trong đó lựa chọn quốc gia nào theo giai đoạn một. Chúng ta chỉ sẵn sàng khi Việt Nam và các nước khác song phương đồng ý mở cửa”, Thứ trưởng Lê Quang Tùng khẳng định.
Theo Nhật Nam/Chính phủ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin