Phát triển hạ tầng- nâng tầm đô thị

04:05, 02/05/2020

Từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), hạ tầng đô thị (ĐT) tỉnh Vĩnh Long đã có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), hạ tầng đô thị (ĐT) tỉnh Vĩnh Long đã có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

TP Vĩnh Long được đầu tư hạ tầng ngày càng đồng bộ, tạo động lực cho phát triển.
TP Vĩnh Long được đầu tư hạ tầng ngày càng đồng bộ, tạo động lực cho phát triển.

Phát triển hạ tầng

Sống gắn bó với ĐT Vĩnh Long từ thời niên thiếu, bác Ông Tường (64 tuổi, ở Phường 1) ngắm nghía các bức ảnh xưa và nói: “Trước kia, đường sá nhỏ hẹp, nhà cửa lụp xụp và thưa thớt, đời sống vật chất và tinh thần nhiều thiếu thốn… Lúc đó, không nghĩ tới có ngày thành phố đẹp như bây giờ”.

Ông Đoàn Thanh Bình- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Xây dựng- thì “khái quát” bức tranh ĐT sau ngày giải phóng: phát triển ĐT chủ yếu trên nền hiện trạng quy mô nhỏ vì nguồn lực tập trung lo về kinh tế xã hội, an sinh, thủy lợi, sản xuất nông nghiệp.

Thời điểm này, toàn tỉnh chỉ có 1 thị xã và mỗi huyện chỉ có trung tâm- chưa gọi là thị trấn. Không gian kiến trúc, cảnh quan hạ tầng ĐT chưa có định hướng, chưa có quy hoạch. Diện mạo ĐT còn bề bộn và bất cập…

Ông Đoàn Thanh Bình nói thêm, sau giải phóng, tỉnh chủ yếu tập trung phát triển nông nghiệp. Đến năm 1986, thực hiện đường lối đổi mới, các lĩnh vực mới phát triển. Từ đó, đầu tư xây dựng các tuyến đường chính, những công trình động lực… và hạ tầng ĐT đã thúc đẩy trở lại các lĩnh vực khác phát triển.

Xác định rõ “xây dựng phát triển ĐT với đầy đủ hạ tầng cơ sở thì mới thu hút được đầu tư, giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo động lực để kinh tế- xã hội phát triển” nên ông Đoàn Thanh Bình cho hay, thời gian qua, các ngành, các địa phương rất quan tâm đầu tư các tiêu chí hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như: giao thông, công viên, cây xanh…

Nếu sau năm 1975, TX Vĩnh Long phát triển kinh tế- xã hội trên nền cơ sở hạ tầng cũ để lại thì đến giai đoạn 1992- 2007, nhiều công trình nổi bật được đầu tư xây dựng và nâng cấp, tạo động lực cho phát triển ĐT như: cầu Mỹ Thuận, đường Phạm Thái Bường, đường Phó Cơ Điều, đường Phạm Hùng, đường Nguyễn Huệ, đường Đinh Tiên Hoàng, Quảng trường TP Vĩnh Long, Công viên Tượng đài Chiến thắng Mậu Thân, chợ Phước Thọ, Siêu thị Co.opmart, Bệnh viện Đa khoa tỉnh…

Giai đoạn 2007- 2020 đánh dấu những thay đổi lớn của ĐT với nhiều công trình nổi bật được đầu tư, nâng cấp, như: kè sông Cổ Chiên, đường Võ Văn Kiệt, đường Trần Đại Nghĩa, đường Nguyễn Văn Thiệt, lộ Bờ Gòn (QL53 nối dài), Khu Hành chính tỉnh, các trường ĐH và các bệnh viện, Trung tâm thương mại Vincom…

Bên cạnh, TP Vĩnh Long đang có và sẽ có thêm rạp chiếu phim, nhà hát… đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của người dân.

Không riêng TP Vĩnh Long, chính từ hạ tầng kỹ thuật (đường sá, trung tâm thương mại,…) và hạ tầng xã hội (công viên, quảng trường,…) được quan tâm đầu tư, bức tranh của ĐT trong toàn tỉnh hôm nay đã hoàn toàn đổi thay về diện mạo, đời sống người dân nhờ đó cũng ngày nâng chất.

Nâng tầm đô thị

Ông Nguyễn Chánh Tông ở phường Đông Thuận (TX Bình Minh) vui vẻ nói: Thị xã ngày nay đổi thay nhiều. Nếu trước đây chỉ có một số đường chính như QL1, Hương lộ 37 (nay là QL54) được đầu tư hoàn chỉnh, còn lại đa số là đường đất, mùa mưa lầy lội, đi lại rất khó khăn. Đến nay, các tuyến đường lớn nhỏ tại các phường đều được đầu tư hoàn thiện.

Anh Kiên Long (57 tuổi, Khóm 1- thị trấn Vũng Liêm) vui vẻ nói: Đường nội ô được nâng cấp, mở rộng, nhiều lộ tẻ mở ra; trung tâm thương mại, hàng quán nhiều lên; nhà cửa đông đúc, khang trang hơn. Những không gian văn hóa lịch sử, công cộng… ngày càng mở rộng. Trong đó, Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt với không gian xanh mát là điểm đến của người dân.

Quảng trường TP Vĩnh Long là điểm sinh hoạt văn hóa của đô thị trung tâm.
Quảng trường TP Vĩnh Long là điểm sinh hoạt văn hóa của đô thị trung tâm.

Nhà trên đường Trưng Nữ Vương (Phường 1- TP Vĩnh Long)- tuyến trung tâm nội ô vừa được nâng cấp, mở rộng và ngầm hóa đường dây, dì Nguyễn Phù Dung cho hay “sống ở đây từ hồi giải phóng tới giờ” nhưng nay dì thường dành thời gian ngắm nghía con đường đẹp và thích đến “quảng trường tản bộ hay đi siêu thị mua sắm”.

Bên cạnh đường Trưng Nữ Vương, TP Vĩnh Long còn đầu tư rất nhiều tuyến đường mới, công trình động lực để phát triển ĐT.

Ngay cả mảnh đất cồn vùng ven như cồn Chim trước kia cách trở nay cũng đã được đầu tư hạ tầng khang trang, kết nối liền mạch với đất liền nên ngày càng đông vui, trù phú.

Thời gian qua, cồn Chim được đầu tư cơ sở hạ tầng như đường nhựa xe 4 bánh lưu thông thông suốt quanh cồn; xây cầu nối 2 đầu cồn với đất liền…

Nơi đây được định hướng phát triển thành khu du lịch sinh thái, khu biệt thự cao cấp của thành phố. Nhà ở cồn Chim, chú Trần Văn Hính (77 tuổi) kể lại: Hồi đó ở đây cồn bãi nghèo khó, đi lại chủ yếu là bơi xuồng, nhà thưa lắm. Giờ nguồn nước dưới sông mênh mông, mát mẻ, đường đi lại dễ dàng, đèn điện sáng trưng, lễ tết càng rực rỡ.

Ông Đặng Văn Lượng- Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố- cho biết: Định hướng phát triển ĐT giai đoạn 2020- 2030 bền vững, TP Vĩnh Long tập trung đầu tư các tiêu chí của ĐT loại II và tiếp tục phấn đấu đạt một số tiêu chí của ĐT loại I.

Trong đó, tiếp tục huy động các nguồn lực tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao chất lượng sống của người dân.

Theo Chương trình phát triển ĐT tỉnh Vĩnh Long, năm 2020, toàn tỉnh có 8 ĐT gồm: 1 ĐT loại II (TP Vĩnh Long), 1 ĐT loại III (TX Bình Minh) và 6 ĐT loại V. Đến năm 2030, sẽ có 11 ĐT, với tổng vốn đầu tư là 65.515 tỷ đồng.

Ông Trương Văn Sáu- nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long- đánh giá: Một thời gian tương đối dài chúng ta đầu tư cho nông thôn nhiều (điện, đường, trường, trạm) nên ít đầu từ cho ĐT. Cơ sở hạ tầng ĐT thời gian qua phát triển mạnh nhưng chưa xứng tầm thành phố trung tâm.

Cụ thể, đường chính của TP Vĩnh Long hiện có vành đai 1, cần thêm vành đai 2, vành đai 3 để mở rộng đô thị.

Đường sá, hạ tầng phát triển tới đâu thì thương mại- dịch vụ phát triển tới đó, kinh tế, đời sống của người dân phát triển đi lên. Vĩnh Long có thuận lợi với “2 đầu đô thị”, ở giữa là các khu công nghiệp. Theo đó, cần phát triển tuyến nối từ TP Vĩnh Long qua TX Bình Minh thành chuỗi ĐT để phát triển TP Vĩnh Long, phát triển tỉnh nhà.

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh