"Vĩnh Long lọt vào vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng PCI 2019 nhờ những bước tiến mạnh mẽ trong việc nâng cao chất lượng cải cách hành chính (CCHC) tại địa phương và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) gia nhập thị trường"- ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng Ban Pháp chế thuộc VCCI nhận định.
Ông Lữ Quang Ngời- Chủ tịch UBND tỉnh- đón nhận Kỷ niệm chương dành cho tỉnh xuất sắc trong PCI 2019. Ảnh: TRƯƠNG ĐẶNG VĨNH PHÚC |
Kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2019 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, đã ghi nhận sự vươn lên của Vĩnh Long khi thăng hạng từ vị trí thứ 8 (với 65,53 điểm, năm 2018) lên vị trí thứ 3 với 71,30 điểm.
“Vĩnh Long lọt vào vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng PCI 2019 nhờ những bước tiến mạnh mẽ trong việc nâng cao chất lượng cải cách hành chính (CCHC) tại địa phương và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) gia nhập thị trường”- ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng Ban Pháp chế thuộc VCCI nhận định.
Nhiều địa phương bứt phá
Bảng xếp hạng PCI 2019 do VCCI công bố ngày 5/5 không có nhiều biến động khi Quảng Ninh và Đồng Tháp vẫn lần lượt nắm giữ vị trí quán quân và á quân. Trong khi đó Vĩnh Long vươn mạnh từ vị trí thứ 8 lên thứ 3.
Đáng chú ý, các vị trí ở giữa bảng xếp hạng có khoảng cách ngày càng hẹp hơn. Bắc Ninh cũng bứt phá mạnh khi đạt 70,79 điểm và giữ vị trí thứ 4. Ở hướng ngược lại, TP Hồ Chí Minh “rơi” khỏi top 10 xuống vị trí thứ 14, Đà Nẵng và Hà Nội vẫn có vị trí khá ổn định trong top 10.
Phát biểu tại lễ công bố, Chủ tịch VCCI- Vũ Tiến Lộc cho rằng: 15 năm qua, PCI như cánh chim không mỏi, bền bỉ chuyển tải thông điệp về nâng cao chất lượng điều hành tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi hơn. Việc các địa phương thi đua cải thiện PCI sẽ giúp tạo ra công ăn việc làm, đóng góp ngân sách, tạo ra năng lực cạnh tranh và tăng cường sự thịnh vượng của quốc gia.
Đánh giá về vai trò PCI trong 15 năm qua, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink cho rằng, khảo sát chỉ số này thúc đẩy tính minh bạch, trách nhiệm giải trình ở địa phương, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân, qua đó thúc đẩy năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đáng chú ý, PCI 2019 có điểm trung vị cao nhất từ trước tới nay. Xu hướng hội tụ, thu hẹp sự cách biệt trong chất lượng điều hành giữa các tỉnh- thành rất rõ. Ở thời điểm giữa năm 2019, khi VCCI tiến hành cuộc khảo sát có trên 50% DN trong và ngoài nước cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới.
Báo cáo PCI 2019 đã lựa chọn chủ đề tự động hóa và chuyển đổi số trong DN, cơ hội và thách thức đối với vấn đề lao động và việc làm. Kết quả cho thấy mức độ tự động hóa đang cao hơn, 67% DN cho biết đã tự động hóa một phần công việc trong 3 năm qua, khoảng 75% DN dự định sẽ tự động hóa các công việc mới trong 3 năm tới…
Ở ĐBSCL, Đồng Tháp và Vĩnh Long nằm trong top 3. “Đồng Tháp là địa phương rất nỗ lực xây dựng thương hiệu chính quyền thân thiện với DN, mô hình cà phê Doanh nhân từ Đồng Tháp được biết tiếng nhiều năm nay giờ đã phổ biến ra hàng chục tỉnh- thành khác”- ông Đậu Anh Tuấn nói.
Vĩnh Long đã làm gì để cải thiện PCI?
Ông Đậu Anh Tuấn đánh giá: “Vĩnh Long lọt vào vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng PCI 2019 nhờ những bước tiến mạnh mẽ trong việc nâng cao chất lượng CCHC tại địa phương (điểm chỉ số chi phí thời gian tăng 1,01 điểm) và tạo thuận lợi cho DN gia nhập thị trường (tăng 0,99 điểm)”.
Trong khi đó, một số chỉ số thành phần của PCI 2019 cho thấy, Vĩnh Long được các DN đánh giá cao nhất trên cả nước về những thuận lợi trong tiếp cận đất đai và những nỗ lực cắt giảm chi phí không chính thức…
Những năm qua, Vĩnh Long rất coi trọng việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh với tinh thần cầu thị và phương châm hành động nhất quán, xuyên suốt là: xây dựng chính quyền đồng hành cùng DN, phục vụ nhân dân, điều hành năng động, quản lý hiệu quả.
Ông Lữ Quang Ngời- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long- nhận định: “Tôi cho rằng những kết quả, nỗ lực, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác CCHC và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh trong thời gian qua đã góp phần xây dựng hình ảnh tỉnh Vĩnh Long năng động, tích cực hơn.
Thực hiện CCHC mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính đã tạo bước chuyển căn bản trong quan hệ và thủ tục giải quyết công việc giữa các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh với nhau và giữa cơ quan nhà nước với người dân, DN. Đặc biệt là chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong phục vụ người dân và DN”.
Vĩnh Long xem PCI là thước đo quan trọng, đánh giá chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh, nỗ lực CCHC, mức độ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của địa phương.
Vào tháng 4/2019, tỉnh đã vận hành Trung tâm Phục vụ hành chính công. Theo ông Lê Thanh Tâm- Giám đốc Trung tâm: “Từ khi đi vào hoạt động, Trung tâm Phục vụ hành chính công đã bước đầu giải quyết TTHC kịp thời, nhanh chóng, chính xác, thuận tiện, công khai, minh bạch, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành; tạo sự tin tưởng, ấn tượng tốt đẹp đối với nhân dân về nền hành chính phục vụ văn minh, hiện đại, liêm chính, hiệu lực, hiệu quả.
Giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông giúp cá nhân, tổ chức chỉ phải đến một địa chỉ để giải quyết TTHC, tiết kiệm đáng kể thời gian và tiền bạc; giảm phiền hà, nhũng nhiễu trong quá trình giải quyết TTHC…”
Ảnh: TRẦN PHƯỚC |
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Bá Nhẫn- Trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch- Đầu tư) cho biết: Thời gian qua, Sở Kế hoạch- Đầu tư đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng phục vụ trong công tác đăng ký kinh doanh.
Theo đó, đã rút ngắn thời gian đăng ký thành lập DN chỉ còn 0,76 ngày; thời gian trung bình đăng ký, thông báo thay đổi là 0,32 ngày, trong khi quy định là 3 ngày. Bên cạnh còn hướng dẫn thủ tục cho người dân, DN trực tiếp tại đơn vị hoặc qua điện thoại, email, qua mạng điện tử…
Năm 2019, trên địa bàn tỉnh đã phát triển 363 DN, với tổng số vốn đăng ký 3.612 tỷ đồng. So với năm 2018, số lượng DN và số vốn đăng ký đều tăng. Về quy mô vốn đầu tư trung bình của một DN năm 2019: 9,95 tỷ đồng/DN (năm 2018 là 8,6 tỷ đồng/DN).
Để thu hút đầu tư và phát triển DN, công tác tăng cường năng lực cạnh tranh, cải thiện PCI, tạo môi trường đầu tư kinh doanh… luôn được lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long đặc biệt quan tâm và tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện. Công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN được tỉnh chú trọng và chỉ đạo thực hiện quyết liệt.
Thay đổi tư duy trong quản lý, điều hành Ngày 14/2/2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 361 ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, chú trọng tăng cường trách nhiệm, tính chủ động của các cơ quan, đơn vị để thay đổi rõ nét hơn nữa nhận thức của CB-CCVC trực thuộc theo 3 trọng tâm sau: phải thực sự cầu thị, lắng nghe, cảm nhận trước các phản hồi từ phía người dân, cộng đồng DN. Thay đổi tư duy, tầm nhìn để có sự chủ động, có những đề xuất sáng tạo, đột phá hơn trong quản lý điều hành, chuyển nhanh cách làm từ hành chính sang phục vụ. Chống tư tưởng “bàn lùi”, chùn bước trước khó khăn; phải có trách nhiệm, nêu gương, đứng sang bên để người khác làm nếu thấy mình không đủ năng lực. Quyết định cũng nêu rõ, các sở, ban, ngành tiếp tục cải thiện chỉ số PCI, nhất là các chỉ số PCI thành phần có thứ hạng thấp hơn trung bình của cả nước hoặc tụt hạng so với năm trước.
|
TRẦN PHƯỚC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin