Vườn dưa lưới thủy canh theo hướng công nghệ cao mọc lên ở "vương quốc" bưởi Mỹ Hòa (xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh) với vốn đầu tư hiện đã lên đến hàng tỷ đồng và đang tiếp tục mở rộng diện tích của Nguyễn Trọng Nghĩa (sinh năm 1990) khiến có người bông đùa gọi là "Nghĩa gan to".
Vườn dưa lưới thủy canh theo hướng công nghệ cao mọc lên ở “vương quốc” bưởi Mỹ Hòa (xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh) với vốn đầu tư hiện đã lên đến hàng tỷ đồng và đang tiếp tục mở rộng diện tích của Nguyễn Trọng Nghĩa (sinh năm 1990) khiến có người bông đùa gọi là “Nghĩa gan to”.
Câu chuyện của chúng tôi với Nghĩa bên khu vườn công nghệ cao quy mô nằm giữa những vườn bưởi rợp mát ở cồn Sừng lần lượt tháo gỡ những thắc mắc vì sao Nghĩa liều như vậy.
Nguyễn Trọng Nghĩa bên vườn dưa lưới thủy canh theo hướng công nghệ cao. |
Rẽ vào cổng có tấm bảng ghi: Hợp tác xã (HTX) Mekong Green “Cùng hợp tác- Cùng phát triển” còn mới toanh ở cồn Sừng ven sông Hậu, chúng tôi vào vườn thủy canh với 6 nhà trồng dưa lưới của Nghĩa. Khu vườn có tổng diện tích 2.000m2 trên đất vườn “trước đây trồng chôm chôm, rồi chuyển sang trồng bưởi”.
Tốt nghiệp ĐH chuyên ngành kế toán- kiểm toán, vừa làm công việc ổn định tại TP Cần Thơ nhưng vừa khởi nghiệp nông nghiệp, Nghĩa cho hay, quyết định chuyển 2 công vườn từ bưởi sang dưa lưới theo hướng công nghệ cao vì nhiều lý do. Trong đó, 8 công đất với khoảng 400 gốc bưởi nhà Nghĩa “đã trồng bưởi suốt 15 năm- ăn hết 1 đời và gầy vườn mới được 5 năm nhưng… không có trái”. Theo Nghĩa, do tập quán canh tác và đất trồng lâu năm “bị chai”. Một phần do thời gian gần đây, vườn bưởi bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, cây bị vàng lá… Đồng thời, giá bưởi nông dân bán tại vườn thường khá bấp bênh và “ngày thường chưa bao giờ có giá 40.000 đ/kg”. Khó khăn của vườn nhà đặt ra yêu cầu cần thiết phải có hướng canh tác hiệu quả hơn, cộng với “đam mê và tình yêu nghề nông của ông cha đã có sẵn trong máu” nên Nghĩa ấp ủ dự định chuyển đổi vườn.
Qua tìm hiểu cách thức làm nông công nghệ cao đang là hướng đi mới được khuyến khích nhân rộng, Nghĩa thử nghiệm thành công giàn rau cho năng suất cao, cho sản phẩm an toàn cho sức khỏe gia đình và nhận thấy tiềm năng phát triển lớn nên Nghĩa quyết định chọn làm nông công nghệ cao. Còn trái dưa lưới thì nhiều dinh dưỡng, thị trường chưa nhiều người trồng. “Đó là lý do vườn dưa lưới thủy canh ra đời” với sự chuyển giao công nghệ của Công ty Mekong Farm.
“Chua lắm!” Nghĩa đúc kết sau thời gian khởi động từ tháng 7- 8 và chính thức vận hành từ tháng 11/2019. Hiện khu vườn cho thu hoạch 1 tấn/tuần, phần lớn bán qua thương lái đến các chợ, một phần vào các cửa hàng nông sản sạch.
Khởi nghiệp nông nghiệp là mảnh đất màu mỡ nhưng “chua” bởi nhiều rủi ro. Nông dân cần phải đi theo công nghệ, đoàn kết và cần được Nhà nước hỗ trợ sát cánh để khởi nghiệp thành công. |
Sau thời gian “xắn tay làm nông công nghệ cao, đổ vốn đầu tư lớn”, Nghĩa đúc kết: “Rất nhiều khó khăn. 3 khó khăn chính là nhân sự, dịch bệnh và thị trường tiêu thụ”. Trong đó, nhân sự đặc biệt ưu tiên người trẻ có học vấn để dễ dàng bắt nhịp xu hướng làm nông mới; dịch bệnh thì luôn là mối lo vì vừa qua đã mất trắng 1/6 nhà lưới ngót 15 triệu đồng do trồng nhà kín không có côn trùng nhưng kiểm soát nấm bệnh không dễ dàng. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ quyết định sự sống còn. Nghĩa thừa nhận: “Thời gian qua, xoay vốn khá vất vả, tìm nhân sự phù hợp không dễ và hiện vẫn đang nỗ lực tìm kiếm thị trường ổn định hơn”.
Chúng tôi hỏi Nghĩa nếu khó vậy thì có… ngán không? Nghĩa cho hay: Mô hình đang mở rộng thêm 4 công vườn kế bên là câu trả lời thực tế nhất.
Đó là đất vườn của thành viên HTX Mekong Green do Nghĩa làm giám đốc sản xuất vừa thành lập vào 10/2019 vừa qua. “Thành lập HTX để cùng làm ăn lớn cũng là bước đi căn cơ để giải quyết các khó khăn cơ bản mà HTX đang gặp phải”- Nghĩa nói. Cần diện tích sản xuất đủ lớn để cho sản lượng lớn, có vậy mới có khách hàng lớn, đi được vào các kênh tiêu thụ lớn và ổn định. Do đó, cần vốn đầu tư lớn và cần nhiều người cùng chung tay để trồng rải vụ, chia sẻ tần suất quản lý về nhân sự và đảm bảo chất lượng, quy chuẩn sản phẩm. “Để làm được điều này, phải kết nối bà con”.
Xuất thân từ nghề nông, Nghĩa thấm thía những bấp bênh: nông sản tươi bán tại vườn, ruộng của nông dân mình thường bị ép giá. Một phần do nông dân thiếu liên kết, đây là vấn đề cần được tháo gỡ. Muốn đi đường dài, cần tạo ra giá trị thật- cùng bà con nhìn nhận rõ bước đi phù hợp nên HTX đang trong giai đoạn đầu, làm từng bước cho hiệu quả để hướng đến nhân rộng. Riêng mô hình của Nghĩa, cần Nhà nước, ngân hàng giúp 1/2 vốn ban đầu để bà con mạnh dạn đầu tư tham gia mô hình.
Còn về đường dài cho nông nghiệp công nghệ cao phát triển, Nghĩa chia sẻ kỳ vọng các sở ngành liên quan, ngân hàng… sẽ liên kết chặt chẽ để gỡ khó cho thông suốt hết. Về phía người khởi nghiệp cùng chí hướng, càng cần cùng ngồi lại với nhau để bàn chuyện liên kết, tiêu thụ ổn định. Người mới muốn xắn tay vào làm nông nên gặp nhau nói hết ruột gan những cái khó, tính toán kỹ và tâm huyết thực sự mới có thể xắn tay vào làm khởi động dự án và cùng nhau chinh phục đường dài.
Anh Trần Phúc Hậu- Giám đốc Công ty Mekong Farm Thời gian qua, công ty đã chuyển giao công nghệ dưa lưới thủy canh vài chục chỗ ở các tỉnh thành. Đầu tư 1.000m2 khoảng 500- 600 triệu đồng, làm bài bản thì trong 1 năm có thể bỏ túi khoảng 200 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện người tham gia đa số cũng làm nhỏ lẻ do nông dân chưa có niềm tin, chưa mặn, có người thăm dò rồi thôi. Nếu có sự hợp tác 3 bên “HTX- ngân hàng- nông dân” chắc chắn, được hỗ trợ vốn vay, hỗ trợ kết nối, tiêu thụ thì nông nghiệp công nghệ cao phát triển mạnh. |
Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN- XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin