Một trong những biện pháp để ứng phó tốt với hạn, mặn là trữ nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Mùa khô năm nay cho thấy, việc làm này vẫn còn gặp khó khăn.
Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã hỗ trợ người dân nhiều bồn chứa nước giúp giảm bớt khó khăn về nguồn nước cấp cho sinh hoạt. |
Một trong những biện pháp để ứng phó tốt với hạn, mặn là trữ nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Mùa khô năm nay cho thấy, việc làm này vẫn còn gặp khó khăn.
Nhằm thiết thực hỗ trợ người dân giảm bớt khó khăn trong mùa khô này, sáng 4/5/2020, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã trao bồn chứa nước tại 3 xã Đông Thành, Đông Thạnh và Mỹ Hòa (TX Bình Minh).
Hoạt động này nằm trong chuỗi hỗ trợ 1.885 bồn chứa nước đến tay các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn tại 17 xã thuộc 5 huyện- thị trong tỉnh nhằm hỗ trợ người dân ứng phó hạn, mặn.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã hỗ trợ trên 3.000 dụng cụ chứa nước (bồn, thùng, túi chứa nước), 3 máy lọc nước mặn thành nước ngọt, đường ống cấp nước sạch, cùng nhiều hoạt động hỗ trợ cấp nước sạch miễn phí cho người dân ở một số vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn trong tỉnh, giúp giảm bớt khó khăn về nguồn nước cấp sinh hoạt và tưới cây trồng.
Nếu như mùa khô năm 2015- 2016, toàn tỉnh có 4 huyện bị ảnh hưởng với độ mặn từ 2- 10‰ là Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít và Tam Bình thì sang mùa khô năm nay, chỉ còn huyện Bình Tân và TP Vĩnh Long là chưa bị ảnh hưởng mặn. Vào thời điểm xâm nhập mặn cao nhất (tháng 1 và 2/2020), toàn tỉnh có 26.289 hộ bị thiếu nước sinh hoạt, 17.479ha cây trồng bị thiếu nước tưới.
Thực tế cho thấy, một khi mặn xâm nhập, khả năng trữ nước ngọt trong hệ thống kinh, rạch và cống, đập ở các vùng bị ảnh hưởng mặn cũng còn nhiều hạn chế nên nhiều nơi thiếu nước sinh hoạt và sản xuất trong những ngày độ mặn lên cao, phải đóng cống ngăn mặn.
Theo Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp- PTNT) hiện một số công trình thủy lợi cống lớn phát huy hiệu quả ngăn mặn, trữ ngọt cho Vĩnh Long như các cống: Vũng Liêm, Tân Dinh, Cái Hóp, Nàng Âm, Cái Tôm, với diện tích phục vụ khá lớn. Còn lại các vùng khác đều là những ô bao khép kín có diện tích nhỏ.
Đặc biệt, ở vùng Nam sông Măng Thít, các vàm sông, rạch nối với sông Cổ Chiên, sông Măng Thít và sông Hậu còn hở, chưa có cống ngăn mặn nên mặn vẫn còn thâm nhập vào nội đồng. Hiện việc ngăn mặn, trữ ngọt chỉ nhờ vào hệ thống đê bao ven các kinh cấp 1, cấp 2 và các cống nhỏ trên đê bao. Phần lớn kinh, rạch trong nội đồng bị bồi lắng nên khả năng trữ nước cũng rất thấp.
Theo ông Lê Văn Đôi- Phó Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm, những ngày mặn lên cao, lượng nước trữ trong kinh, rạch nội đồng chỉ có thể sử dụng để tưới, cho sinh hoạt từ 7- 10 ngày. Nếu thời gian đóng cống, ngăn mặn kéo dài hơn 2 tuần thì nguồn nước trong kinh, rạch sẽ bị ô nhiễm.
Do các kinh, rạch ngoài vùng đê bao phần lớn đều hở, nên thường bị nhiễm mặn khi triều lên. Các nhà máy nước ở các huyện bị nhiễm mặn phần lớn lấy nước trực tiếp từ các sông, rạch này nên nguồn nước thu cũng bị nhiễm mặn.
Cao điểm, 51 nhà máy, trạm cấp nước đã phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn trên 1‰ cấp nước cho 89.743 hộ. Trong đợt mặn lên cao vào đầu năm 2020, do nhu cầu phục vụ nước cho người dân nên hầu hết các nhà máy buộc phải bơm nước mặn lên tạm cấp cho sinh hoạt.
Để khắc phục khó khăn trước mắt, chủ động cung cấp nguồn nước ngọt cho người dân, thời gian qua, Công ty CP Cấp nước Vĩnh Long đã đầu tư xây dựng hồ chứa nước ngọt có diện tích 10.000m2 tại trạm cấp nước Vũng Liêm, dung tích hồ chứa khoảng 30.000m3 nước, với lượng nước này nhà máy đủ cung cấp cho 6.500 hộ dân sử dụng trong thời gian từ 7- 10 ngày.
Người dân chủ động lót bạt trữ nước tưới tiêu, ứng phó với hạn, mặn. |
Theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, để ứng phó với hạn, mặn, trước mắt cần tăng cường khả năng trữ nước thông qua vận hành hệ thống thủy lợi cũng như sự chủ động của người dân trong việc tích trữ, sử dụng tiết kiệm nước ngọt trong sản xuất và sinh hoạt.
Tuy nhiên về lâu dài, giải pháp thủy lợi tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong phòng, chống hạn, mặn. Bên cạnh, giải pháp chuyển tải nước từ vùng nước ngọt (Bắc sông Măng Thít) tiếp cho vùng bị nhiễm mặn (Nam sông Măng Thít) vào mùa khô thông qua việc cải tạo, nạo vét, mở rộng các tuyến kinh trục lớn nối với sông Măng Thít.
Về nước sinh hoạt, tiếp tục hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ khó khăn, các trạm y tế, bệnh viện, trường học… các dụng cụ chứa nước cỡ lớn tiếp tục duy trì thực hiện trong những năm tới. Đấu nối, xây dựng hệ thống cấp nước sạch liên xã, liên vùng để chuyển tải nước từ vùng ngọt sang vùng mặn, từ đất liền sang các cù lao…
Bài, ảnh: THÀNH LONG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin