Sinh thời, ngay cả khi tuổi đã cao, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuống nông thôn, gặp gỡ bà con trên đồng ruộng, động viên bà con tích cực tăng gia sản xuất. Ghi nhớ những lời dạy của Bác, Đảng bộ và chính quyền xã Tân An Luông (Vũng Liêm) đã không ngừng vận động nhân dân tăng gia sản xuất, qua đó góp phần nâng chất các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao.
Nhờ tăng gia sản xuất, đời sống người dân xã Tân An Luông ngày càng được cải thiện. |
Sinh thời, ngay cả khi tuổi đã cao, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuống nông thôn, gặp gỡ bà con trên đồng ruộng, động viên bà con tích cực tăng gia sản xuất. Ghi nhớ những lời dạy của Bác, Đảng bộ và chính quyền xã Tân An Luông (Vũng Liêm) đã không ngừng vận động nhân dân tăng gia sản xuất, qua đó góp phần nâng chất các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao.
Đưa nông dân vào cánh đồng lớn
Sau khi đón bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2017, để nâng chất tiêu chí thu nhập và tổ chức sản xuất trong xây dựng NTM nâng cao, xã Tân An Luông đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó việc vận động người dân tham gia cánh đồng lớn (trước đây gọi là cánh đồng mẫu lớn) đã và đang mang lại hiệu quả tích cực, giúp kéo giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho nông dân.
Là một trong những nông dân trồng lúa khá giỏi ở địa phương, ông Lê Hoàng Nam- Tổ trưởng Tổ hợp tác Sản xuất lúa ấp Đập Sậy- khoe, cánh đồng của 3 ấp (Ấp 8, Nước Xoáy, Đập Sậy) được “thương lái mua lúa với giá cao nhất” nhờ chọn các giống lúa có chất lượng cao (vụ Đông Xuân trồng OM 4.900, vụ Hè Thu và Thu Đông trồng OM 5451), thực hiện xuống giống đồng loạt và làm ra hạt lúa chất lượng. Nhờ vậy “lúa cắt tới đâu thì thương lái cân tới đó và mua với giá cao”.
“Hồi xưa nông dân mình chưa có kinh nghiệm mần lúa, không biết xiết nước, ngâm nước hoài làm cây lúa bị thối bộ rễ, lúa khó chắc hột, bông lúa chắc một nửa còn lại thì bị lép”- ông Nam kể. Song, nhờ tham gia mô hình cánh đồng lớn, nông dân được tập huấn hỗ trợ kỹ thuật về cách xiết nước, đón đòng, bón phân, phun xịt thuốc… người dân nơi đây đã biết áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật trong từng khâu canh tác một cách “bài bản” để đạt năng suất tối đa trong sản xuất.
Hiện, ấp có 79ha tham gia cánh đồng mẫu, trong đó gia đình ông Nam có 5 công. Qua các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật mà ông Nam và nhiều nông dân địa phương đã có thể thuộc làu làu từng giai đoạn như: 18 ngày giặm vá, 20 ngày nuôi chồi, 22 ngày phun ngừa bệnh đạo ôn hại lúa, 48- 50 ngày là đón đòng… và khi thời tiết thay đổi thì kịp thời xử lý.
Bên cạnh, bà con nông dân giờ đã áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, không sạ lúa theo tập quán. Cụ thể như trước đây nông dân sạ lan cần 20- 25kg lúa giống/công, sử dụng lượng giống quá nhiều làm tăng chi phí sản xuất. Còn hiện nay, cấy bằng máy thì tiết kiệm đủ thứ, nhất là chỉ tốn khoảng vài ký lúa giống/công (tùy mô hình), “phần lúa còn dư có thể cho gà vịt ăn cũng có lợi hơn, chứ ngày xưa thấy dư cứ quăng lúa xuống là nó ăn hết phân. Mình xuống giống đều lúa sẽ dễ trúng, bông nào ra bông nấy, chứ chỗ thưa chỗ dày như trước đây rất khó bón phân”- ông Nam nói.
Cánh đồng lúa lớn ở xã Tân An Luông đang phát triển tươi tốt nhờ áp dụng tốt các giải pháp kỹ thuật trong từng khâu canh tác. |
Theo ông Nam, nhờ tăng gia sản xuất và thực hiện tốt phương pháp “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây lúa… mà người trồng lúa giỏi có thể thu hoạt đạt 1kg lúa/1m2, lúc đầu có nhiều người không tin hỏi rằng “sao lúa anh trúng dữ vậy” nhưng qua thu hoạch vụ Đông Xuân cho thấy năng suất đạt từ 900kg đến 1 tấn/công, nếu trúng giá có thể lời 2- 3 triệu đồng/công.
Thu nhập tăng lên
“Nhận thấy rõ những lợi ích của cánh đồng lớn mang lại, đến nay người dân 12/12 ấp trong xã đã lần lượt tham gia cánh đồng lớn với tổng diện tích 810ha”- ông Nguyễn Văn Sang- Chủ tịch UBND xã cho biết. Hiện, cây lúa được chọn là cây trồng chủ lực của địa phương và được HTX Nông nghiệp Tân An Luông liên kết bao tiêu sản phẩm.
Ngoài vận động người dân tích cực tăng gia sản xuất với các mô hình cánh đồng lớn, trồng nấm bào ngư, sản xuất lúa giống, nuôi bò sinh sản… để cải thiện thu nhập và phát triển kinh tế, xã còn vận động nông dân chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu; cải tạo vườn tạp với các loại cây trồng như dừa, bưởi da xanh…
Theo ông Nam, trước đây ông có 3 công vườn trồng xoài cát Hòa Lộc và xoài Đài Loan, do chưa có đê bao nên mùa lũ nước ngập bị trốc gốc. Nay thì khác rồi, nhờ huyện, xã đầu tư thủy lợi khép kín, đảm bảo diện tích được tưới và tiêu chủ động 100%, ông đã chuyển sang trồng dừa và bưởi da xanh.
Ông còn đầu tư mua ti vi đời mới (trị giá 30 triệu đồng) để lên mạng tìm kiếm thông tin, học hỏi thêm kỹ thuật làm nông. Đồng thời, mua thêm máy cấy lúa với giá “có hơn trăm triệu chứ mấy, tui mua về làm nhà và đi cấy cho người ta”- ông Nam nói.
Theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Sang, cùng với việc vận động người dân tăng gia sản xuất, xã còn tuyên truyền người dân tham gia vào HTX hoặc thành lập các tổ hợp tác để hoạt động hiệu quả và mang lại nhiều lợi ích cho các thành viên. Đến nay, xã có 3 HTX và 15 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp.
Hiện, mô hình trồng nấm bào ngư từng bước ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất, hướng đến chuẩn VietGAP để đưa sản phẩm vào chuỗi siêu thị trên địa bàn tỉnh. Sản phẩm nấm bào ngư đã được chứng nhận sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và có nhãn mác thương hiệu hàng hóa.
Qua đó, xã được Sở Kế hoạch- Đầu tư và Sở Nông nghiệp- PTNT công nhận đạt tiêu chí tổ chức sản xuất theo chuẩn NTM nâng cao năm 2019.
Bên cạnh, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp đan đát, đan giỏ, lộn xên, tách vỏ hạt điều… từng bước được người dân phát triển rộng rãi góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi và nâng cao thu nhập. Từ những giải pháp thiết thực trên, đến cuối năm 2019 thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 45,23 triệu đồng/người/năm, cao gấp 1,32 lần so thời điểm xã được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2017, vượt 0,12 lần so tiêu chuẩn.
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Ðồng bào phải ra sức tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để làm cho mọi người áo ấm, cơm no”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tân An Luông đã cùng nhau đưa xã nhà xây dựng thành công xã NTM nâng cao và hướng đến mục tiêu cuối cùng là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân nông thôn.
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin