Kỳ cuối: Tư duy "nông nghiệp làm giàu"

05:05, 26/05/2020

Và không chỉ làm giàu cho mình, họ còn liên kết cùng nhau làm ăn lớn, đóng góp vào sự phát triển của địa phương và ngành nông nghiệp- góp phần cùng Nhà nước thực hiện câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh".

[links()]

Làm nông ngay trên đồng ruộng, vườn tược bao đời nhưng với cách làm đột phá, sáng tạo, có những nông dân đã và đang giàu lên. Và không chỉ làm giàu cho mình, họ còn liên kết cùng nhau làm ăn lớn, đóng góp vào sự phát triển của địa phương và ngành nông nghiệp- góp phần cùng Nhà nước thực hiện câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”.

Được như vậy là nhờ những nhà nông này đã trang bị cho mình tư duy đổi mới: tư duy “nông nghiệp làm giàu”.

 Trang trại nuôi lươn của anh Tân thu hút nhiều đoàn khách đến tham quan.
Trang trại nuôi lươn của anh Tân thu hút nhiều đoàn khách đến tham quan.

Nghĩ khác và làm khác

Trong số các “nông dân tiên tiến” mà chúng tôi gặp gỡ, bên cạnh những “nông dân rặt” thì có những trí thức sau thời gian học tập, công tác trong và ngoài nước đã quyết định “xắn tay làm nông”.

Từ nhận diện rõ sức hấp dẫn, tiềm năng lớn trong việc làm giàu từ nông nghiệp, những nông dân này vừa tích cực tiếp thu kinh nghiệm quý báu của người đi trước vừa cập nhật kiến thức, công nghệ, xu hướng làm nông mới rồi chọn “khác biệt” để thành công.

Hơn 10 năm trước, anh Nguyễn Thanh Tân (xã Bình Hòa Phước- Long Hồ) quyết định thôi làm “sếp” một công ty có vốn đầu tư nước ngoài với thu nhập hơn 30 triệu đồng/tháng để về quê làm nông.

Sinh ra và lớn lên ở xứ cù lao cây trái, anh hiểu rõ những vất vả, bấp bênh của nghề nông nên hun đúc suy nghĩ “phải làm khác đi”. Vì vậy, anh bắt đầu từ con lươn sau 2 năm tìm hiểu và xác định lấy công nghệ làm
điểm nhấn.

Từ việc chưa có kinh nghiệm nuôi và mua nhằm giống trôi nổi nên “lỗ lên lỗ xuống suýt phá sản” nhưng không bỏ cuộc, anh quyết tâm tự sản xuất lươn giống bán nhân tạo để vừa nuôi lươn thương phẩm vừa bán con giống nhằm “đáp ứng nhu cầu thị trường lúc bấy giờ đang khan hiếm”.

Để tạo kênh liên lạc, tăng tương tác với khách hàng, website với tên miền luongiongvinhlong.com chính thức ra đời- mở ra trang thông tin mới cho người nuôi lươn.

Bên cạnh, còn có hotline, email và tận dụng Zalo, Facebook, Youtube... Mô hình nuôi lươn của anh Tân đang cho hiệu quả cao với lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm và mở rộng diện tích lên 21.000m2.

Hiện, anh đang nghiên cứu hoàn thiện quy trình nuôi “tối ưu hơn so cách làm truyền thống” không chỉ cho con lươn mà còn cho các loại đặc sản tiềm năng khác theo hướng kiểm soát nguồn nước, mật độ dày với diện tích nhỏ. “Thành lập công ty là một trong những bước đi dài hạn”- anh Tân chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Đẳng- Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Phước- cho biết: Anh Tân là một trong 63 nông dân tiêu biểu của cả nước được tuyên dương “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2019.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Tân còn hỗ trợ hàng chục ngàn con lươn giống cho thanh niên địa phương khởi nghiệp và giúp nông dân phát triển mô hình nuôi lươn thương phẩm để nâng cao thu nhập.

Dự hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần 2 tại TP Cần Thơ, anh Nguyễn Thanh Tân vinh dự là 1/19 đại biểu nông dân- đại diện cho hơn 12 triệu hội viên, nông dân cả nước phát biểu ý kiến.

Tại đây, anh giới thiệu về mô hình đang thực hiện, mạnh dạn đưa ra bài toán kinh tế con lươn với “doanh thu không nhỏ so nông sản khác” rồi đề xuất Chính phủ cần quan tâm hỗ trợ người nuôi lươn, trong đó có lươn giống “để chúng tôi phát triển nghề và cung cấp cho bà con để phát triển kinh tế”. Anh cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ có quyết sách hỗ trợ nông dân.

Trăn trở của anh Tân thể hiện khát vọng vươn lên của người nông dân, cũng là trăn trở của những người tâm huyết, kỳ vọng vào nền nông nghiệp Việt Nam.

GS. TS. Võ Tòng Xuân nhận định: Phần lớn nông dân ngày nay là những người làm ăn nhỏ lẻ trên diện tích đất đai manh mún của mình, nhất là nông dân trồng lúa. Phần lớn bà con nông dân còn nghèo hoặc rất nghèo.

Suy cho cùng, cái nghèo của nông dân ta một phần vì chỉ biết trồng lúa giá quá rẻ mà chi phí quá cao, một phần vì chính họ chỉ suy nghĩ làm ăn nhỏ lẻ. Họ không thấy xa hiểu rộng, chỉ khư khư giữ lấy miếng đất nhỏ bé của mình, từ cái bờ ruộng nhỏ hẹp cũng không muốn phá đi, không chịu cùng nhau dồn điền đổi thửa để có một trang trại lớn với những kênh tưới, kênh tiêu theo đúng kỹ thuật hiện đại.

Dĩ nhiên ngày nay chúng ta cũng có một số nông dân giàu, nhưng đây là những nông dân thấy xa hiểu rộng, dám nuôi trồng những gì khác hơn cây lúa, trên diện tích lớn.

Làm nông bài bản để giàu lên

Khát vọng vươn lên từ việc “tiếp nối nghề của ông cha”, vợ chồng anh Đoàn Văn Tài và chị Lê Thị Nga (ấp Kinh, xã Trung Ngãi- Vũng Liêm) hăng say lao động, luôn đứng “tốp đầu” trong phong trào nông dân thi đua sản xuất- kinh doanh giỏi của tỉnh.

Tích cóp được tiền là anh chị mua thêm ruộng đất và đầu tư mua máy móc phục vụ nông nghiệp. Từ 3 công ruộng “cha mẹ cho lúc ra riêng”, đến nay, anh chị có trong tay 3ha ruộng, 1ha vườn.

Đồng thời, diện tích lúa của Hợp tác xã (HTX) Sản xuất- Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt do anh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm giám đốc với 62ha chuyên sản xuất lúa giống, lúa an toàn, lúa hữu cơ.

Ngoài ra, HTX còn liên kết với nông dân sản xuất theo quy trình của HTX với hơn 400ha. Hàng năm, cung cấp ra thị trường 800 tấn gạo (hữu cơ và an toàn).

Bắt đầu ngày làm việc mới bằng việc đi thăm đồng, chị Nga cho hay: “Thấy trồng lúa mà bón phân, xịt thuốc nhiều, tui rất lo lắng cho sức khỏe của người làm lúa và cả người ăn hạt gạo” nên đã tìm tòi thử nghiệm sản xuất lúa an toàn, lúa hữu cơ, làm trà gạo lứt từ lúa tím…

Còn anh Đoàn Văn Tài chia sẻ: “Thành lập HTX là để cùng bà con quê mình làm ăn bài bản để giàu lên, qua đó còn góp phần cùng địa phương thực hiện tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới”.

Năm 2017 đến nay, HTX thực hiện mô hình sản xuất lúa giống- cung ứng dịch vụ- sơ chế- chế biến- đóng gói- tiêu thụ hàng hóa. Hiệu quả lan tỏa, HTX được Nhà nước hỗ trợ đầu tư nhà kho, máy xay xát hơn 2 tỷ đồng và làm giấy chứng nhận lúa hữu cơ đạt chuẩn Châu Âu…

Là thành viên HTX, chú Nguyễn Văn Trung (ấp Kinh- xã Trung Ngãi) vui vẻ: “HTX cung cấp phân bón giá thấp mà trả chậm không tính lãi, lại được hỗ trợ kỹ thuật nên làm ăn khá hơn trước nhiều”.

Theo Phòng Tài chính- Kế hoạch huyện Vũng Liêm, HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt là một trong những HTX làm ăn có hiệu quả nhất tại huyện, đặc biệt là hầu hết người trồng lúa ở ấp Kinh đều liên kết, tham gia vào HTX; các xã lân cận cũng mong muốn tham gia.

Do đó, huyện chọn làm điểm để nhân rộng. “Dự kiến trong năm nay sẽ đưa vào hoạt động Liên hiệp HTX lúa gạo, mở rộng địa bàn hoạt động ở các huyện Vũng Liêm, Tam Bình, Trà Ôn, Long Hồ với diện tích khoảng 500ha”- anh Đoàn Văn Tài cho biết.

Thực tế cho thấy, ngày càng có nhiều nông dân đã nhận diện rõ nghề nông không chỉ cặm cụi, lặng lẽ trên đồng đất với đôi tay chai sạm, giọt mồ hôi nhiều vị mặn mà cần làm nông bài bản.

Ông Trần Văn Trạch- Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh- cho hay, thời gian qua nhiều cá nhân, đơn vị trong tỉnh đã ứng dụng khoa học- công nghệ, sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị với HTX và doanh nghiệp. Qua đó, đã mang lại hiệu quả giá trị gia tăng cho nông sản.

Theo GS. TS. Võ Tòng Xuân, người nông dân đổi mới mà đất nước ta cần trong thời đại này là những nông dân tuy diện tích đất manh mún, nhưng biết tự giác thỏa thuận đứng chung nhau trong những HTX nông nghiệp kiểu mới để tạo thành một cánh đồng lớn sẵn sàng liên kết với các nhà đầu tư lớn xây dựng vùng công nghiệp sản xuất rau quả chế biến, hoặc vùng công nghiệp thủy sản chế biến cung cấp cho thị trường trong nước và thị trường quốc tế.

“Người nông dân đổi mới sẽ thật sự đổi đời, lợi tức thu nhập ổn định cao hơn. Doanh nghiệp cũng có thu nhập ổn định cao hơn, nên sẽ làm nghĩa vụ đóng góp vào GDP của địa phương tốt hơn. Tiền đề của sự thành công này là phải có sự tự giác đổi mới của nông dân. Bây giờ đã đến lúc nông dân phải tự cứu mình trước khi đòi hỏi Nhà nước cứu mình”- GS. TS. Võ Tòng Xuân khẳng định.

Tạo thuận lợi cho nông dân sản xuất- kinh doanh hiệu quả hơn

Tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân lần 2 tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ thống nhất cao với GS.TS. Võ Tòng Xuân về đề nghị phải có tư duy đổi mới trong phát triển nông nghiệp nước ta. Thủ tướng khẳng định: Nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những thành công quan trọng để đưa đất nước từ thiếu ăn, phải nhập khẩu vươn lên xuất khẩu lương thực nhất, nhì thế giới… Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề bất cập, tồn tại trong sản xuất nông nghiệp. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải có những chuyển biến thực chất, tạo thuận lợi cho nông dân sản xuất- kinh doanh có hiệu quả hơn. Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương hướng dẫn nông dân, nhất là ngành nông nghiệp sản xuất theo chuỗi, ứng dụng công nghệ, phát triển mạnh mẽ nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- TUYẾT HIỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh