Khó khăn gấp đôi thì cố gắng gấp ba"

07:04, 15/04/2020

Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là hội nghị "4 trong 1" hay có thể gọi là "tất cả trong 1" để khơi dậy quyết tâm, ý chí mạnh mẽ hơn cho 4 mặt trận ứng phó toàn diện với các tác động từ dịch COVID-19: "Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội".

Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là hội nghị “4 trong 1” hay có thể gọi là “tất cả trong 1” để khơi dậy quyết tâm, ý chí mạnh mẽ hơn cho 4 mặt trận ứng phó toàn diện với các tác động từ dịch COVID-19: “Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội”.

Nhiều doanh nghiệp đang vượt qua khó khăn do dịch bệnh để duy trì ổn định sản xuất.
Nhiều doanh nghiệp đang vượt qua khó khăn do dịch bệnh để duy trì ổn định sản xuất.

Tinh thần “cố gắng gấp ba”

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đại dịch COVID-19 tác động nặng nề đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội nước ta. Mặc dù mức tăng trưởng kinh tế cao nhất khu vực trong quý I/2020 (3,82%) nhưng là mức thấp nhất trong 10 năm qua, chỉ bằng hơn nửa so với kế hoạch đề ra.

Chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại bị gián đoạn; đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế; nhiều doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh, hợp tác xã phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng; làm gia tăng thất nghiệp, gây mất việc làm trong ngắn hạn.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam- Lê Minh Hưng lo ngại nợ xấu sẽ tăng. Đánh giá sơ bộ, cho thấy khoảng 2 triệu tỷ đồng (23% dư nợ tín dụng) tiềm ẩn rủi ro. Trong đó, một số ngành chịu ảnh hưởng lớn như công nghiệp chế biến, chế tạo 520.000 tỷ đồng (6,3% dư nợ nền kinh tế); nông- lâm- thủy sản khoảng 157.000 tỷ đồng; khai khoáng 45.000 tỷ đồng…

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước- Lê Minh Hưng, nếu dịch được kiểm soát trong quý II thì tỷ lệ nợ xấu 4% vào cuối quý, và còn 3,7% vào cuối năm. Tuy nhiên, nợ xấu có thể cao hơn, ảnh hưởng đến tiến độ cơ cấu, xử lý của các ngân hàng và khả năng phục hồi các nhà băng yếu kém.

Bộ Kế hoạch- Đầu tư cũng đưa nhiều cảnh báo về dịch COVID-19 đã đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái. Trong khi với Việt Nam, các ngành như du lịch, vận tải, và các ngành dịch vụ, xuất nhập khẩu hàng hóa đều bị ảnh hưởng nặng, dẫn tới nhiều DN nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh cá thể bị tác động lớn, khi doanh thu giảm mạnh từ 40- 50% và chỉ có khả năng cầm cự trong ngắn hạn.

Dự báo trong tháng 4, tháng 5, dịch bệnh còn phức tạp, ước khoảng 2 triệu lao động ngừng, mất việc làm. Những tác động này sẽ tạo sức ép cho thị trường lao động, khiến tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm tăng cao, có thể dẫn tới các vấn đề xã hội khác. Từ những điều này, Bộ Kế hoạch- Đầu tư cho biết, các tổ chức quốc tế đánh giá, năm 2020 Việt Nam có thể không đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,8%.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: Với tinh thần “khó khăn gấp đôi thì cố gắng gấp ba”, cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN và nhân dân cả nước cùng đồng hành, chung sức, đồng lòng phối hợp chặt chẽ quyết liệt phòng chống dịch, đồng thời quyết tâm cao độ để vượt qua khó khăn trên các lĩnh vực do dịch bệnh gây ra.

Song song đó, duy trì, phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tập trung thực hiện ngay các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, khắc phục triệt để tình trạng trì trệ, thiếu trách nhiệm tại một số địa phương, một số ngành trong thời gian vừa qua.

Theo Bộ trưởng Kế hoạch- Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn, thiệt hại đối với các nền kinh tế trên thế giới, nhưng lại là cơ hội nếu biết tận dụng từ việc điều chỉnh, sắp xếp lại cục diện kinh tế, thương mại toàn cầu. Theo đó, cần kiểm soát dịch thành công, thực hiện quyết liệt, đầy đủ các giải pháp đã ban hành tại các nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị của Thủ tướng; hình thành sớm các kịch bản “vực dậy” nền kinh tế, cụ thể hóa đến từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng khu vực DN trước khi dịch kết thúc để nền kinh tế sẵn sàng chuyển sang trạng thái hoạt động mới.

Có kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội sau dịch

Trong bối cảnh suy thoái được nhìn nhận còn nặng nề hơn cả năm 2008, Chính phủ đã đưa nhiều giải pháp, gói tài chính hỗ trợ trên nhiều lĩnh vực.

Cụ thể, như gói hỗ trợ về tiền tệ (được nâng lên khoảng 300.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ về tài khóa (khoảng 180.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ an sinh xã hội (khoảng 62.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ giá điện (khoảng 12.000 tỷ), gói hỗ trợ giá viễn thông (khoảng 15.000 tỷ đồng). Và số vốn đầu tư công gần 700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD, cần giải ngân hết trong năm nay.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN, không để thiếu vốn tín dụng, tạo điều kiện để DN tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Ngành ngân hàng cũng phải đồng hành với DN.

Nhận định dịch bệnh sẽ còn diễn biến khó lường, sẽ ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, kết luận tại hội nghị, Thủ tướng yêu cầu không được chủ quan, phải có biện pháp mạnh mẽ để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

Trước nhất, các cấp, ngành thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng chống dịch bệnh, nhất là tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, giãn khoảng cách xã hội nhưng không ngăn sông, cấm chợ, không cấm đi lại.

Vĩnh Long đang đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công.
Vĩnh Long đang đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công.

Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch- Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng các kịch bản, phương án, kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội sau dịch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4/2020. Trong đó xem xét kỹ lưỡng, có phương án điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế- xã hội năm 2020 để báo cáo cấp có thẩm quyền.

Có kế hoạch tổ chức lại, kiểm tra, đôn đốc việc đẩy mạnh sản xuất, cơ cấu lại thị trường, đa dạng hóa, mở rộng thị trường quốc tế, tận dụng tốt cơ hội của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết; tìm biện pháp đón nhận các dòng đầu tư nước ngoài; đẩy mạnh đầu tư xã hội; khai thác và phát triển thị trường nội địa, nâng cao sức tiêu dùng trong nước.

Có phương án kịp thời nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất; thúc đẩy sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng; kiểm soát tốt thị trường, giá cả, nhất là mặt hàng thịt heo và các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá.

Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng nhấn mạnh phải có quy định cụ thể và chế tài đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương để xảy ra tình trạng chậm giải ngân các dự án đầu tư công ở đơn vị mình; xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm, làm chậm, nhũng nhiễu, gây khó khăn trong triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Đối với gói hỗ trợ trên 62.000 tỷ đồng cho an sinh xã hội, Thủ tướng cho biết Chính phủ đã có nghị quyết nên các địa phương cần thực hiện ngay để gói hỗ trợ đến tận người dân khó khăn một cách sớm nhất. “Tôi tin với một khí thế mới, quyết tâm mới, giai đoạn mới, chúng ta vượt khó đi lên, thực hiện mục tiêu kép, đẩy lùi dịch bệnh nhưng phát triển kinh tế- xã hội.”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng.

Theo Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 Chính phủ vừa ban hành, người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên do các DN gặp khó khăn bởi đại dịch COVID-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ với mức 1,8 triệu đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, theo hàng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 1/4 và không quá 3 tháng.

 

Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh