Doanh nghiệp nỗ lực vượt khó, duy trì sản xuất

07:04, 10/04/2020

Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN), nhất là nguyên phụ liệu cho sản xuất. Nhiều DN cho biết đã nỗ lực xoay xở để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, "vừa phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh".

 

 

Bảo vệ sức khỏe người lao động và ổn định sản xuất là vấn đề doanh nghiệp quan tâm. Trong ảnh: Khu Công nghiệp Hòa Phú. Ảnh: VINH HIỂN
Bảo vệ sức khỏe người lao động và ổn định sản xuất là vấn đề doanh nghiệp quan tâm. Trong ảnh: Khu Công nghiệp Hòa Phú. Ảnh: VINH HIỂN

Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN), nhất là nguyên phụ liệu cho sản xuất. Nhiều DN cho biết đã nỗ lực xoay xở để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, “vừa phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh”.

Lo gián đoạn sản xuất

Tuần qua, Ban Quản lý Các Khu công nghiệp cho biết, đã nhận được phản ánh của một số DN trên địa bàn về việc khan hiếm nguyên liệu, giảm đơn hàng cũng như doanh thu xuất khẩu trước ảnh hưởng của dịch COVID-19 bùng phát thời gian qua. Trong đó, ngành dệt may chịu ảnh hưởng lớn. Một số DN còn đang hoạt động do đã dự trữ nguồn hàng từ cuối năm ngoái, song nếu dịch bệnh kéo dài dự báo sẽ gặp khó khăn.

Bảo vệ sức khỏe người lao động, ổn định sản xuất là vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm.
Bảo vệ sức khỏe người lao động, ổn định sản xuất là vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm.

Ông Huỳnh Dân Tâm- Giám đốc Công ty TNHH MTV Cơ khí Tâm Hữu Tín (Phường 8- TP Vĩnh Long), cho biết công ty chuyên sản xuất gia công cơ khí chế tạo và cung cấp thiết bị phụ tùng động cơ máy. Hầu hết nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nhập khẩu từ Trung Quốc.

Dù từ trước tết đã nhập nguyên liệu dự trữ nhưng đến nay không đáp ứng nhu cầu, có thời điểm một số linh kiện hụt hàng. Công ty đã chủ động tìm nguyên liệu từ một số nước khác thay thế nhưng hiện phần lớn đều chịu ảnh hưởng dịch bệnh nên không mang lại kết quả. Bởi nguồn hàng từ các nước khác giá thành cao hơn sẽ biến động nhiều trong sản xuất, khách hàng khó chấp nhận.

Trong khi, qua ghi nhận tại một DN chuyên may mặc tại Khu công nghiệp Hòa Phú, hơn 2 tuần nay, một số thời điểm đã hụt nguyên liệu do thời gian vận chuyển từ nước ngoài vào kéo dài và khó khăn khi qua lại các cửa khẩu.

Hiện một số hợp đồng với các nước Châu Á còn duy trì nhưng thị trường Châu Âu và Mỹ đã bị hủy. DN này cho biết hạn chế việc tăng ca, đồng thời cho công nhân nghỉ làm cả ngày thứ bảy hàng tuần (trước đây làm bình thường) để giảm khó khăn.

Theo ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nguyên phụ liệu sẽ thiếu hụt mạnh vào cuối tháng 2 và sẽ kéo dài đến vài tháng tới. Hiện nhiều DN cũng bắt đầu tìm nguồn nguyên liệu thay thế nguyên liệu từ Trung Quốc.

Nhưng khó khăn nhất là những hợp đồng đã ký thì không dễ tìm nguồn nguyên liệu phù hợp đáp ứng nhu cầu. Một số DN đã đưa giải pháp sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước. Điều này buộc họ phải có bước đàm phán đối tác với nguyên liệu thay thế được dự báo khó khăn và cần có thời gian nhất định

Theo Sở Công thương tỉnh, tháng 3/2020 kim ngạch xuất khẩu ước đạt 41,23 triệu USD, giảm 2,58% so tháng trước. Ảnh hưởng của dịch COVID-19, một số mặt hàng xuất khẩu sang các nước: Trung Quốc, Anh, Ý, Nhật Bản... bị tạm ngưng. Dệt may giảm 2,58%; giày các loại giảm 1,65%; hàng thủ công mỹ nghệ giảm 0,61%. Nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào ước đạt 14,11 triệu USD, giảm 7,22% so tháng trước.

 

Chủ động hỗ trợ DN

Trong bối cảnh dịch bệnh cũng có những DN hạn chế khó khăn và có những cơ hội kinh doanh mới tăng trưởng. Như tại Công ty TNHH MTV Thành Công (Khu Công nghiệp Hòa Phú- Long Hồ), nhờ sở hữu được chuỗi sản xuất vải với nguồn nguyên liệu nhập từ Mỹ, chỉ một số nguyên phụ liệu nhập từ Trung Quốc theo yêu cầu vài đối tác nên công ty này ít chịu tác động nguyên phụ liệu như các công ty khác trong ngành. Và đến nay hoạt động sản xuất gần như ổn định.

Nhiều doanh nghiệp chờ đợi chính sách hỗ trợ.
Nhiều doanh nghiệp chờ đợi chính sách hỗ trợ.

Theo ông Trần Như Tùng- Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thành Công, hiện nay ngoài cung cấp nguyên liệu cho các xưởng sản xuất tại công ty, thì gần đây có nhiều DN trước đây mua nguyên liệu từ Trung Quốc đã tìm đến Thành Công.

Tuy nhiên, ông Trần Như Tùng cho biết, nếu lâu dài thì “sẽ gặp khó khăn” khi hiện có vài khách hàng thông báo khả năng giảm sản lượng trong năm 2020, bởi thị trường chính của ngành dệt may là Mỹ, Nhật, Châu Âu hiện cũng nằm trong tâm bão dịch bệnh.

Trong báo cáo đánh giá tác động của dịch COVID-19 mới đây của Bộ Công thương, cho thấy các ngành công nghiệp chủ lực như dệt may, da giày (chiếm hơn 23% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó 90% là xuất khẩu) dự kiến số lượng đơn hàng trong tháng 4, 5 của 2 ngành sẽ bị giảm khoảng 70%.

Các đơn hàng mới từ tháng 6 trở đi của 2 ngành này hiện chưa được đàm phán và khả năng phục hồi đơn hàng đến cuối năm 2020 sẽ rất chậm.

Việc chuyển hướng vào thị trường nội địa cũng gặp nhiều vướng mắc vì đa số DN Việt Nam gia công xuất khẩu cho các thương hiệu nước ngoài, các mẫu mã, nguyên liệu sử dụng chủ yếu để đáp ứng thị hiếu của nước ngoài, không phải cho thị trường trong nước.

Mặt khác, nhu cầu tiêu thụ trong nước cũng đang giảm sút do các biện pháp phòng dịch cũng như tâm lý giảm chi tiêu những mặt hàng không thiết yếu.

Để hỗ trợ khó khăn của DN, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ chính sách giãn, hoãn nộp thuế và tiền thuê đất nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Bộ Công thương cũng cho biết, tới đây sẽ tập trung thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Trong đó, tập trung tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp, phối hợp với các địa phương phát triển mạnh các vùng sản xuất để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu.

Đồng thời, đề xuất các chính sách ưu đãi phù hợp, trước hết là đối với các ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19; có cơ chế khuyến khích sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước thay thế hàng nhập khẩu.

Dự kiến ngày 10/4/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội; đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19.

Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh