Bộ Công Thương: Hiệp định EVFTA sẽ giúp đa dạng hóa thị trường

09:04, 17/04/2020

Với Hiệp định EVFTA, rất nhiều doanh nghiệp sẽ có lợi ích lớn, trong đó dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường EU sẽ tăng nhanh với mức khoảng 67% đến năm 2025.

Với Hiệp định EVFTA, rất nhiều doanh nghiệp sẽ có lợi ích lớn, trong đó dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường EU sẽ tăng nhanh với mức khoảng 67% đến năm 2025.

EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Liên minh châu Âu (EU) hiện là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Dự báo khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (gọi tắt là EVFTA) được đưa vào thực thi sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu

Ngày 30/3 vừa qua, Hội đồng châu Âu cũng đã phê duyệt Hiệp định EVFTA, hoàn tất thủ tục pháp lý cuối cùng theo quy trình phê chuẩn nội bộ của EU.

Hiện Hiệp định này chỉ cần được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn và hai bên hoàn tất thủ tục thông báo theo quy định là chính thức có hiệu lực đối với cả hai phía.

Nghiên cứu mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra nhiều dự báo khả quan về thương mại hai chiều và đầu tư từ EU vào Việt Nam sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Theo dự kiến, EVFTA sẽ góp phần làm GDP tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện, 4,57-5,30% cho giai đoạn 5 năm tiếp theo và 7,07-7,72% cho 5 năm sau đó.

Về xuất khẩu, Hiệp định EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.

Còn xét về tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới, dự kiến kim ngạch của Việt Nam sẽ tăng trung bình 5,21-8,17% cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện, 11,12-15,27% cho giai đoạn 5 năm tiếp theo và 17,98-21,95% cho giai đoạn 5 năm sau đó.

- Cán cân thương mại giữa Việt Nam và EU năm 2019:

Với Hiệp định EVFTA, rất nhiều doanh nghiệp sẽ có lợi ích lớn, trong đó dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường EU sẽ tăng nhanh với mức khoảng 67% đến năm 2025 so với kịch bản không có Hiệp định.

Còn đối với ngành da giày, Hiệp định khi có hiệu lực sẽ góp phần làm gia tăng đáng kể xuất khẩu giày da vào EU. Tốc độ tăng xuất khẩu vào EU dự báo sẽ gấp đôi vào 2025, và tổng xuất khẩu giày da cũng sẽ tăng khoảng 34%, sản lượng của toàn ngành tăng ở mức 31,8%.

Hiện Việt Nam là nước nhập khẩu lớn đối với mặt hàng máy móc thiết bị, trong khi đó EU là nước có thế mạnh về mặt hàng máy móc thiết bị và là thị trường nhập khẩu lớn thứ tư của Việt Nam đối với mặt hàng này.

Do vậy, việc Việt Nam dỡ bỏ thuế nhập khẩu đối với mặt hàng máy móc thiết bị từ EU sẽ thúc đẩy tăng nhập khẩu và có thể giảm ở các thị trường khác do tác động chuyển hướng thương mại.

“Do máy móc thiết bị của EU có công nghệ cao hơn một số thị trường truyền thống khác nên điều này có thể tạo cơ hội để Việt Nam cải thiện công nghệ sản xuất trong nước,” đại diện Bộ Công Thương cho hay.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam từ EU dự báo tăng khoảng 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.

Nhóm hàng được dự báo tăng nhập khẩu nhiều nhất từ EU là phương tiện và thiết bị vận tải, chiếm khoảng 12% tổng giá trị nhập khẩu tăng thêm, nhóm hàng máy móc thiết bị (10%), dệt may và điện thoại và linh kiện điện tử (6-7%), nông, lâm, thủy sản (5%).

“Xét về tổng thể, EVFTA sẽ góp phần giúp đa dạng hóa thị trường để không bị phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường nào, từ đó giúp bảo đảm an ninh kinh tế của Việt Nam,” đại diện Bộ Công Thương thông tin.

Tạo động lực thu hút FDI chất lượng cao

Theo đại diện Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), các cam kết rộng và sâu về đầu tư của Hiệp định EVFTA sẽ giúp Việt Nam tiếp tục đổi mới cơ cấu kinh tế, hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh ở Việt Nam, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư EU kinh doanh tại Việt Nam.

Đặc biệt, với Hiệp định EVFTA, đầu tư từ các đối tác có nguồn gốc từ các các nước phát triển sẽ tăng do Việt Nam tăng cường mở cửa thị trường hàng hóa cũng như dịch vụ cho các doanh nghiệp EU. Điều này sẽ tạo ra những động lực mới cho dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, với EVFTA, cơ cấu dòng vốn FDI vào những lĩnh vực đầu tư còn dư địa lớn tại Việt Nam và EU cũng có thể mạnh như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Tuy vậy, Hiệp định cũng sẽ tạo ra một số thách thức. Đơn cử là việc Việt Nam sẽ phải cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa, dịch vụ cho EU, tạo ra sức ép cạnh tranh cho nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ của ta.

Song theo đánh giá của Bộ Công Thương, đây là sức ép cạnh tranh lành mạnh, có chọn lọc và theo lộ trình phù hợp. Quan trọng hơn, do cơ cấu kinh tế của EU và Việt Nam mang tính bổ sung rất cao, không đối đầu trực tiếp nên dự kiến sức ép cạnh tranh sẽ không lớn.

Ngoài ra, cam kết mở cửa của Việt Nam là có lộ trình, đặc biệt đối với những nhóm sản phẩm nhạy cảm. Do đó EVFTA cũng là cơ hội, sức ép hợp lý để các doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh, thay đổi phương thức kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng, để được hưởng các ưu đãi như cam kết tại EVFTA các doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng được các tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật nghiêm ngặt do thị trường EU đưa ra.

Đó là những yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, minh bạch về nguồn gốc xuất xứ và hơn nữa là sản phẩm phải đảm bảo môi trường sống bền vững cho con người hay không...

Còn theo ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), định hướng lâu dài là khuyến khích các doanh nghiệp trong tập đoàn thành lập các chuỗi liên kết từ nguyên phụ liệu, sử dụng sản phẩm theo chuỗi hướng tới mục tiêu cùng nâng cao chất lượng cũng như giá thành sản phẩm bán ra, thỏa mãn các yêu cầu về xuất xứ đồng thời đẩy mạnh khâu thiết kế chứ không giới hạn ở gia công.

Trong khi đó, để hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, có thể tận dụng được tối đa những cơ hội cũng như giảm thiểu những thách thức gặp phải trong quá trình thực thi Hiệp định, Bộ Công Thương cho biết Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn nhằm nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của doanh nghiệp về các quy định, cam kết của Hiệp định.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ, ngành chủ động nghiên cứu, vận dụng các biện pháp được phép áp dụng theo các cam kết quốc tế của Việt Nam nói chung và Hiệp định EVFTA nói riêng để hỗ trợ cũng như bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành trong nước trước sự cạnh tranh của hàng nước ngoài.

Ngày 24/3/2020, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng dự thảo Tờ trình của Chính phủ gửi Chủ tịch nước về việc phê chuẩn EVFTA sau khi đã tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các Thành viên Chính phủ.

Ngày 6/4, Chính phủ đã trình hồ sơ này lên Chủ tịch nước để Chủ tịch nước xem xét, trình Quốc hội.

Ngày 8/4, Bộ Công Thương đã gửi Văn phòng Chủ tịch nước một số thông tin, tài liệu bổ sung cho bộ hồ sơ trình phê chuẩn.

Để phục vụ cho việc Ủy ban Đối ngoại Quốc hội thẩm tra phê chuẩn Hiệp định EVFTA, ngày 9/4, Bộ Công Thương đã gửi Ủy ban Đối ngoại Quốc hội bộ hồ sơ trình phê chuẩn với đầy đủ các nội dung theo yêu cầu của Luật Điều ước quốc tế 2016, cũng như cung cấp các thông tin giới thiệu, giải thích về Hiệp định EVFTA

Theo Đức Duy (Vietnam+)

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh