Với tổng mức đầu tư 5.003 tỷ đồng từ vốn ngân sách nhà nước, dự án cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn 2 đầu cầu dự kiến sẽ đưa vào khai thác từ năm 2023. Một dự án hướng đến nhiều mục tiêu- không chỉ giảm áp lực cho cầu Mỹ Thuận hiện hữu, mà tương lai còn kết nối giao thương giữa nhiều tỉnh- thành vùng ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh trong phát triển kinh tế- xã hội.
Với tổng mức đầu tư 5.003 tỷ đồng từ vốn ngân sách nhà nước, dự án cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn 2 đầu cầu dự kiến sẽ đưa vào khai thác từ năm 2023.
Một dự án hướng đến nhiều mục tiêu- không chỉ giảm áp lực cho cầu Mỹ Thuận hiện hữu, mà tương lai còn kết nối giao thương giữa nhiều tỉnh- thành vùng ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh trong phát triển kinh tế- xã hội.
Phối cảnh cầu Mỹ Thuận 2. Ảnh do Ban Quản lý Dự án 7 cung cấp |
Mới đây, tại huyện Cái Bè (Tiền Giang), Ban Quản lý Dự án 7 thuộc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp cùng UBND tỉnh Tiền Giang và các đơn vị thi công tổ chức triển khai thi công gói thầu xây lắp 01 (XL.01)- thi công đường dẫn phía Tiền Giang từ Km101+126 (điểm đầu dự án) đến Km104+190 thuộc Dự án đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn 2 đầu cầu.
Dự án làm thỏa ước mơ của hơn 20 triệu dân ĐBSCL, bởi đây sẽ là điểm gỡ nút thắt đưa vùng đất Chín rồng cất cánh.
Theo ông Nguyễn Chung Khánh- Giám đốc Ban Quản lý Dự án 7, đây là một dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc- Nam phía Đông giai đoạn 2017- 2020, được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 2199/QĐ-BGTVT ngày 10/10/2018.
Gói thầu xây lắp số 01 có chức năng nối đường cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận với cầu Mỹ Thuận 2.
Theo đó, đường dẫn phía Tiền Giang dài 4,33km, có 4 làn xe trong giai đoạn đầu (giai đoạn 2 mở rộng 6 làn xe), vận tốc thiết kế 100 km/giờ. Tổng mức đầu tư của dự án cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn 2 đầu cầu là 5.003 tỷ đồng từ vốn ngân sách nhà nước.
Cầu Mỹ Thuận 2 được thiết kế là cầu dây văng, nằm cách cầu Mỹ Thuận hiện hữu 350m về phía thượng lưu sông Tiền. Dự án cầu Mỹ Thuận 2 và đường 2 đầu cầu có điểm đầu nối với đường cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận tại nút giao An Thái Trung thuộc địa phận huyện Cái Bè (Tiền Giang).
Điểm cuối nối với đường cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ tại nút giao QL80 thuộc địa phận TP Vĩnh Long. Tổng chiều dài dự án là 6,61km. Trong đó, phần cầu chính dài 1.906m, rộng 25m với 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/giờ.
Cầu Mỹ Thuận 2 kỳ vọng sẽ giảm áp lực lưu thông cho cầu Mỹ Thuận hiện hữu. |
Nhịp chính của cầu có kết cấu dây văng dài 650m; nhịp dẫn kết cấu dầm Super T và dầm hộp đúc hẫng cân bằng dài 1.276m. Phần đường dẫn phía Tiền Giang dài 4,33km, phía Vĩnh Long 400m, thiết kế theo cấp đường cao tốc vận tốc thiết kế 100 km/giờ.
Trước mắt sẽ đầu tư đường dẫn quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường phía Tiền Giang 17m, lệch phía phải tuyến tương tự như dự án đường cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận.
Còn phía Vĩnh Long, bề rộng nền đường dẫn là 25m, đồng bộ với bề rộng mặt cầu. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ đầu tư xây dựng đường dẫn 6 làn xe rộng 32,25m.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật: “Đây là cây cầu do Việt Nam tự thiết kế, tự thi công cho nên Ban quản lý Dự án 7- chủ đầu tư có trách nhiệm giám sát, đôn đốc thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng cầu Mỹ Thuận 2”. |
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đánh giá cao tinh thần của người dân và UBND tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long đã tích cực triển khai các công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ nhiều công tác để nhà thầu tiến hành thi công.
Ông khẳng định việc khởi công dự án cầu Mỹ Thuận 2 thời điểm này là vô cùng cấp bách để phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân.
Công trình này còn đóng vai trò quan trọng trong giải tỏa áp lực giao thông cho cầu Mỹ Thuận, kết nối với cao tốc TP Hồ Chí Minh- Trung Lương, Trung Lương- Mỹ Thuận, Mỹ Thuận- Cần Thơ đang triển khai.
Trong đó tuyến cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận dự kiến năm 2021 thông tuyến, còn tuyến cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ thì Chính phủ sẽ hỗ trợ 932 tỷ đồng, đang chuẩn bị quy trình triển khai.
Khi cầu Mỹ Thuận 2, các tuyến cao tốc hoàn thành thì đường đi từ TP Hồ Chí Minh về các tỉnh miền Tây (và ngược lại) trở nên dễ dàng hơn, quá trình thông thương, kết nối vùng, phát triển kinh tế- chính trị- xã hội ở các tỉnh- thành nhanh chóng hơn.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cũng cam kết tạo mọi điều kiện về vốn, chính sách... để công trình hoàn thành đúng tiến độ.
Cách đây 20 năm (21/5/2000), cầu Mỹ Thuận nối tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long chính thức được thông xe và trở thành sự kiện lớn nhất ở ĐBSCL lúc bấy giờ. Và cũng ngần ấy thời gian ĐBSCL cũng đã có những bước chuyển mình nhờ những dự án giao thông trọng điểm, khi các cây cầu lớn lần lượt vượt sông như: cầu Cần Thơ, Rạch Miễu, Cổ Chiên, Cao Lãnh và gần đây là cầu Vàm Cống đang mở ra kỳ vọng mới với vai trò kết nối phát triển. Nhưng phải thừa nhận hạ tầng giao thông vùng này vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức; còn đó những điểm nghẽn cần được khơi thông để đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội. |
Bài, ảnh: HOÀNG MINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin