Mặn đã tới chân: thuận thiên hay chống mặn?

06:03, 03/03/2020

Đến bao giờ người dân đồng bằng đợi mặn như đã từng đợi lũ và liệu sống chung với mặn có giống như sống chung với lũ theo lẽ thuận thiên? Chuyển đổi sản xuất để thuận, xây dựng công trình ngăn mặn để chống là các giải pháp ứng phó với xâm nhập thời gian qua đã phát huy hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, "thuận thiên" và "nghịch thiên" ở mức độ nào cho phù hợp?

Đến bao giờ người dân đồng bằng đợi mặn như đã từng đợi lũ và liệu sống chung với mặn có giống như sống chung với lũ theo lẽ thuận thiên? Chuyển đổi sản xuất để thuận, xây dựng công trình ngăn mặn để chống là các giải pháp ứng phó với xâm nhập thời gian qua đã phát huy hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, “thuận thiên” và “nghịch thiên” ở mức độ nào cho phù hợp?

Kỳ 1: Sầu riêng thành... sầu chung

Một số cây sầu riêng không thể cứu vãn nỗi nhà vườn đành phải đốn bỏ.
Một số cây sầu riêng không thể cứu vãn nỗi nhà vườn đành phải đốn bỏ.

Những ngày qua, nhiều nhà vườn ở xã Thanh Bình (Vũng Liêm) mang nỗi sầu chung khi sầu riêng héo lá, chết cây. Đánh giá bước đầu của các chuyên gia Khoa Nông nghiệp và Sinh học
ứng dụng (Trường ĐH Cần Thơ) thì nhiều khả năng sầu riêng đã bị nhiễm mặn!

Sầu riêng héo lá, chết cây: nghi nhiễm mặn

Nhà vườn Nguyễn Văn Chung (ấp Lăng, xã Thanh Bình- Vũng Liêm) có 10 công sầu riêng. Ngày 18/2/2020 (nhằm 25 tháng Giêng), do sự cố tràn bờ bao nên vườn sầu riêng của ông Chung bị nước mặn tấn công.

Tuy thời điểm này độ mặn tại Vũng Liêm đang có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức trên 1‰. Sau sự cố này, vườn sầu riêng của ông Chung có dấu hiệu héo lá và chết cây. Để cứu vườn sầu riêng, ông Chung đã tỉa những nhánh sầu riêng bị héo lá để giảm việc bốc thoát hơi nước, giúp cây chống chọi qua giai đoạn hạn, mặn.

Ghi nhận tại vườn sầu riêng của ông Chung, nhiều cây đã bị héo lá, chết đọt. Tùy vào mức độ, có cây ông tỉa bớt nhánh đã chết, có cây ông phải đốn bỏ vì khó có khả năng phục hồi.

Gần đó, ông Huỳnh Văn Dứt cũng đang trong hoàn cảnh tương tự khi 10 công sầu riêng đang độ cho trái xuất hiện lá héo khô trên cành.

Để tránh tổn thương, mất sức, ông Dứt bấm bụng tỉa hết bông, trái để cây đỡ mất sức khi chóng chọi với tình trạng khan nước ngọt, cũng như đề phòng tình huống cây bị nhiễm mặn thì tránh tổn thương bộ rễ.

Ông Nguyễn Hoàng Đệ- công chức nông nghiệp xã Thanh Bình- cho biết, qua thống kê, tình trạng sầu riêng bị héo lá, chết cây xảy ra tại khoảng 25 nhà vườn ở 2 ấp Thanh Khê và ấp Lăng, với mức độ ảnh hưởng từ 15- 20% diện tích. Hiện xã vẫn đang tiếp tục thống kê đánh giá thiệt hại và kiến nghị hỗ trợ nhà vườn chăm sóc lại vườn sầu riêng.

Theo ông Hồ Văn Trọn- Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Bình, toàn xã hiện có trên 1.187ha cây ăn trái, trong đó có trên 400ha sầu riêng và hầu hết đang cho trái.

Do tình hình xâm nhập mặn kéo dài, nguồn nước ngọt trữ trong mương vườn cũng bị nhiễm mặn dẫn đến thiếu nước cho cây trồng. Hiện sầu riêng trên địa bàn xã bị cháy lá hàng loạt với tổng diện tích bị cháy lá 300ha, ước giảm năng suất từ 25- 30%.

Giải độc mặn cho sầu riêng

Kiểm tra độ mặn tại vườn sầu riêng héo lá, chết cây của nhà vườn Nguyễn Văn Chung.
Kiểm tra độ mặn tại vườn sầu riêng héo lá, chết cây của nhà vườn Nguyễn Văn Chung.

Mới đây, các chuyên gia thuộc Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng (Trường ĐH Cần Thơ) đã đến khảo sát, tìm nguyên nhân cũng như hỗ trợ nhà vườn ở xã Thanh Bình khôi phục vườn sầu riêng bị héo lá, chết cây.

Qua khảo sát thực tế, PGS. TS. Trần Văn Hai cho rằng, nhiều khả năng sầu riêng đã bị nhiễm mặn, với những biểu hiện là cây chết khát, chết đói và ngộ độc.

Đất bị nhiễm mặn sẽ làm cây bị héo do không lấy được nước, trái non, lá bị rụng do thiếu dinh dưỡng. Cây bị ngộ độc Na+ (ion Natri) và Cl- (ion Clorua), mất cân bằng vi sinh vật và dinh dưỡng trong đất, gây ức chế rễ cây hút khoáng, dinh dưỡng.

Kết quả đo mẫu nước của nhiều nhà vườn nơi đây cho thấy độ mặn đang ở mức 0,5- 0,6‰. Theo PGS. TS. Trần Văn Hai, với độ mặn chưa gây ảnh hưởng đến sầu riêng, tuy nhiên trong điều kiện khô hạn, thiếu nước ngọt, nước bốc thoát nhanh, nếu tình trạng này kéo dài thì vườn sầu riêng sẽ bị ảnh hưởng mặn đáng kể.

Thạc sĩ Phạm Thành Chơn- Giám đốc kinh doanh Công ty CP Sinh học nông nghiệp Hai Lúa Vàng (TP Cần Thơ) cho biết, khi sầu riêng bị nhiễm mặn, cây nào còn có khả năng phục hồi thì tự điều tiết rụng lá, để giảm bốc thoát hơi nước.

Đối với những cây có lá héo khô dính luôn trên cây thì khả năng chết là rất cao. Thạc sĩ Phạm Thành Chơn cũng cho rằng ông Huỳnh Văn Dứt đã quyết đoán cắt hết trái để cây chỉ nuôi thân, cành, lá chứ không phải nuôi trái, giảm thiệt hại để cứu cây là rất kịp thời và cần thiết.

Việc tiếp theo là cần xử lý giải độc mặn để sầu riêng phục hồi lại bộ rễ và cần cung cấp dinh dưỡng thích hợp để kích thích cây sớm phục hồi.

Vườn sầu riêng ở xã cù lao Thanh Bình héo lá, chết cây cần giải độc mặn đang cho thấy một mối lo ngại cho việc sản xuất cây ăn trái của nhiều nhà vườn nơi đây.

Thời gian qua, mặc dù người dân và ngành chuyên môn đã chủ động theo dõi, cảnh báo sớm khi độ mặn tăng cao nhưng khi mặn và hạn kéo dài thì việc đảm bảo trữ đủ nước tưới mới giúp loại cây khá mẫn cảm với mặn này đủ sức chống chịu qua mùa hạn, mặn.

Kỳ tới: Trữ ngọt cho sản xuất, dân sinh

Báo cáo của UBND xã Thanh Bình cho thấy, địa phương đã hợp đồng phương tiện xe cuốc và huy động sức dân thực hiện gia cố 4 đập bị sạt lở. Vận động nhân dân đóng mới, tu sửa 60 mặt cống, bộng để chủ động ngăn mặn và trữ ngọt phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt. Hướng tới, sẽ tiếp tục vận động nhân dân gia cố 30 đập và 6 đoạn đê bao bị sạt lở, sửa chữa, đóng mới 65 nắp cống, nạo vét mương vườn. UBND xã cũng kiến nghị cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng 3 cống hở tại các cửa vàm Thái Bình, Thanh Lương và Bình Thủy.

Bài, ảnh: TẤN THÀNH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh