Dịch COVID-19: Năng lực sản xuất đáp ứng tốt nhu cầu của người dân

11:03, 13/03/2020

Đại diện Vụ Thị trường trong nước cho biết, các Sở Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối đảm bảo hàng hóa đầy đủ để cung ứng cho thị trường các tỉnh cũng như hỗ trợ một số tỉnh xung quanh.

Đại diện Vụ Thị trường trong nước cho biết, các Sở Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối đảm bảo hàng hóa đầy đủ để cung ứng cho thị trường các tỉnh cũng như hỗ trợ một số tỉnh xung quanh.

 

Lượng hàng hóa tại nhiều doanh nghiệp bán lẻ lớn tăng mạnh sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Lượng hàng hóa tại nhiều doanh nghiệp bán lẻ lớn tăng mạnh sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Theo đại diện Bộ Công Thương, là nước có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, với nhiều mặt hàng xuất khẩu đứng tốp đầu thế giới và đang phát triển khá tốt các ngành công nghiệp nhẹ (đường, sữa, dầu ăn...) nên nguồn cung các hàng hóa thực phẩm thiết yếu và hàng tiêu dùng của Việt Nam về cơ bản tự đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân.

“Chỉ cần tâm lý người dân không hoang mang, không có hiện tượng đổ xô đi mua tích trữ, hàng hóa sẽ luôn được cung ứng đấy đủ, kể cả trong bối cảnh dịch bệnh,” đại diện Bộ Công Thương cho hay.

Lượng hàng dự trữ tại doanh nghiệp tăng mạnh

Đánh giá của Bộ Công Thương cho thấy, hiện các doanh nghiệp phân phối đã dự báo được nhu cầu của người dân sẽ tăng trong giai đoạn dịch bệnh nên các siêu thị đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn cung để đáp ứng.

Cụ thể, ngay từ giai đoạn đầu của dịch, hệ thống siêu thị BigC đã tăng gấp 3 lượng hàng dự trữ tại các kho để cung ứng cho thị trường. Ngoài ra, hệ thống siêu thị Sai gon Coop đã tăng 50-100% lượng hàng cung ứng cho hệ thống trong khi hệ thống siêu thị Vinmart cũng tăng 50-200% lượng hàng cung ứng cho thị trường.

Còn tại các doanh nghiệp phân phối khác như Hệ thống siêu thị Lotte mart, MM Megamarket…, nguồn cung hàng hóa thực phẩm thiết yếu vẫn được bảo đảm giá ổn định do chủ động hợp tác với nông dân và có các nguồn hàng từ các tỉnh thành khác.

Bên cạnh đó, nguồn cung các mặt hàng rau, củ, quả, gạo, mỳ, thịt, gia vị… đang được cung cấp, bày bán trong hệ thống các siêu thị với số lượng khá nhiều, giá được niêm yết rõ ràng, đầy đủ và ổn định so với tháng trước, không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá.

Bà Dương Thanh Tâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp Vincommerce, cho biết với 132 siêu thị và 2.900 cửa hàng tại hơn 50 tỉnh, thành phố nên doanh nghiệp rất chú trọng tới việc bình ổn giá cả hàng hoá, đồng thời có kế hoạch sản xuất dài hạn và tập trung kế hoạch cho 6 tháng.

Ngoài ra, với 18 nông trại giúp Vincommerce đảm bảo rau củ quả, thịt heo cho khoảng 200.000-400.000 hộ gia đình mỗi ngày.

Còn theo ông Diêu Quốc Hùng, Giám đốc hệ thống sêu thị DABACO - một doanh nghiệp lớn tại Bắc Ninh, trước tác động của dịch bệnh COVID-19, doanh nghiệp đã dự trữ tồn kho tăng so với ngày thường từ 2,5 - 3 lần so với ngày bình thương nhằm đáp ứng về nhu cầu hàng hóa cho người dân trên địa bàn.

“Chúng tôi có thể đảm bảo cung cấp cho thị trường hàng triệu quả trứng trong vòng một tuần, về gạo trong 1 tuần có thể đến 10-15 tấn…,” ông Hùng cho hay.

Không chỉ siêu thị, tại các chợ truyền thống, hàng hóa được đưa về tương đối dồi dào. Tuy nhiên theo đại diện Bộ Công Thương, do lo ngại về dịch bệnh nên người tiêu dùng tại các thành phố có xu hướng ưu tiên mua hàng tại các siêu thị hơn.

- Năng lực sản xuất trong nước đối với một số mặt hàng thiết yếu:

Sẵn sàng các kịch bản

Hiện nay nguồn cung một số mặt hàng thiết yếu trên cả nước năm 2020 khá dồi dào, nhiều mặt hàng có thể dư thừa đề xuất khẩu.

Theo ước tính của Bộ Công Thương, sản lượng thóc năm 2020 đạt 43,3 triệu tấn (tương đương 26 triệu tấn gạo), trong khi nhu cầu khoảng 19-20 triệu tấn, do vậy có thể dư thừa cho xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn.

Thống kê cũng cho thấy, tổng sản lượng thịt hơi các loại dự kiến thực hiện năm 2020 ước đạt 5,5-5,8 triệu tấn, tăng khoảng 10% so với năm 2019. Trong đó, thịt lợn hơi ước đạt 3,5 triệu tấn; thịt gia cầm 1,36 triệu tấn, thịt trâu, bò khoảng 0,48 triệu tấn.

“Với lượng tổng cung các loại thịt như trên đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của 100 triệu dân, chưa kể đến nguồn cung các mặt hàng thủy hải sản đạt khoảng 8,2 triệu tấn mỗi năm,” đại diện Bộ Công Thương thông tin.

Trong khi đó, diện tích rau sản xuất là 960.000 hécta, dù tương đương năm 2019 nhưng sản lượng dự kiến đạt 17,18 triệu tấn, tăng hơn 100.000 tấn so với năm 2019. Còn tổng sản xuất các loại rau củ quả đạt khoảng 40-50 triệu tấn, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Đối với mặt hàng đường, theo báo cáo, sản xuất trong nước năm 2020 đạt khoảng 1 triệu tấn đường cùng với lượng tồn kho năm trước chuyển sang khoảng 300.000 tấn, chưa kể lượng đường nhập khẩu tăng khi chính sách thuế nhập khẩu giảm mạnh được áp dụng từ năm 2020, chắc chắn nguồn cung đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Đáng chú ý, mặt hàng Giấy, dự kiến năm 2020 đạt khoảng 5,093 triệu tấn và số lượng nhập khẩu khoảng 3,613 triệu tấn… thì nguồn cung đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.

Ngoài ra, kế hoạch nguồn cung sản xuất và nhập khẩu thuốc đáp ứng đủ nhu cầu thuốc năm 2020 ước khoảng 6,235 tỷ USD.

“Như vậy có thể khẳng định, nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu có thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân,” đại diện Bộ Công Thương cho hay.

Cùng với Hà Nội, các tỉnh thành phố lân cận cũng lên kế hoạch dữ trữ hàng hóa thiết yếu, đáp ứng nhu cầu của người dân đồng thời có thể hỗ trợ những địa phương khác.

Ông Phạm Khắc Nam, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Ninh, cho biết trước tình hình dịch bệnh COVID-19 xảy ra, Sở đã mời các nhà sản xuất, phân phối thực phẩm lớn trên địa bàn tỉnh cùng họp bàn để đưa ra phương án cung ứng từ sản xuất, giá xuất xưởng cho đến phân phối, đảm giá hợp lý nhất cho người dân sử dụng, tiêu dùng. Các đơn vị cũng xây dựng phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa ứng phó với dịch bệnh trên địa bàn tỉnh với từng cấp độ.

Còn theo ông Nguyễn Văn Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, Sở đã xây dựng kế hoạch cũng như có văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, chủ động theo dõi nắm bắt tình hình thị trường, chủ động nguồn hàng hóa để tiêu thụ trên địa bàn tỉnh, phục vụ nhu cầu sản xuất cũng như nhu cầu tiêu dùng của người dân.

“Sở Công Thương khẳng định sẽ không để xảy ra tình trạng thiếu các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân ở trong bất kỳ một điều kiện hoàn cảnh nào,” ông Nguyễn Văn Phương nói.

Với sự vào cuộc đồng bộ trên, theo ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), các Sở Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối đảm bảo hàng hóa đầy đủ để cung ứng cho thị trường các tỉnh cũng như là một số địa phương xung quanh.

“Người dân có thể yên tâm, Sở Công Thương các tỉnh dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương khẳng định xây dựng phương án đủ hàng hóa thiết yếu để phục vụ trên địa bàn,” ông Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh./.

Theo Đức Duy (Vietnam+)

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh