Chỉ thị 11- "cứu cánh" cho doanh nghiệp

09:03, 12/03/2020

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg (Chỉ thị 11) về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg (Chỉ thị 11) về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19. Chỉ thị được coi là cứu cánh cho doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh khó khăn hiện nay.

Tại Vĩnh Long, nhiều DN nhận định “chỉ thị rất đáng quý” và các sở ngành, nhất là ngân hàng đã tích cực vào cuộc hỗ trợ để DN sớm vượt qua khó khăn.

Thủ tướng yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Thủ tướng yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp, cơ sở ảnh hưởng dịch bệnh

Dù Vĩnh Long có ít DN xuất khẩu hàng hóa trực tiếp sang Trung Quốc nhưng một số đơn vị lại nhập phần lớn nguyên vật liệu đầu vào từ nước này nên khi dịch bệnh kéo dài ít nhiều gây khó khăn. Ngoài các ngành da giày, may mặc thì du lịch được xem là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng rõ nét nhất từ dịch COVID-19.

Bà Dương Diệu Hiền- Chủ cơ sở Du lịch CocoHome (xã Hòa Ninh- Long Hồ) cho biết nếu trước đây mỗi ngày cơ sở tiếp 300- 400 khách du lịch từ Châu Âu thì hơn tuần nay giảm đến hơn 50%. Điều này kéo theo khó khăn trong việc chi trả lương cho nhân viên, hoàn thành nghĩa vụ thuế. “Cho nhân viên nghỉ lúc này họ sẽ gặp khó khăn thu nhập; mà tới đây khi cơ sở cần tuyển lại cũng không dễ dàng.” - bà Dương Diệu Hiền chia sẻ.

Trong khi đó, báo cáo của UBND tỉnh cũng cho thấy, trong tháng 2, khách lưu trú trên địa bàn là 108.900 lượt, giảm 8,78% so với tháng trước.

Bên cạnh, do khó khăn về nguồn nguyên liệu hoặc yếu thế cạnh tranh trên thị trường nên một số ngành có mức sản xuất giảm mạnh như: sản xuất sản phẩm thuốc lá giảm 51,64%; sản xuất đồ uống giảm 42,87%; sản xuất trang phục giảm 23,5%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 20,01%…

Nhiều doanh nghiệp chủ động sắp xếp, ổn định sản xuất trước dịch bệnh.
Nhiều doanh nghiệp chủ động sắp xếp, ổn định sản xuất trước dịch bệnh.

Ông Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh- nhận định, khi xuất hay nhập khẩu hàng hóa bị “nghẽn” sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. Ở Vĩnh Long, hàng hóa chủ yếu là nông sản nên khi xuất bán không được sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân, tiêu dùng xã hội.

Nhiều DN thuộc hiệp hội qua khảo sát cho thấy cũng đã chịu ảnh hưởng đáng kể từ dịch bệnh, nhất là những DN làm hàng gia công. Để giảm bớt khó khăn, nhiều DN cho công nhân về sớm, đồng thời sắp xếp lại ca làm việc cho phù hợp tình hình.

“Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ hỗ trợ bất kể điều gì cho DN cũng đều đáng quý, nhất là các DN chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh”- ông Nguyễn Tường Nam nhận định.

“Giải cứu” doanh nghiệp

Chỉ thị số 11 vừa ban hành đã đưa ra rất nhiều nhiệm vụ và giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất- nhập khẩu; phục hồi và phát triển ngành du lịch, hàng không…

Theo đó, có 2 gói hỗ trợ về tín dụng và giảm thuế trị giá khoảng 280.000 tỷ đồng. Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung thực hiện tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử.

Theo đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3; khẩn trương trình Chính phủ về việc miễn, giảm thuế, phí và lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các Bộ Nông nghiệp- PTNT, Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan rà soát, báo cáo về thực trạng, nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào, đề xuất các giải pháp để đa dạng hóa, bảo đảm đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất trong nước.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng…

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng nhà nước chi nhánh các tỉnh- thành tăng cường triển khai các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Khẩn trương ban hành quy định nội bộ tạm thời về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hành chịu ảnh hưởng. Các ngân hàng nhà nước chi nhánh thông tin đến các tổ chức cá nhân các giải pháp của ngân hàng, chủ động tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai…

Mở rộng, đa dạng thị trường là điều các doanh nghiệp đang thực hiện.
Mở rộng, đa dạng thị trường là điều các doanh nghiệp đang thực hiện.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Vĩnh Long cũng cho biết, đã có văn bản yêu cầu các chi nhánh tổ chức tín dụng và các đơn vị thuộc ngân hàng nhà nước khẩn trương triển khai đến các chi nhánh, phòng giao dịch trực thuộc thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng; xem xét cho vay mới theo quy định; tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, các chương trình miễn giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử; rà soát, đánh giá các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID- 19 để triển khai cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định.

Nhằm giúp các DN trên địa bàn nắm bắt được chính sách hỗ trợ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Vĩnh Long vừa có văn bản gửi đến Hiệp hội DN, Hội Doanh nhân trẻ thông tin đến các DN bị ảnh hưởng dịch COVID- 19 chủ động làm việc các ngân hàng thương mại trong việc tiếp cận các giải pháp hỗ trợ liên quan như: miễn giảm lãi vay, cho vay mới…

Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh