Không chỉ rớt giá mà hiện người nuôi cá tra ĐBSCL còn đối mặt tình trạng mặn xâm nhập, thị trường xuất khẩu bị giảm sút do ảnh hưởng dịch COVID-19.
Không chỉ rớt giá mà hiện người nuôi cá tra ĐBSCL còn đối mặt tình trạng mặn xâm nhập, thị trường xuất khẩu bị giảm sút do ảnh hưởng dịch COVID-19.
Cả tháng nay, nhiều hộ nuôi cá tra ở ĐBSCL chạy đôn chạy đáo tìm nơi bán cá bởi giá càng lúc càng sụt nhưng tiêu thụ rất khó khăn.
Nếu thông thường cá tra khoảng 0,8- 1kg/con là thu hoạch bán cho các nhà máy chế biến xuất khẩu, thế nhưng hiện có ao nuôi kéo dài 9- 10 tháng, cá quá lứa vượt tới 1,8kg/con mà vẫn chưa tiêu thụ được. Có nhiều ao nuôi thương lái đồng ý mua với giá thấp nhưng với điều kiện trả chậm đến vài tháng mới thanh toán tiền.
Chưa hết, hiện xâm nhập mặn bủa vây ĐBSCL khiến cá bị tuột nhớt, bỏ ăn và chết khá nhiều. Người nuôi dù biết nhưng rất khó phòng tránh, do các ao nuôi cá tra cần phải thay nước ngọt mỗi ngày để tránh ô nhiễm. Vì thế, mỗi khi bơm vào là ít nhiều cá bị ảnh hưởng. Nuôi không được bán không xong, người nuôi đang trong cảnh thua lỗ nặng.
Trong khi, dịch COVID-19 khiến việc xuất khẩu mặt hàng cũng gặp nhiều khó khăn- nhất là sang thị trường Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cho biết đang bị giảm sản lượng, từ đó khiến việc tồn kho rất nhiều, tốn kém thêm chi phí bảo quản.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu cá tra của cả nước đạt hơn 2 tỷ USD, giảm 11,4% so cùng kỳ. Nguyên nhân là diện tích nuôi ở ĐBSCL tăng, nhưng thị trường xuất khẩu khó khăn dẫn đến giá trị giảm. Từ đầu năm 2020 đến nay, xuất khẩu cá tra tiếp tục đối mặt với thách thức mới là dịch COVID- 19 bùng phát ở nhiều nước trên thế giới.
Dịch diễn biến phức tạp ở nhiều nước Châu Âu, Châu Á… đã làm tăng thêm cái khó cho đầu ra cá tra. Và nếu tới đây không nhanh chóng có giải pháp hợp lý, hiệu quả thì mục tiêu xuất khẩu mặt hàng này đạt khoảng 2,2 tỷ USD trong năm 2020 sẽ khó đạt.
NGUYỄN HOÀNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin