Trong ngày 12/2, lực lượng quản lý thị trường trên cả nước đã tổng kiểm tra 171 cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế, cở sở sản xuất, tập kết mặt hàng khẩu trang và nước sát khuẩn.
Trong ngày 12/2, lực lượng quản lý thị trường trên cả nước đã tổng kiểm tra 171 cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế, cở sở sản xuất, tập kết mặt hàng khẩu trang và nước sát khuẩn.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra việc kinh doanh khẩu trang và các sản phẩm sử dụng phòng, chống dịch bệnh. (Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN) |
Trong ngày 12/2, lực lượng quản lý thị trường trên cả nước đã tổng kiểm tra 171 cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế, cở sở sản xuất, tập kết mặt hàng khẩu trang và nước sát khuẩn. 36 cửa hàng vi phạm đã bị lực lượng chức năng xử phạt hơn 77 triệu đồng.
Từ ngày 31/1 đến ngày 12/2, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 3.999 vụ.
Hiện nay, nhu cầu về trang thiết bị phòng dịch, đặc biệt là khẩu trang y tế, nước sát khuẩn tăng cao. Báo cáo của lực lượng quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành nghiêm việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.
Tuy nhiên, do nguồn hàng cung cấp còn hạn chế dẫn đến tình trạng khan hiếm các loại hàng hóa phục vụ phòng, chống dịch bệnh, nhất là mặt hàng khẩu trang y tế. Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố đang khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật để sớm đưa số khẩu trang tịch thu ra thị trường phục vụ nhu cầu của người dân.
Cụ thể, ngày 11/2, Đội Quản lý thị trường số 4, Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội phối hợp với cơ quan Công an tiến hành khám địa điểm tập kết hàng hoá trước cửa nhà số 90 ngõ 167 Tây Sơn, Đống Đa.
Do có dấu hiệu lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hoá do dịch bệnh để găm hàng, mua gom hàng hoá để bán thu lợi bất chính, Đoàn kiểm tra tạm giữ 71.300 chiếc khẩu trang y tế các loại để tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định.
Ngày 11/2, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội phối hợp với Đội 4 - PA05 Công an thành phố Hà Nội, khám xe ôtô mang biển kiểm soát 29C-939.89 do lái xe Tạ Văn Triệu điều khiển.
Tại thời điểm khám, xe đang vận chuyển 2.863 hộp khẩu trang của 18 loại, tương đương 143.000 chiếc; trong đó có 449 hộp (50 chiếc/hộp) khẩu trang kháng khuẩn 4 lớp không thể hiện thông tin địa chỉ nhà sản xuất do ông Chu Ngọc Tú là chủ hàng hóa.
Ông Tú khai nhận đã mua gom trên thị trường qua các mạng xã hội như nhóm chuyên sỉ lẻ khẩu trang, nhóm sỉ khẩu trang y tế rẻ 3 miền Bắc-Trung-Nam thông qua Facebook có tên là “Chu Ngọc Tú” và bán ra với giá 364.000 đồng /hộp.
Toàn bộ số hàng hóa nêu trên chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ liên quan nên Đoàn kiểm tra đã tạm giữ số khẩu trang y tế nêu trên để tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định.
Ngày 11/2, Đội Quản lý thị trường số 12, Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra Hộ kinh doanh Tân Phát L4, địa chỉ 66/1 đường TMT13, tổ 84, KP2, phường Trung Mỹ Tây, quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh. Qua kiểm tra Đội Quản lý thị trường số 12 phát hiện hộ kinh doanh có chứa 17.400 cái khẩu trang vải (loại 4 lớp) không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ông Nguyễn Tấn Phát - chủ hộ kinh doanh cho biết toàn bộ số khẩu trang được ông Phát mua từ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai. Tổng trị giá hàng hóa theo giá niêm yết là gần 35 triệu đồng. Do ông Phát chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan nên Đội lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng trên để xử lý theo quy định của pháp luật
Tại tỉnh Bình Dương, ông Trần Văn Tùng, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương tăng cường kiểm tra tình hình kinh doanh khẩu trang, trang thiết bị y tế liên quan đến phòng chống dịch Covid-19.
Cục quản lý thị trường tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường, huyện, thị, thành phố tiến hành kiểm tra, nắm tình hình các cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế (chủ yếu là các cửa hàng thuốc, nhà thuốc quầy thuốc tây).
Kết quả đã tuyên truyền, nhắc nhở 7 cơ sở kinh doanh khẩu trang, thuốc sát trùng, găng tay y tế cam kết không được lợi dụng tình trạng dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng y tế quá mức. Các cửa hàng thuốc, nhà thuốc quầy thuốc tây phải thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết theo đúng quy định (được hơn 525 cơ sở niêm yết giá).
Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương chỉ đạo các đội tăng cường theo dõi nằm sát tình hình thị trường, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng hoặc tăng quá mức. Lực lượng quản lý thị trường xử lý nghiêm các trường hợp không niêm yết giá và bán không theo giá niêm yết hoặc niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lần khách hàng.
Kết quả kiểm tra được 26 vụ, phát hiện 11 vụ vi phạm, trong đó có 3 vụ không niêm yết giá, 6 vụ niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn khách hàng, 1 vụ lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán bất hợp lý, 1 vụ không đăng ký kinh doanh. Xử lý 11 vụ với tổng số tiền phạt hành chính và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp là 54.500.000 đồng.
Tại cuộc họp về tình hình dịch bệnh Covid-19 vào chiều 10/2/2020, do Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương chủ trì, các ngành chức năng của tỉnh Bình Dương đã thừa nhận các nơi trong tỉnh hiện đang thiếu khẩu trang y tế, nước rửa tay cung cấp cho người dân, cộng đồng.
Liên quan đến việc này, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam chỉ đạo các ngành chức năng trong tỉnh cần quyết liệt xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng phòng chống dịch bệnh để trục lợi và lợi dụng phòng chống dịch này để vi phạm pháp luật./.
Theo Uyên Hương-Nguyễn Văn Việt (TTXVN/Vietnam+)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin