Vựa lúa số 1 Việt Nam: Xâm nhập mặn còn tăng từ các đợt triều cường

05:02, 22/02/2020

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong thời gian tới, xâm nhập mặn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục diễn ra và tăng cao trong các đợt triều cường.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong thời gian tới, xâm nhập mặn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục diễn ra và tăng cao trong các đợt triều cường.

Dự báo tình hình xâm nhập mặn khu vực Nam Bộ trong thời gian tới. (Nguồn: Tổng cục KTTV)
Dự báo tình hình xâm nhập mặn khu vực Nam Bộ trong thời gian tới. (Nguồn: Tổng cục KTTV)

Thời gian còn lại của mùa khô năm 2020, xâm nhập mặn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục diễn ra và tăng cao trong các đợt triều cường do mùa mưa ở khu vực Nam Bộ đến muộn, tình trạng nắng nóng bắt đầu xảy ra trên diện rộng và dòng chảy trên sông Mekong về “vựa lúa số 1 Việt Nam” tiếp tục bị suy giảm.

Xâm nhập mặn ở mức cao

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ đầu tháng 2 đến nay ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hầu như không có mưa, một số khu vực xuất hiện nắng nóng cục bộ với mức nhiệt trên 35 độ nên triều cường, xâm nhập mặn liên tiếp tăng cao đã lấn sâu vào các cửa sông.

Hiện tại, mực nước trên dòng chính sông Mekong đang ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm 2016 từ 0,1-0,8m. Mực nước trên sông Tiền và sông Hậu dao động theo triều và ở mức tương đương cùng kỳ năm 2016. Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đang tăng trở lại trong 2 ngày 19 và 20/2/2020.

Ngoài ra, mực nước tại Biển Hồ (Campuchia) ở mức thấp, khả năng bổ sung nước cho Đồng bằng sông Cửu Long không nhiều nên xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục ở mức độ sâu hơn, gay gắt hơn so với trung bình nhiều nhăm.

Với diễn biến thời tiết trên, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo cuối tháng 2 và tháng 3, dòng chảy trên sông Mekong về Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm và năm 2016 từ 5-20%. Ranh mặn 4‰ sẽ xâm nhập sâu vào đất liền sâu hơn trung bình nhiều năm 25-35km.

Trong một số thời điểm, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có thể ở mức tương đương hoặc cao hơn cùng kỳ năm 2016 (trong thời kỳ triều cường kết hợp với gió chướng mạnh). Do đó, thời gian còn lại của mùa khô năm 2020, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục diễn ra và tăng cao trong các đợt triều cường.

Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đang tăng trở lại. (Nguồn ảnh: TTXVN)
Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đang tăng trở lại. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Cụ thể, giai đoạn cuối tháng 2 (từ ngày 21-27/2), phạm vi xâm nhập mặn trên sông Cửa Tiểu, Cửa Đại khoảng 45-52km; sông Hàm Luông khoảng 65-76km; sông Cổ Chiên khoảng 55-62km. Mức độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở cấp độ 1-2.

Sang tháng 3, xâm nhập mặn tăng cao trên sông Cửu Long tiếp tục diễn ra. Theo đó, giai đoạn từ 6-15/3, phạm vi xâm nhập mặn có khả năng ở mức tương đương và cao hơn đợt xâm nhập mặn giữa tháng 2. Từ cuối tháng 3, xâm nhập mặn ở các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn duy trì ở mức cao đến tháng 4/2020, sau đó giảm dần.

“Trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài kết hợp với việc sử dụng và khai thác tài nguyên nước trong lưu vực (tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập) sẽ làm cho tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn kéo dài hơn và trở nên trầm trọng hơn mùa khô năm 2015-2016,” Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đưa ra cảnh báo.

Cần chủ động ứng phó

Trước diễn biến xâm nhập mặn vẫn tăng cao ở Đồng bằng sông Cửu Long, các chuyên gia khí tượng thủy văn khuyến cáo các tỉnh cần tiếp tục chủ động ứng phó với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn diễn ra trong thời gian tới, cũng như đánh giá chi tiết hiện trạng các nguồn nước của các tỉnh để đưa ra giải pháp phù hợp.

Cùng với đó, các cấp chính quyền và người dân cần cập nhật thông tin dự báo, cảnh báo thường xuyên. Hiện hệ thống dự báo khí tượng thủy văn quốc gia ở các cấp Trung ương và khu vực, các bản tin về hạn hán, xâm nhập mặn được Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cập nhật 5 ngày/lần, trong đó thông tin chi tiết cho 5 ngày, 10 ngày và tháng tiếp theo.

Bên cạnh đó, người dân chủ động thực hiện các biện pháp tích, trữ nước, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước. Chính quyền các cấp nơi chịu ảnh hưởng của thiên tai phải tăng cường kiến thức cho cán bộ quản lý và người dân về thiên tai, hạn hán và các giải pháp ứng phó.

Trong một số thời điểm, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có thể ở mức tương đương hoặc cao hơn cùng kỳ năm 2016. (Nguồn ảnh: TTXVN)
Trong một số thời điểm, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có thể ở mức tương đương hoặc cao hơn cùng kỳ năm 2016. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Trên cơ sở theo dõi, giám sát, dự báo tình hình nguồn nước của các Bộ, ngành chức năng, ngày 22/1 vừa qua, Thủ  tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 04/CT-TTg về việc triển khai các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng đã trực tiếp chủ trì Hội nghị “Phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, bảo đảm sản xuất nông nghiệp và dân sinh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2019-2020” tại Bến Tre.

Đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các địa phương đã đẩy nhanh tiến độ  thi công các dự án đầu tư xây dựng. Hiện đã đưa 5 dự án vào tạm thời vận hành phòng, chống xâm nhập mặn như: Cống Âu Ninh Quới; Trạm bơm Xuân Hòa; Hệ thống thủy lợi Nam Mang Thít; 18 cống kiểm soát mặn thuộc Dự án Bắc Bến Tre giai đoạn 1; Nạo vét kênh Mây Phốp-Ngã Hậu…

Các công trình trên đã chủ động trực tiếp kiểm soát xâm nhập mặn khoảng 83.000 ha và hỗ trợ kiểm soát ảnh hưởng xâm nhập mặn đến 300.000 ha. Trong thời gian tới, một số dự án đang được thực hiện sẽ tiếp tục chủ động kiểm soát xâm nhập mặn như: Hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre, Cái Lớn-Cái Bé, Tứ giác Long Xuyên,...

Về lâu dài, giới chuyên gia khuyến cáo các địa phương cần đầu tư lắp đặt thiết bị giám sát độ mặn tự động để kịp thời thông tin, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với từng giai đoạn; ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn thiện khép kín các hệ thống thủy lợi đã có, nạo vét các kênh trục chuyển nước để chủ động kiểm soát triều, xâm nhập mặn.

Ngoài ra, cần khuyến khích chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, đặc biệt vùng không chủ động nguồn nước, thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn sang phát triển nông nghiệp đa dạng (thủy sản - cây ăn quả - lúa), đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng./.

Theo Hùng Võ (Vietnam+)

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh