Lo thiếu nguyên liệu cho dệt may

02:02, 18/02/2020

Công ty chứng khoán SSI vừa công bố báo cáo tác động của dịch bệnh Covid- 19 sẽ tác động lên 23 nhóm ngành trên thị trường chứng khoán trong ngắn hạn. Cụ thể, có 4 ngành dự báo có triển vọng tích cực, 10 ngành trung lập và 9 ngành có thể sẽ bị tác động tiêu cực. 

Công ty chứng khoán SSI vừa công bố báo cáo tác động của dịch bệnh Covid- 19 sẽ tác động lên 23 nhóm ngành trên thị trường chứng khoán trong ngắn hạn. Cụ thể, có 4 ngành dự báo có triển vọng tích cực, 10 ngành trung lập và 9 ngành có thể sẽ bị tác động tiêu cực. Theo đó, 9 ngành chịu tác động tiêu cực gồm may mặc, bán lẻ, thủy sản, bia, dầu khí, chứng khoán, cảng biển và vận chuyển, dịch vụ sân bay, hàng không.

Đối với ngành hàng may mặc, Trung Quốc là thị trường cung cấp vải nguyên liệu lớn nhất cho Việt Nam. Do đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực khi nhiều nhà máy dệt tại Trung Quốc đóng cửa vì dịch bệnh. Gần đây, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đã đề nghị các doanh nghiệp hội viên gửi báo cáo về tác động của dịch bệnh tới tình hình sản xuất kinh doanh để hiệp hội báo cáo Chính phủ. Theo đó, lượng vải Việt Nam nhập từ Trung Quốc chiếm tới gần 60% trong tổng số 13,5 tỷ USD của năm 2019; xơ sợi chiếm 55%, với 2,42 tỷ USD.

Thực tế, một số doanh nghiệp gia công và sản xuất hàng may mặc của Việt Nam đã tính đến phương án nhập nguyên phụ liệu từ các nước khác (Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ…). Tuy nhiên, từ trước đến nay nguồn cung từ Trung Quốc luôn có giá thấp hơn các thị trường khác, chưa kể việc chuyển đổi sang thị trường khác không dễ dàng, nhanh chóng.

Do đó, bên cạnh yêu cầu hội viên tập trung khai thác nguồn nguyên phụ liệu ở trong nước hoặc từ các nước khác, Vitas yêu cầu theo dõi sát diễn biến dịch bệnh, thời gian đóng/mở các cửa khẩu của Trung Quốc và các nước có liên quan dịch bệnh để có những ứng phó kịp thời. Về lâu dài, cần đẩy mạnh đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ để có thể chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Ở một khía cạnh khác, có ý kiến chuyên gia cho rằng, trong dự báo khó khăn về nguyên liệu trước mắt cần nhìn thấy cơ hội lớn để tiếp tục tìm nguồn nguyên liệu từ các thị trường khác, giảm phụ thuộc nguyên liệu từ Trung Quốc. Và, trong khi lượng lớn lao động người Trung Quốc chưa thể quay trở lại công ty làm việc ngay thì đây là cơ hội cho lao động trong nước. Tại Vĩnh Long, Trưởng Ban Quản lý Các khu Công nghiệp Phạm Thành Khôn cho hay, trong bối cảnh lao động quản lý người nước ngoài chưa thể quay lại làm việc ngay vì dịch bệnh, một số doanh nghiệp “đôn” lao động trong nước lên làm quản lý.

NAM ANH

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh