Dịch COVID-19 ít nhiều ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu (XK). Song nhiều sở, ngành cho biết đã có phương án ứng phó nhằm phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra.
Dịch COVID-19 ít nhiều ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu (XK). Song nhiều sở, ngành cho biết đã có phương án ứng phó nhằm phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra.
Giá lúa tại một số địa phương đang nhích lên, tiêu thụ tốt nên nông dân phấn khởi. |
Xuất khẩu đặt mục tiêu tăng trưởng
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có dệt may, da giày, linh kiện điện tử… do phải nhập nguyên liệu từ Trung Quốc sẽ chịu tác động không nhỏ.
Theo số liệu mới nhất từ Bộ Công thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng đầu tiên của năm 2020 ước đạt 38,1 tỷ USD, giảm 12,9% so với cùng kỳ năm trước.
XK tháng 1 ước đạt 19 tỷ USD, giảm 14,3%. Bước sang tháng 2, tác động từ dịch Covid-19 gây gián đoạn hoạt động giao thương là điểm đáng chú ý nhất trong bức tranh xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp tăng cường hoạt động sản xuất, kinh doanh. |
Tại Vĩnh Long, theo Sở Công thương, nếu năm 2019 XK có sự tăng trưởng vượt bậc với tổng kim ngạch đạt 577,3 triệu USD, tăng 17,07% so với năm 2018 thì ngay những tháng đầu năm 2020 ít nhiều cũng chịu ảnh hưởng tình hình dịch bệnh.
Theo đó, kim ngạch XK đạt 39,2 triệu USD, giảm khoảng 4% so tháng trước. Trong đó, hàng thủ công mỹ nghệ giảm 25,26%, hàng dệt may giảm 6,45%,…
Năm 2020 kế hoạch xuất nhập khẩu đạt 550 triệu USD, trong đó XK nông sản 45 triệu USD (tỷ trọng 8,18%); hàng công nghiệp 505 triệu USD (tỷ
trọng 91,81%),…
Ông Phạm Tứ Phương- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương Vĩnh Long- nhận định: “Xuất nhập khẩu của tỉnh tới đây ít nhiều chịu ảnh hưởng, nhất là các mặt hàng nông sản như: khoai lang và cá tra”.
Song, cũng không quá bi quan, bởi như cá tra có doanh nghiệp trên địa bàn xuất trực tiếp qua thị trường Trung Quốc nhưng sản lượng không lớn.
Trong khi còn mặt hàng nông sản chủ lực khác thì đa phần bán cho thương nhân ngoài tỉnh và hệ thống phân phối ở TP Hồ Chí Minh xuất bán nên gần như không gắn chỉ tiêu xuất khẩu tỉnh.
Căn cứ vào tình hình XK một số mặt hàng trong năm 2019, như: dệt, giày da đạt khoảng 60 triệu USD, thủ công mỹ nghệ xuất khoảng 5 triệu USD, cá tra xuất khoảng 3 triệu, với tổng giá trị khoảng 70 triệu USD.
Ông Phạm Tứ Phương cho rằng, không quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, thậm chí “không cần thị trường này vẫn xuất được”.
Bởi, tới đây các hiệp định thương mại thế hệ mới sẽ được thông qua, thị trường sẽ rộng mở. “Việc XK hiện nói không ảnh hưởng đến tăng trưởng thì không đúng nhưng dựa trên tình hình thực tế và chủ động thì không quá đáng ngại. Vì vậy, phấn đấu của ngành vẫn đạt kế hoạch tăng trưởng đề ra”- ông Phạm Tứ Phương nêu quyết tâm.
Trong khi qua tìm hiểu được biết, trong tình hình khó khăn này, các thương nhân, doanh nghiệp đã tăng cường tìm kiếm, xúc tiến tại nhiều thị trường mới.
Mà, Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại Phước Thành IV là tiêu biểu. Sau khi được Bộ Công thương cấp phép xuất khẩu gạo trực tiếp từ đầu năm 2019 là điều kiện giúp doanh nghiệp này mở rộng thị trường.
Thay vì xuất bán gạo chủ yếu qua thị trường Trung Quốc như nhiều doanh nghiệp, hiện doanh nghiệp này đã mở rộng sang Philippines và nhiều nước Châu Á.
Nông nghiệp uyển chuyển sản xuất
Trong khi đó, ngành nông nghiệp vừa trải qua năm 2019 đầy khó khăn với nắng nóng kéo dài, xâm nhập mặn xảy ra, giá nông sản biến động bất thường, nhất là dịch bệnh trên vật nuôi diễn biến rất phức tạp.
Và vừa bước sang đầu năm 2020 này lại chịu tác động của dịch Covid-19. “Nghẽn” đường XK, nhiều nông sản chủ lực rơi vào cảnh rớt giá, tiêu thụ khó khăn.
Để vượt qua khó khăn, cuối năm đạt tăng trưởng từ 2- 2,2% như kế hoạch đề ra, ngành nông nghiệp đã đề ra nhiều giải pháp. Mà trước mắt là điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp tình hình.
“Muốn tăng giá trị không cách nào khác là tăng sản xuất, rồi giá bán tốt thì tăng trưởng”- ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT còn xác định, với tình hình hiện nay, ngành nông nghiệp đang uyển chuyển sản xuất.
Cụ thể, với những mặt hàng nông sản đang chịu cảnh rớt giá khuyến cáo người dân hạn chế xử lý ra hoa. “Như thanh long, sau thu hoạch, chong đèn thì tháng sau ra hoa, ra trái.
Nhưng hiện ngành khuyến cáo hãy chăm sóc bình thường. Cây khác cũng vậy để thư thả chờ qua dịch bệnh, hàng quá lưu thông bình thường hãy tăng cường chăm sóc.
Đối với nông sản tiêu thụ nội địa như rau màu, người dân nên sản xuất bình thường”- ông Nguyễn Văn Liêm khuyến cáo.
Trong khi năm nay, năng suất nhiều diện tích lúa Đông Xuân đã thu hoạch đạt khá cao. Điều này được cho là tín hiệu vui, phần nào “bù” lại tổn thất giá cả xuống thấp.
Anh Tống Minh Châu (xã Tân Phú- Tam Bình) cho biết. “Lúa vụ này rất trúng, 16 công lúa giống Jasmine của tôi đạt năng suất hơn 1 tấn/công, cao hơn 200 kg/công so với cùng kỳ năm trước. Lúa thu hoạch tới đâu tiêu thụ hết tới đó, thương lái thu mua với giá hơn 5.000 đ/kg”.
Ông Nguyễn Văn Liêm cũng thông tin, hiện dịch vụ trên cây trồng giảm đáng kể. Đàn trâu, bò cũng phát triển tốt, dịch bệnh được khống chế. Và mới đây 104 xã- phường công bố hết dịch tả heo Châu Phi, phấn đấu đến cuối năm đàn heo đạt 250.000- 260.000 con.
“Dù đang đứng trước khó khăn nhưng từ thực tế sản xuất là tín hiệu rất đáng mừng tiếp thêm sức cho khả năng tăng trưởng của ngành phấn đấu đạt kết quả đề ra.”- ông Nguyễn Văn Liêm tin tưởng.
Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin