Sản xuất đình trệ, doanh thu giảm, nhiều doanh nghiệp mong muốn được giãn nợ, miễn thuế... để có thể trụ vững qua cơn biến động vì dịch Covid-19.
Sản xuất đình trệ, doanh thu giảm, nhiều doanh nghiệp mong muốn được giãn nợ, miễn thuế... để có thể trụ vững qua cơn biến động vì dịch Covid-19.
Khó khăn chồng chất
Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp không chỉ tác động trực tiếp đến việc xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc mà nhiều ngành nghề khác như: dệt may, da giày, cơ khí, chế biến, chế tạo... cũng gặp khó khăn bởi không có nguồn nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Toàn Thắng chuyên sản xuất cơ khí, chế tạo cho biết, hầu hết nguyên vật liệu sản xuất như: nhôm và các phụ liệu sản xuất đều nhập từ Trung Quốc.
Do dịch bệnh nên việc nhập hàng bằng đường biển và qua đường biên giới đều khó khăn nên công ty đang đứng trước nguy cơ không có nguồn nguyên liệu sản xuất.
Doanh nghiệp "đói" nguyên liệu sản xuất vì Covid-19. |
“Hiện công ty chỉ sản xuất cầm chừng. Nếu dịch bệnh kéo dài, ảnh hưởng đến xuất – nhập hàng hóa thì có lẽ doanh nghiệp phải tính đến việc cho nhân viên nghỉ dài ngày”, ông Nguyễn Toàn Thắng nói.
Ông Thắng cho rằng, để phòng, chống dịch bệnh lây lan thì việc kiểm tra, kiểm soát là cần thiết, nhưng cần có những chính sách hỗ trợ về vốn, thuế, đặc biệt có giải pháp hỗ trợ trong quá trình kiểm tra để hàng hóa có thể tới doanh nghiệp một cách thuận lợi.
“Hiện chúng tôi cũng đang tìm các nguồn hàng khác để thay thế cho nguồn lấy từ Trung Quốc, nhưng đây là việc không dễ dàng vì rất khó tìm được chủng loại phù hợp và nếu có tìm được thì giá cả lại cao ngất ngưởng cộng với chi phí vận tải cao thì doanh nghiệp cũng không thể nhập được hàng”, ông Thắng cho hay.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử VOV, ông Phạm Hữu Truyền, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng và Dịch vụ Trường Thành cho biết, tình trạng kinh doanh ế ẩm, doanh thu không đủ bù chi phí khiến DN phải tạm cho một số nhân viên nghỉ việc.
Để hỗ trợ DN, các giải pháp về thuế, phí rất quan trọng đối với DN trong lúc này bởi dịch bệnh có thể tiếp tục kéo dài, DN nhỏ vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn chồng chất.
“Việc gia hạn nợ, giảm lãi suất, hỗ trợ thanh khoản... kết hợp cùng với các chính sách miễn, giãn, giảm thuế cần được triển khai nhanh, mạnh và kịp thời hơn nữa để các DN sớm vượt qua “cơn bão” dịch Covid-19”, ông Truyền đề xuất.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, sự đứt gẫy của các chuỗi giá trị, sự suy giảm sức khỏe của doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế dưới tác động của dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường và sẽ còn kéo dài.
“Nhiều DN đang rất khó khăn để cầm cự và duy trì sản xuất. Nguy cơ mất khách hàng, mất đơn hàng, không có thêm đơn hàng mới tăng lên, các DN khó có khả năng giữ những công đoạn của chuỗi giá trị toàn cầu mà họ đã dày công xây dựng trong hàng thập kỷ”, ông Vũ Tiến Lộc nói.
Ông Vũ Tiến Lộc cho biết, nếu tình hình không sáng sủa hơn, nhiều DN trong các ngành dệt may, giày dép, thời trang, điện tử... sẽ khó có khả năng cầm cự đến cuối quý I vì dự trữ nguyên liệu vật liệu cho sản xuất chỉ còn đủ dùng cho vài ba tuần tới.
Giảm thuế - tăng niềm tin
Để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành như hiện nay, TS Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng cho rằng, việc hoãn, giản thuế cũng như giảm một số loại phí là điều cần thiết.
“Để chia sẻ khó khăn cho DN bị tác động bởi dịch Covid-19 hiện nay có nhiều giải pháp hỗ trợ DN như giải pháp về thuế, phí.
Trong đó, cần tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, DN, chống trì trệ trong phát triển; tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế để vừa bù đắp thiệt hại, vừa giảm thiểu tác động của dịch Covid-19”, TS. Trần Du Lịch nêu ý kiến.
Cộng đồng DN mong cơ quan thuế sớm đánh giá mức độ thiệt hại của DN , trên cơ sở đó đề xuất các chính sách, loại thuế nào cần giảm, phương án giảm cụ thể... nhằm hỗ trợ kịp thời. |
Tại cuộc họp toàn ngành thuế tổ chức mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu Bộ Tài chính sớm có chương trình tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển, nhất là trong bối cảnh dịch viêm phổi cấp Covid -19 gây tác hại lớn, khiến nhiều DN khó khăn.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị: "Ngành Thuế sớm có kế hoạch giảm thuế, giãn, hoãn và chậm nộp thuế với doanh nghiệp khó khăn do dịch Covid-19 để tạo điều kiện và nguồn lực cho DN vượt qua thời điểm này".
Yêu cầu của Thủ tướng đặt ra với ngành thuế cũng là tin mừng cho cộng đồng DN bởi trước đó, ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều DN đã phải "kêu trời" bởi tình trạng kinh doanh ế ẩm, doanh thu không đủ bù chi phí, sản xuất cầm chừng do thiếu nguyên liệu sản xuất…
Rất nhiều DN bày tỏ mong muốn cơ quan thuế nên xem xét mức nộp thuế phù hợp để hỗ trợ người nộp thuế.
Chủ trương đã có, song, mong mỏi của các DN là cơ quan thuế nên sớm đánh giá mức độ thiệt hại của DN và hộ kinh doanh, trên cơ sở đó đề xuất các chính sách, loại thuế nào cần giảm, phương án giảm cụ thể... nhằm hỗ trợ kịp thời.
Không nên chờ hết 6 tháng mới đánh giá lại, bởi nhiều DN như đang “ngồi trên đống lửa” vì doanh thu sụt giảm nghiêm trọng do tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, trong khi áp lực về đủ các loại thuế là rất lớn./.
Theo VOV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin