Chưa bao giờ việc "ăn gì, uống gì" là vấn đề "nan giải" cho người tiêu dùng khi đi chợ như hiện nay. Dù có nhiều lời khuyên, cảnh báo hãy là người tiêu dùng thông thái nhưng không ít người tiêu dùng buộc phải "mắt nhắm mắt mở" mua thực phẩm không biết có sạch hay không.
Chưa bao giờ việc “ăn gì, uống gì” là vấn đề “nan giải” cho người tiêu dùng khi đi chợ như hiện nay. Dù có nhiều lời khuyên, cảnh báo hãy là người tiêu dùng thông thái nhưng không ít người tiêu dùng buộc phải “mắt nhắm mắt mở” mua thực phẩm không biết có sạch hay không.
Vi phạm vì “quên”
Thực phẩm bẩn không chỉ gây hoang mang cho người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở làm ăn chân chính. Tuy đã có nhiều đợt kiểm tra, xử phạt răn đe, song vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn còn khiến nhiều người lo ngại.
Theo ghi nhận của phóng viên, sau tết, tiểu thương vẫn còn bày bán một số loại bánh, mứt phục vụ tết được sản xuất thủ công, theo mùa vụ không có ghi nhãn hàng hóa, còn khá phổ biến ở các chợ vùng sâu.
Theo BCĐ 389 tỉnh, thời gian qua, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đã có những cải thiện tích cực, tuy nhiên, vi phạm vẫn còn diễn ra. Các hành vi vi phạm chủ yếu như mua bán, vận chuyển hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm, sử dụng chất cấm trong chế biến, bảo quản thực phẩm, nhân viên không được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm,...
Mới đây, dịp Tết Nguyên đán 2020, Đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh đã đến kiểm tra việc sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cửa hàng bán mặt hàng thực phẩm và cũng đã phát hiện nhiều sai phạm. Cụ thể như: không đảm bảo điều kiện sản xuất an toàn thực phẩm, khu vực sản xuất không có cửa lưới ngăn chặn côn trùng, động vật gây hại xâm nhập, kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng,...
Tại một cơ sở, đoàn kiểm tra phát hiện một số mặt hàng “hết đát” thì chủ cửa hàng giải thích: “bán hổng được nên quên coi hạn sử dụng?!” Còn với cơ sở chưa xuất trình giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm cho các lao động làm việc tại cơ sở, thì chủ cơ sở cũng phân trần: “Sản xuất nhỏ với lu bu nhiều việc quá nên quên!”
Bà Nguyễn Thị Tố Quyên- quyền Chánh Thanh tra Sở Công thương- Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh- cho biết, qua kiểm tra thì đa số các cơ sở, doanh nghiệp chấp hành tốt các quy định pháp luật, hàng hóa có niêm yết giá rõ ràng, sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng,... Tuy nhiên, cũng có một số đơn vị còn vi phạm về điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, hạn sử dụng,... Đoàn đã tiến hành nhắc nhở các trường hợp vi phạm, đồng thời, lấy một số mẫu sản phẩm kiểm nghiệm chất lượng theo công bố.
Phải mạnh tay xử lý
Cũng nhờ tăng cường kiểm tra, mạnh tay xử lý, đặc biệt là việc lấy mẫu kiểm tra nhanh tại chợ đã góp phần nâng cao nhận thức của người mua và người bán. Nhiều tiểu thương cho hay, trước đây, việc sản xuất, chế biến chả lụa, pa tê, chả cá,... chỉ chú trọng hình thức sao cho đẹp mắt để thu hút người tiêu dùng thì khi được cơ quan chức năng tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, giám sát, tiểu thương đã dần thay đổi nhận thức, không sử dụng chất cấm trong chế biến thực phẩm, chú trọng hơn vấn đề an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, theo nhiều người, cần phải mạnh tay hơn nữa trong vấn đề vi phạm an toàn thực phẩm hiện nay. Theo đó, không chỉ xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn phải công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng để người dân nắm bắt thông tin kịp thời.
Để ngăn chặn kịp thời các vi phạm an toàn thực phẩm trong thời gian tới, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường- Lê Thanh Phong cho hay, đơn vị sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra hóa đơn chứng từ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên khâu lưu thông. Bên cạnh đó, sẽ sử dụng bộ test nhanh trong kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm và lấy mẫu thử nghiệm đối với mặt hàng thực phẩm lưu thông trên thị trường có dấu hiệu vi phạm.
Ngành chức năng đã tăng cường kiểm tra vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm để bảo vệ người tiêu dùng. |
Ông Trương Thanh Sử- Phó Giám đốc Sở Công thương- cũng cho biết, thời gian tới, sở sẽ đẩy mạnh quản lý an toàn thực phẩm theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp thiết lập và vận hành hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (HACCP), tăng cường hoạt động truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Từ đó, vừa góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp trên thị trường vừa bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng.
“Để đảm bảo sức khỏe bản thân và gia đình, người tiêu dùng nên tự biết bảo vệ mình bằng cách quan tâm nhiều hơn đến chất lượng hàng hóa, đặc biệt chất lượng thực phẩm; cần thận trọng trong lựa chọn sản phẩm, chỉ mua sản phẩm rõ nguồn gốc; kịp thời phát hiện, cung cấp thông tin, lên án, tẩy chay những cơ sở sản xuất, kinh doanh không bảo đảm an toàn thực phẩm”- ông Trương Thanh Sử khuyến cáo.
Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin