Hướng tới nâng cao hiệu quả hoạt động, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh, mới đây, Sở Kế hoạch- Đầu tư Vĩnh Long tổ chức hội thảo chuyên đề về các mô hình tổ chức thực hiện quản lý hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể và các mô hình khởi nghiệp hiệu quả tại các địa phương.
Hướng tới nâng cao hiệu quả hoạt động, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh, mới đây, Sở Kế hoạch- Đầu tư Vĩnh Long tổ chức hội thảo chuyên đề về các mô hình tổ chức thực hiện quản lý hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể và các mô hình khởi nghiệp hiệu quả tại các địa phương. Trong đó, nhiều “hướng mở” được đề cập để gỡ khó cho kinh tế tập thể.
Liên kết hợp tác tiêu thụ đã mở lối cho xoài Vĩnh Long đi Mỹ- một trong các thị trường khó tính nhất thế giới. Ảnh: THẢO LY |
Theo Liên minh Hợp tác xã (HTX) Vĩnh Long, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng kinh tế hợp tác trên địa bàn đã được tiếp tục củng cố. Theo đó, nhiều HTX hoạt động hiệu quả hơn nên thu nhập, đời sống của thành viên HTX và người lao động nâng lên.
Theo Sở Kế hoạch- Đầu tư, toàn tỉnh hiện có 143 HTX đang hoạt động. Trong đó, có 139 HTX hoạt động hiệu quả (chiếm 97,2%) với 75 HTX thuộc lĩnh vực nông nghiệp và 64 HTX ở lĩnh vực phi nông nghiệp.
Doanh thu trung bình của HTX trên 8 tỷ đồng/năm, lợi nhuận trung bình trên 500 triệu đồng/năm. Theo đó, thu nhập bình quân của thành viên HTX 4,5 triệu đồng/tháng; thu nhập trung bình của lao động làm việc thường xuyên trong HTX đạt 4 triệu đồng/tháng.
Cũng theo Sở Kế hoạch- Đầu tư, khó khăn lớn nhất của nhiều HTX hiện nay là năng lực quản lý, điều hành của hội đồng quản trị chưa đáp ứng nhu cầu (phần lớn thiếu chuyên môn, còn ngán ngại trong quản lý, điều hành…).
Phần lớn HTX trên địa bàn hoạt động với quy mô nhỏ, trung bình khoảng 450- 470 triệu đồng/HTX, đa số HTX không có tài sản chung như đất đai, trụ sở làm việc, tài sản cố định khác.
Khả năng tài chính cũng là một trong những yếu tố chính trong hoạt động HTX, đa phần các HTX ít vốn, khi cần muốn tiếp cận các tổ chức tín dụng thì không được do không có phương án kinh doanh khả thi, không có tài sản thế chấp.
Phân tích nguyên nhân, ông Dương Văn Cảnh- Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh- cho rằng, những hạn chế của HTX hiện nay là do “khách quan có, chủ quan có”. Trong đó, tính tự chủ, phát huy nội lực của các đơn vị kinh tế tập thể, trong đó có HTX chưa cao. HTX hoạt động thiếu kế hoạch và định hướng phát triển, thành viên không hăng hái tham gia...
Để tiếp tục củng cố, đổi mới nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, theo ông Dương Văn Cảnh, thời gian tới Liên minh HTX tỉnh tăng cường phối hợp các sở, ngành, đoàn thể tỉnh, các địa phương tập trung thực hiện các giải pháp để các HTX “khắc phục nhược điểm, giải quyết những nhu cầu bức xúc cơ bản hiện nay”.
Trong đó, củng cố tổ chức, bộ máy quản lý, bộ phận chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao năng lực quản lý, điều hành, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; phát huy nội lực, tăng cường năng lực để đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh… Đồng thời, hỗ trợ các HTX tổ chức liên doanh, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Ông Nguyễn Phương Lam- Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam- nêu thực trạng, hiện có những HTX có rất đông thành viên nhưng liên kết rất lỏng lẻo “mỗi thành viên làm một kiểu”.
Trong khi đó, phần lớn HTX hiện nay chỉ tập trung khâu sản xuất- chưa có nhiều HTX lĩnh vực thương mại, dịch vụ.
Để theo kịp xu hướng phát triển hiện nay, HTX cần có cách tiếp cận mới. Cái chính là cần liên kết, thúc đẩy phát triển. Chẳng hạn, liên kết với dịch vụ du lịch để cung cấp sản phẩm đóng gói và những dịch vụ khác cho du khách để giúp du lịch phát triển.
Ngược lại, du lịch sẽ tác động ngược lại cho HTX, làng nghề hoạt động hiệu quả hơn. Ông Nguyễn Phương Lam cho rằng, muốn kinh tế tập thể phát triển mạnh cần giải bài toán liên kết và cần có doanh nghiệp đủ mạnh dẫn dắt. Đó là cách mà một số địa phương của ĐBSCL và nhiều nước trên thế giới đã thực hiện thành công.
Theo ông Trần Hoàng Tuyên- Phó Giám đốc Nghiên cứu Kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp, cùng với các địa phương khác, gần đây Vĩnh Long có một số doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất thể hiện “ý thức đổi mới”, chú ý khai thác tài nguyên bản địa…
Chẳng hạn như HTX Sản xuất- Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt ở xã Trung Ngãi (Vũng Liêm) đã kiên trì và nắm bắt xu thế thị trường khi tổ chức sản xuất gạo có giá trị dược tính; liên kết doanh nghiệp thực hiện tiêu chuẩn gạo hữu cơ.
Bên cạnh, HTX đã mở rộng liên kết các HTX trên địa bàn tỉnh; tiếp nhận sự hỗ trợ từ sinh viên du học trở về… Đặt vấn đề về liên kết giữa HTX và các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, ông cho rằng “HTX cần dành không gian cho các ý tưởng Start up” bởi vì HTX sản xuất ở nông thôn- người nắm giữ tư liệu sản xuất rất giống nhau (phụ thuộc hóa chất, cùng loại giống, ở quá lâu trong vùng thu nhập thấp và ý tưởng đang cạn dần…
Trong khi Start up đang háo hức với ý tưởng mới, khát vọng vươn lên, đổi mới sáng tạo coi trọng sản phẩm có giá trị khác biệt, ứng dụng công nghệ tối tân, có nhiều kỹ năng thích ứng thị trường chuyển đổi, nhưng thiếu môi trường ứng dụng.
Do đó “HTX và người khởi nghiệp cần quan hệ hợp tác liên kết sản xuất- tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, phân tích kinh tế trước nhiều phương án mới”.
Ông Nguyễn Thành Một- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho biết, thực hiện Quyết định 2261 và Quyết định 445 của Thủ tướng Chính phủ, bắt đầu từ năm 2016 đến nay, Sở Nông nghiệp- PTNT tập trung nguồn lực hỗ trợ cho HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, về hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, năm 2019, ngành nông nghiệp đã hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng cho 6 HTX với tổng kinh phí gần 2,6 tỷ đồng. Trong đó, có 3 HTX nông nghiệp chỉ đạo điểm của Tỉnh ủy là: HTX Sản xuất và tiêu thụ Bưởi Năm Roi Mỹ Hòa, HTX Nông nghiệp Tân Tiến, HTX Cam sành Oganics Trà Ôn. Bên cạnh, phối hợp với Khoa Kinh tế- Trường ĐH Cần Thơ tư vấn xây dựng phương án sản xuất kinh doanh khả thi cho 10 HTX… |
SÔNG HẬU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin