Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân vừa diễn ra ngày 10/12/2019 tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các thành viên Chính phủ trao đổi trực tiếp với nông dân về các vấn đề nóng xoay quanh những chủ trương lớn của Đảng, chính sách của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (người ngồi giữa) chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân.Ảnh: TƯƠI HIỀN |
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân vừa diễn ra ngày 10/12/2019 tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các thành viên Chính phủ trao đổi trực tiếp với nông dân về các vấn đề nóng xoay quanh những chủ trương lớn của Đảng, chính sách của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Anh Nguyễn Thanh Tân- nông dân nuôi lươn (ở xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ- Vĩnh Long) vinh dự là 1/19 đại biểu nông dân đại diện cho hơn 12 triệu hội viên, nông dân cả nước đã có ý kiến tại hội nghị.
Từ việc riêng đến những vấn đề lớn của nông dân
Đại diện cho nông dân Vĩnh Long phát biểu ý kiến, anh Nguyễn Thanh Tân chia sẻ về mô hình sản xuất lươn giống bán nhân tạo và nuôi lươn thương phẩm của mình.
Anh nói: “Đây là nghề khá mới ở nước ta. Đặc biệt là nuôi lươn nước sạch không bùn. Nông dân chỉ cần diện tích rất nhỏ là 6 m2/hồ. Trong vòng 12 tháng có thể thu hoạch và doanh thu khoảng 80 triệu đồng, trừ chi phí, lời từ 20- 50 triệu đồng. Liên hệ đến “vấn đề thời sự của nông nghiệp” là tình hình dịch tả heo Châu Phi ảnh hưởng đời sống nông dân nuôi heo, một số hộ chưa tái đàn, anh cho rằng thay vì “treo chuồng” thì trong thời gian ngắn có thể tận dụng “các chuồng heo cũ chuyển đổi qua nuôi lươn rất tốt”.
Sau khi giới thiệu về mô hình đang thực hiện, anh Nguyễn Thanh Tân tiếp tục đặt câu hỏi về chính sách hỗ trợ nông dân: “Để phát triển bền vững ĐBSCL, Chính phủ đã có Nghị quyết 120. Nghị quyết này có ý nghĩa như thế nào và nông dân sẽ được hưởng lợi gì?”
Liên hệ trực tiếp đến chính sách hỗ trợ người nuôi lươn, anh Nguyễn Thanh Tân tiếp tục hỏi: “Hiện, các bộ- ngành đã lập quy hoạch, định hướng phát triển và có chính sách hỗ trợ cho nghề sản xuất lươn giống, nuôi lươn thương phẩm và chế biến các sản phẩm từ lươn hay chưa? Nếu có, chúng tôi có thể tiếp cận các sự hỗ trợ từ ban ngành nào? Thông tin lấy từ đâu?”
Anh cũng mạnh dạn đưa ra “bài toán về con lươn”: Nước ta có khoảng 100 hộ nuôi giống lươn nhân tạo và có 1 hộ khoảng 10 triệu con. Như vậy, 100 hộ sẽ có 1 tỷ con. Nếu chúng ta nuôi tốt, đạt khoảng 200 g/con thì có 200.000 tấn lươn thương phẩm, với giá khoảng 200.000 đ/kg, tương đương 40.000 tỷ đồng. Đây là con số không nhỏ so với các mặt hàng nông sản khác.
Từ đó, anh mạnh dạn đề xuất: “Tôi mong muốn qua hội nghị này, Chính phủ chú ý hỗ trợ người nuôi lươn, trong đó có lươn giống để chúng tôi phát triển nghề và cung cấp cho bà con để phát triển kinh tế”.
Nông dân Vĩnh Long phát biểu tại buổi đối thoại. |
Cách đây 10 năm, anh Nguyễn Thanh Tân đã quyết định từ bỏ công việc tốt với vị trí cao có mức thu nhập đáng mơ ước (30 triệu đồng/tháng) để về quê làm nông dân với thôi thúc “mình đi làm thuê được, sao không góp trí lực của mình để làm giàu cho quê hương?” Sau nhiều lần thất bại nặng nề, anh vẫn không bỏ cuộc.
Mô hình nuôi lươn giống bán nhân tạo kết hợp nuôi lươn thương phẩm của anh đang cho hiệu quả cao. Hiện anh đang mở rộng quy mô và không ngừng cập nhật kiến thức, công nghệ mới để cải tiến, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm. Vừa qua, anh là 1 trong số 63 nông dân tiêu biểu của cả nước đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2019.
Những chia sẻ suy tư của anh Nguyễn Thanh Tân cũng như của 19 đại biểu nông dân đại diện cho hơn 12 triệu hội viên, nông dân cả nước với 53 câu hỏi đã tập trung vào những vấn đề “nóng” của nông nghiệp, nông thôn hiện nay.
Cụ thể, bà con thắc mắc, băn khoăn về cơ chế hỗ trợ, quy hoạch vùng nuôi, liên kết sản xuất, về hỗ trợ các yếu tố sản xuất, vốn, giống, thức ăn và đặc biệt là quy hoạch rõ hơn các vùng… Bà con nông dân cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng được mùa rớt giá, tình trạng phân bón, thuốc trừ sâu giả, về xuất khẩu lao động ở nông thôn, vấn đề môi trường, công tác dự báo còn yếu kém…
Lắng nghe những chia sẻ của nông dân- trong đó phần lớn thể hiện cái nhìn mới, cách làm mới và tư duy hội nhập, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao tâm huyết, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của nông dân.
Cần một lớp nông dân đổi mới
Liên quan đến phần trả lời giải đáp thắc mắc của anh Nguyễn Thanh Tân và các đại biểu nông dân khác về phát triển bền vững ĐBSCL, phát triển nông nghiệp... Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: Lươn là món ăn tốt cho sức khỏe, các mô hình nông nghiệp hiệu quả cần quan tâm hỗ trợ.
Cơ sở Lươn giống Thanh Tân của anh Nguyễn Thanh Tân đang mở rộng quy mô. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Về phát triển bền vững ĐBSCL, Thủ tướng đã dành khá nhiều thời gian để thông tin về Nghị quyết 120. Theo đó, Thủ tướng đã phân công các bộ, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 120, biến vùng đầy tiềm năng, thách thức trở nên phát triển bền vững và giàu có.
“Còn nhiều vấn đề tồn tại trong sản xuất nông nghiệp của cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng. Thời gian ngắn không thể giải quyết chi tiết thấu đáo tất cả các câu hỏi, nhưng qua buổi thảo luận hôm nay có thể hình dung một cách hệ thống hơn những vấn đề bà con nông dân quan tâm”- Thủ tướng nói vậy và yêu cầu trên trang web của Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên- Môi trường, Bộ Nông nghiệp- PTNT, Hội Nông dân Việt Nam nên có thông tin rõ ràng hơn về thị trường, về dự báo các khả năng xảy ra, đặc biệt về các cơ chế hỗ trợ đối với những sản phẩm nông nghiệp chủ lực, liên quan đến công tác quy hoạch, thị trường hoặc các yếu tố đầu vào của sản xuất.
Đồng thời, cần nêu rõ những sản phẩm vật tư hóa chất nào trong bảo vệ thực vật được phép sử dụng vì vấn đề này liên quan đến an toàn thực phẩm, uy tín thương hiệu Việt Nam…
Thủ tướng nêu rõ, các cơ quan liên quan cần chủ động rà soát các thủ tục liên quan đến hoạt động của nông dân như thủ tục vay vốn, thủ tục nhận hỗ trợ, hướng dẫn nông dân phát triển thương mại điện tử. Thủ tướng yêu cầu sau hội nghị đối thoại, các bộ, ngành, địa phương phải có những chuyển biến thực chất, tạo thuận lợi cho bà con nông dân sản xuất, kinh doanh có hiệu quả hơn.
Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương hướng dẫn nông dân, nhất là ngành nông nghiệp sản xuất theo chuỗi, ứng dụng công nghệ, phát triển mạnh mẽ nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch.
“Một câu hỏi lớn là nông dân phải làm gì để cùng Nhà nước thực hiện câu nói của Bác Hồ: Nông dân giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”- Thủ tướng trích dẫn câu nói của Bác Hồ và khẳng định: “Và tại đây chúng ta có một yêu cầu đặt ra, đất nước Việt Nam chúng ta cần một lớp nông dân đổi mới” như không để đất manh mún, nhỏ lẻ. Nông dân cần nâng cao học vấn và kiến thức, không những kiến thức khoa học công nghệ mà cả kiến thức về thị trường để sản xuất có hiệu quả hơn.
“Nông dân của chúng ta phải cứu mình trước khi đòi hỏi Nhà nước cứu mình”- Thủ tướng cũng đặt vấn đề về tinh thần tự lực, tự cường của nông dân Việt Nam.
XUÂN TƯƠI- TUYẾT HIỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin