Đưa nông sản chủ lực, sản phẩm đặc trưng của tỉnh lên sàn thương mại điện tử không chỉ mở ra cánh cửa tiêu thụ mới cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã (HTX) mà còn tạo cơ hội cho người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm chất lượng, nguồn gốc rõ ràng.
Đưa nông sản chủ lực, sản phẩm đặc trưng của tỉnh lên sàn thương mại điện tử không chỉ mở ra cánh cửa tiêu thụ mới cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã (HTX) mà còn tạo cơ hội cho người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm chất lượng, nguồn gốc rõ ràng.
Sàn giao dịch nông sản Vĩnh Long đứng đầu (tốp 1) tìm kiếm google với từ khóa “nông sản Vĩnh Long”. |
Cầu nối điện tử cho cung và cầu
Theo nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hiện nay, thương mại điện tử đã trở thành phương thức giao dịch quen thuộc trên thế giới và đang ngày càng phát triển tại Việt Nam. Do đó, việc đưa sản phẩm, nông sản lên sàn giao dịch sẽ mang lại cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp địa phương trong quảng bá, mở rộng thị trường.
Đặc biệt, cách làm mới này không chỉ giúp doanh nghiệp, nhà sản xuất nhỏ lẻ giảm chi phí bán hàng, nâng sức cạnh tranh cho hàng hóa và tiếp cận người tiêu dùng hiệu quả mà về phía người tiêu dùng, sẽ được mua hàng thuận tiện hơn và dễ dàng lựa chọn những loại đặc sản từ các tỉnh xa mà không cần phải mất thời gian đi lại mua sắm.
Nhận thấy được nhu cầu này, Sở Nông nghiệp- PTNT đã có nhiều cách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX tiếp cận với sàn giao dịch điện tử để quảng bá nông sản, sản phẩm đến các nhà phân phối lớn, người tiêu dùng.
Bà Đoàn Ngọc Thanh Xuân- Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin nông nghiệp nông thôn (Sở Nông nghiệp- PTNT) cho biết: Với dự án Phát triển thương mại điện tử cho nông sản chủ lực và các sản phẩm đặc trưng nổi tiếng của tỉnh giai đoạn 2018- 2020, thời gian qua, trung tâm đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại điện tử và mời gọi doanh nghiệp ký hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản đã được hỗ trợ truy xuất nguồn gốc.
Bên cạnh đó, giúp nông dân, doanh nghiệp, HTX nắm bắt nhanh nhất diễn biến và nhu cầu của thị trường, từ đó chủ động hơn trong định hướng kế hoạch sản xuất, giúp giảm chi phí, nâng cao năng suất và thu nhập thông qua phân tích thị trường từ chuyên gia dưới hình thức tin nhắn điện thoại,... Đồng thời, thông qua sàn giao dịch, người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận giao dịch hàng hóa, sản phẩm chủ lực như trái cây, gạo, sản phẩm đặc trưng của tỉnh,...
Nhận thức được lợi ích của sàn thương mại điện tử, không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX đã chủ động tìm đến các sàn giao dịch để đăng ký. Nhờ đó, nhiều đơn vị cũng đã tìm được đầu ra cho mình, tiếp cận được các kênh phân phối lớn.
Cụ thể như, HTX Chôm chôm Java Tân Khánh (xã Tích Thiện- Trà Ôn) thông qua kênh thông tin của sàn giao dịch, đã liên kết giao thương và ký hợp đồng 26 tấn chôm chôm, HTX Sản xuất- dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt (xã Trung Ngãi- Vũng Liêm) thông qua sàn giao dịch đã tiếp nhận trên 40 thông tin liên hệ mua sản phẩm tại các tỉnh miền Bắc- Trung- Nam và cũng đã thực hiện ký kết bán hàng trên 2 tấn gạo,...
Ông Võ Văn Bê- Giám đốc HTX Chôm chôm Java Tân Khánh phấn khởi nói: Từ khi tham gia sàn giao dịch điện tử và được hỗ trợ thực hiện hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử, tôi thấy sản phẩm của HTX được thị trường đón nhận tích cực hơn, người mua cũng tin tưởng hơn, đối tác cũng được mở rộng, số lượng hàng hóa sản xuất, tiêu thụ cũng tăng đáng kể.
Nếu như năm 2018, thông qua kênh thông tin của sàn, chỉ hợp đồng được 6 tấn chôm chôm thì năm nay đã tăng gấp 4 lần. Một số doanh nghiệp đã chủ động liên hệ để trao đổi mua bán, hiện chôm chôm của HTX đã được bán ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Tích cực tham gia “sân chơi mới”
Dù mang lại nhiều lợi ích, thậm chí nhiều nơi còn trở thành phương thức kinh doanh chủ yếu, nhưng theo đánh giá của ngành chức năng, thương mại điện tử vẫn còn là sân chơi khá mới lạ, nhất là ở nông thôn.
“Với những người đã quen thuộc với quy trình sản xuất thủ công, không quá chú trọng hình thức, cách quảng bá, việc đầu tư để phát triển trên sân chơi này vẫn còn rất hạn chế. Trong khi đó, các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn nhân lực về công nghệ thông tin còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý, vận hành và triển khai phần mềm”- bà Đoàn Ngọc Thanh Xuân cho hay.
Ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Phước Thành IV- cho rằng: Hiện chiến lược phát triển nông sản của các tỉnh đều đang hướng đến phát triển nông sản bền vững, an toàn, có thể truy xuất nguồn gốc.
Nếu doanh nghiệp địa phương tham gia tốt ở lĩnh vực thương mại điện tử, khi ứng dụng thành công mô hình nông sản bền vững, họ sẽ dễ dàng đưa nông sản, đặc sản ra thị trường thế giới với giá thuận lợi nhất.
Đánh giá về tầm quan trọng của sàn giao dịch điện tử, ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho biết: Có thể thấy rằng, trong thời đại công nghiệp 4.0, việc đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử để hỗ trợ, mở rộng thị trường tiêu thụ đang thực sự trở thành một xu thế kinh doanh tất yếu, rất cần thiết.
Hiện nay, để kinh doanh nông sản, đòi hỏi nhiều yếu tố, ngoài việc sản xuất theo hình thức tập trung, có truy xuất nguồn gốc, mã code, đạt quy chuẩn an toàn thì việc giới thiệu sản phẩm cho các đối tác để ký kết rất quan trọng. Do đó, thời gian tới, cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được từ sàn giao dịch, thực hiện ngày càng đa dạng, năng động hơn.
Đồng thời, cần tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị có liên quan trong công tác triển khai, kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm trên thị trường. Bên cạnh đó, cần khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX triển khai truy xuất nguồn gốc điện tử, xây dựng website quảng bá sản phẩm để nâng cao tính minh bạch, tính cạnh tranh và phát triển bền vững thương hiệu.
Năm 2019, Trung tâm Thông tin nông nghiệp nông thôn (Sở Nông nghiệp-PTNT) đã thực hiện hỗ trợ xây dựng website cho 16 tổ chức, doanh nghiệp, HTX tích hợp trên trang sàn giao dịch nông sản điện tử. Tính đến nay, đã có 40 tổ chức, doanh nghiệp uy tín thực hiện quảng bá trên sàn giao dịch điện tử. Thông qua thông tin đăng tải của tổ chức, doanh nghiệp, trong năm đã nhận và trả lời trên 100 lượt yêu cầu tư vấn về nơi cung cấp thông tin chào mua, chào bán nông sản Vĩnh Long (tăng 30 lượt so với năm 2018). Sàn giao dịch nông sản Vĩnh Long đang đứng đầu (tốp 1) tìm kiếm google với từ khóa “nông sản Vĩnh Long”. |
Bài, ảnh: TRÀ MY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin