Kết quả thực hiện mô hình nuôi gà theo hướng an toàn sinh học tại địa bàn TP Vĩnh Long đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, thích hợp để nhân rộng, tạo tiền đề hình thành chuỗi liên kết sản xuất- tiêu thụ.
Kết quả thực hiện mô hình nuôi gà theo hướng an toàn sinh học tại địa bàn TP Vĩnh Long đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, thích hợp để nhân rộng, tạo tiền đề hình thành chuỗi liên kết sản xuất- tiêu thụ.
Mô hình nuôi gà theo hướng an toàn sinh học cho hiệu quả kinh tế cao. |
Thích hợp nhân rộng
Mô hình trên được triển khai trong năm nay tại 11 hộ thuộc 3 xã Trường An, Tân Ngãi, Tân Hòa (TP Vĩnh Long). Mỗi mô hình 300 con giống gà Bình Định nuôi trên nền chuồng có đệm lót vi sinh.
Đánh giá của Trạm Khuyến nông TP Vĩnh Long, trong quá trình triển khai mô hình, các hộ tham gia thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nuôi nhốt có sử dụng đệm lót sinh học.
Chuồng trại đảm bảo vệ sinh, thực hiện tiêu độc khử trùng định kỳ, không gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, giai đoạn úm chuồng trại luôn khô ráo vì đệm lót luôn sinh nhiệt nên gà phát triển tốt, ít bệnh. Người nuôi chỉ việc đổ thức ăn cho gà ăn, không phải dọn chuồng nên bà con có thể làm việc khác.
Tham gia mô hình này, bà Phan Thị Thanh Nga (ấp Vĩnh Hòa, xã Tân Ngãi) cho biết: “Tôi đã xây dựng chuồng trại rộng 60m2, sử dụng đệm lót sinh học bằng trấu trộn với men sinh học Balasa cùng 300m2 vườn có rào lưới xung quanh để gà kiếm ăn, tắm nắng. Để giảm chi phí, tôi mua thêm gạo lứt, lúa, rau xanh trộn với thức ăn công nghiệp.
Bà Nga đã thực hiện phòng trị bệnh cho gà theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, chủ yếu tiêm phòng một số bệnh nguy hiểm cho gà như: gumboro, cúm, tụ huyết trùng, dịch tả,… trong suốt quá trình nuôi nên không xảy ra dịch bệnh trên đàn gà của bà.
Nhờ đó, tỷ lệ gà nuôi sống đạt 95%, chỉ hao hụt 15 con. Hiện trọng lượng gà bình quân đạt 1,7kg, giá bán 65.000 đ/kg. Sau khi trừ chi phí, bà Nga còn lời trên 8,2 triệu đồng. Với kết quả này, bà Nga cho biết sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này trong thời gian tới.
Ông Lê Văn Tấn (ấp Tân Nhơn, xã Tân Hòa) thì khá tâm đắc khi sử dụng men sinh học Balasa làm đệm lót gà ít bệnh và phát triển tốt. Sau 3 tháng nuôi, gà trống 2,5 kg/con, gà mái từ 1,7- 1,8 kg/con. Với giá bán 65.000 đ/kg, lợi nhuận ông Tấn thu được trên 10 triệu đồng.
Ông Trần Trung Nghĩa (ấp Vĩnh Hòa, xã Tân Ngãi) chia sẻ kinh nghiệm ngâm lúa trộn với men vi sinh cho gà ăn thì gà ít bệnh đường ruột.
Hàng tuần, ông phun thuốc sát trùng xung quanh chuồng trại để đề phòng dịch bệnh nên đàn gà của ông khỏe mạnh, phát triển tốt, bán được giá, lợi nhuận cao. Ông Nghĩa cho biết sẽ tiếp tục đầu tư mô hình này với quy mô 1.000 con gà trong lứa nuôi tới.
Hướng đến liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ
Sẽ ký kết chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ gà. |
Mô hình nuôi gà theo hướng an toàn sinh học được Nhà nước hỗ trợ 100% tiền mua con giống, 30% tiền thức ăn, chế phẩm sinh học Balasa thực hiện mô hình cùng toàn bộ chi phí tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hội thảo nhân rộng mô hình.
Người dân đối ứng 70% tiền mua thức ăn và góp vào chuồng nuôi, công chăm sóc nuôi dưỡng, vật tư khác phục vụ cho mô hình. Kinh phí hỗ trợ 1 mô hình 10,7 triệu đồng. Người nuôi đối ứng 11,5 triệu đồng.
Hạch toán kinh tế cho một điểm nuôi 300 con theo hướng an toàn sinh học trong 3 tháng: hao hụt bình quân 13 con, trọng lượng bình quân 1,7 kg/con. Giá bán gà thịt 60.000 đ/kg thì với 287 con còn lại, người dân có lời gần 7 triệu đồng.
Từ hiệu quả chăn nuôi khả quan, ông Trần Trung Nghĩa đề nghị sớm hình thành tổ hợp tác chăn nuôi gà để nâng cao hiệu quả chăn nuôi.
Giải đáp kiến nghị này, ông Nguyễn Văn Lục- Trưởng Trạm Khuyến nông TP Vĩnh Long- thông tin, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ trứng vịt, sắp tới đây sẽ ký kết chuỗi lươn và gà. Mô hình liên kết chuỗi từ con giống thức ăn đầu vào đến sản phẩm đầu ra có cơ sở thu mua với giá cao hơn giá thực tế tại địa phương.
Ông Nguyễn Văn Lục khuyến nghị địa phương tiếp tục tuyên truyền phát triển mô hình, người chăn nuôi tiếp tục nhân rộng, tiến tới hình thành tổ hợp tác để có sản lượng lớn, chất lượng cao, tạo cơ sở để hình thành chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ, nâng cao hiệu quả chăn nuôi.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Châu- Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Ngãi- khẳng định Hội Nông dân xã sẽ sát cánh cùng những hộ tham gia mô hình tiếp tục duy trì, mở rộng mô hình cũng như tích cực tuyên truyền vận động cho những hộ khác thực hiện theo.
Để chăn nuôi đạt hiệu quả, bà Lâm Thị Thảo Trang- Phó Phòng Kinh tế TP Vĩnh Long- cho rằng, việc chuyển đổi vật nuôi sang gà, vịt cần thực hiện theo hướng an toàn sinh học và tiêm phòng đầy đủ. Khuyến khích chăn nuôi tập trung để có hướng xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân.
Bài, ảnh: THANH LIÊM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin