Từ sự hỗ trợ của khuyến công địa phương, nhiều doanh nghiệp (DN) đã được "tiếp sức" về vốn lẫn năng lực quản lý, xây dựng thương hiệu, tạo động lực cho DN vượt qua khó khăn. Từ đó, giúp DN nâng cao năng lực sản xuất, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Từ sự hỗ trợ của khuyến công địa phương, nhiều doanh nghiệp (DN) đã được “tiếp sức” về vốn lẫn năng lực quản lý, xây dựng thương hiệu, tạo động lực cho DN vượt qua khó khăn. Từ đó, giúp DN nâng cao năng lực sản xuất, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Nguồn vốn khuyến công đã tạo đòn bẩy giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất. |
DN được “tiếp sức”
Với đa dạng các hình thức hỗ trợ, từ trực tiếp như: hỗ trợ đầu tư máy móc hiện đại vào sản xuất, mô hình trình diễn, thành lập DN đến gián tiếp như: bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; tham gia quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm,…, thời gian qua, hoạt động khuyến công đã thực sự là nguồn hỗ trợ, động viên quan trọng đối với các DN.
Là một trong những DN được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, anh Trần Sỹ Tuấn- Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu JISTEEL (xã Tân Phú- Tam Bình), chia sẻ: “Công ty chuyên sản xuất cung cấp sản phẩm đinh công nghiệp phục vụ thị trường miền Tây và Đông Nam Bộ.
Trước đây, với các trang thiết bị hiện có, công ty vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về số lượng và chất lượng của sản phẩm. Và chính nhờ sự hỗ trợ kịp thời của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương) từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, công ty đã được hỗ trợ đầu tư 2 máy dập đinh, 2 máy kéo dây mâm, giúp DN sản xuất ra thị trường nhiều sản phẩm đa dạng, chất lượng hơn, đáp ứng thị trường trong và ngoài tỉnh”.
Tương tự, năm 2019, hộ kinh doanh- cơ sở sản xuất bún Ba Khánh cũng đã được hỗ trợ đầu tư mới 2 máy sản xuất bún tươi tiết kiệm nước từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia.
Theo đó, máy sản xuất bún đã giúp cơ sở tự động hóa quy trình sản xuất được 50%, tăng năng suất khoảng 40%; tiết kiệm được 80% lượng nước sử dụng, rút ngắn thời gian sản xuất, giảm bớt công lao động, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.
Bà Lư Thị Hồng Ly- Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp- cho biết: Năm 2019, trung tâm đã hỗ trợ cho gần 30 DN, cơ sở trên địa bàn tỉnh với nguồn vốn khuyến công khoảng 3 tỷ đồng.
Trong đó, các đề án hỗ trợ DN được triển khai thực hiện, không chỉ khuyến khích các cơ sở DN trên địa bàn tỉnh đầu tư, đổi mới máy móc thiết bị tiên tiến phục vụ sản xuất, góp phần thực hiện công nghiệp hóa- hiện đại hóa ngành công nghiệp tỉnh nhà mà còn giúp DN nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó còn góp phần sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ một cách hiệu quả.
Ông Trương Thanh Sử- Phó Giám đốc Sở Công thương- cho biết: Thời gian qua, để hỗ trợ cho các DN trong tỉnh có điều kiện sản xuất kinh doanh thuận lợi, sở đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp nắm bắt nhu cầu của các cơ sở để có sự hỗ trợ kịp thời về máy móc, thiết bị sản xuất, giúp DN cải thiện mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm hoặc hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu,…
“Nhìn chung, hiện nay các DN được hỗ trợ đã có chiến lược kinh doanh, marketing dài hạn. Nhiều thương hiệu không chỉ có mặt ở nhiều tỉnh thành trên cả nước mà còn vươn ra thế giới, tạo uy tín và động lực cho các DN phát triển giao thương- ông Trương Thanh Sử đánh giá.
Để là đòn bẩy hiệu quả
Có thể thấy, hoạt động khuyến công đã mang lại hiệu quả kinh tế- xã hội đáng kể, thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế- lao động theo hướng công nghiệp hóa.
Các hoạt động khuyến công thực sự góp phần giúp các DN quảng bá giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ tư vấn đầu tư, chuyển giao công nghệ, đổi mới kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến, nhân rộng.
Trong đó, việc hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất đã góp phần khuyến khích các đơn vị khác trên địa bàn ứng dụng máy móc thiết bị để sản xuất sản phẩm mới có chất lượng cao, tiết kiệm nhiên- nguyên vật liệu, năng lượng, ứng dụng công nghệ cao, tiến tới xóa bỏ công nghệ thủ công, lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, dù đạt được nhiều kết quả thiết thực, nhưng việc xây dựng kế hoạch, đề án kinh phí khuyến công địa phương vẫn còn hạn chế. Bởi đa phần các cơ sở, DN hoạt động sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh đều mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ.
Trong đó, phần lớn các DN, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn hiện đang gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, mở rộng sản xuất, sản phẩm còn đơn điệu, thị trường tiêu thụ sản phẩm còn nhỏ lẻ, còn phát triển theo hướng tự phát.
Các chủ cơ sở, DN cũng chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng và lợi ích thiết thực từ hoạt động khuyến công. Trình độ quản lý của không ít chủ DN còn hạn chế, thiếu chủ động tiếp cận các hoạt động khuyến công, thiếu chủ động nghiên cứu xây dựng đề án.
Do đó, để hỗ trợ cho DN, ông Nguyễn Đỗ Hoàng Anh Thy- Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp- cho biết: Trong thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục đồng hành cùng các DN, cơ sở công nghiệp nông thôn nắm bắt nhu cầu, khó khăn để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn tạo động lực phát triển, tăng quy mô sản xuất góp phần chuyển dịch kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp để phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh: THẢO LY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin