Hiện các địa phương vùng ĐBSCL đang định vị và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp mang đậm bản sắc của địa phương. Trong đó, khai thác, nâng cao giá trị các sản phẩm thế mạnh qua việc nâng chất lượng, tăng chế biến, xây dựng thương hiệu… đang diễn ra mạnh mẽ. Điều này thể hiện rõ qua việc các ý tưởng, dự án khởi nghiệp từ sản phẩm địa phương nối tiếp nhau ra đời và gặt hái thành công.
Hiện các địa phương vùng ĐBSCL đang định vị và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp mang đậm bản sắc của địa phương. Trong đó, khai thác, nâng cao giá trị các sản phẩm thế mạnh qua việc nâng chất lượng, tăng chế biến, xây dựng thương hiệu… đang diễn ra mạnh mẽ. Điều này thể hiện rõ qua việc các ý tưởng, dự án khởi nghiệp từ sản phẩm địa phương nối tiếp nhau ra đời và gặt hái thành công.
Sản phẩm bánh từ khoai lang của anh Nguyễn Văn Việt xuất sắc vào chung kết cuộc thi Dự án Khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn 2019. |
Khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa là chủ đề thu hút sự quan tâm của các bộ ngành địa phương, trong đó có vùng ĐBSCL nhằm tận dụng và khai thác những lợi thế về tài nguyên mang bản sắc của mỗi địa phương, biến những tài nguyên bản địa thành những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có thương hiệu mạnh, giá trị cao, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế- xã hội của từng địa phương và sự phát triển chung của vùng ĐBSCL.
Mới đây (7/11/2019), trong khuôn khổ Diễn đàn Mekong Connect 2019 tổ chức tại TP Cần Thơ, hội thảo chuyên đề “Liên kết khởi nghiệp và phát triển trên nền tài nguyên bản địa” đã được tổ chức.
Tại hội thảo, các diễn giả đã chia sẻ nhiều ý kiến tâm huyết liên quan đến liên kết khởi nghiệp. Trong đó, nhấn mạnh đến giải pháp hình thành các vùng nguyên liệu, ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm hướng tới đổi mới sản xuất nông nghiệp từ “tư duy sản xuất” sang “tư duy kinh tế”…
Theo đó, phát triển các hình thức chế biến nông sản, xây dựng và quảng bá thương hiệu; quan tâm phát triển nguồn nhân lực trẻ… Theo các diễn giả, thực hiện tốt các vấn đề trên thì nông sản không còn bán thô mà sẽ bán được giá cao, không lãng phí tài nguyên.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập cho biết: Nếu 3 năm trước khởi nghiệp vẫn còn là khái niệm xa lạ thì hiện Bến Tre đã xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp tương đối hoàn chỉnh.
Vừa ban hành chính sách, vừa truyền thông, khơi dậy nhu cầu làm giàu chính đáng, khơi dậy tình yêu quê hương. Bên cạnh, các chuyên gia, đơn vị hỗ trợ đã truyền cảm hứng để Bến Tre xác định “tài nguyên bản địa” của mình là gì, từ đó tìm ra và biết cách phát huy nội lực của mình.
Với cách tiếp cận đó cùng với sự quyết tâm vào cuộc của mọi cấp, mọi giới, Bến Tre ngày càng xuất hiện nhiều dự án khởi nghiệp, mô hình đổi mới sáng tạo. Với những lợi thế đang có, chúng tôi kỳ vọng “tài nguyên bản địa” của quê hương Đồng Khởi khi liên kết với các tỉnh, kết hợp sức mạnh công nghệ, trí tuệ”… sẽ tạo ra sức mạnh mới, giá trị mới cho ĐBSCL.
Tại Vĩnh Long, Chương trình khởi nghiệp của tỉnh có sự quan tâm, lãnh chỉ đạo tổ chức thực hiện của các cấp ủy đảng, các ngành, các địa phương. Các hoạt động đổi mới sáng tạo được các doanh nghiệp quan tâm thực hiện.
Các sản phẩm sử dụng nguyên liệu địa phương của Công ty TNHH 1TV Bột Đại Nam (TP Vĩnh Long). |
Hoạt động nghiên cứu khoa học- công nghệ được chủ động triển khai, đảm bảo chất lượng, góp phần đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển tài sản trí tuệ, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Trong đó, có sự góp sức không nhỏ của những ý tưởng, dự án khởi nghiệp trên quê hương và đổi mới sáng tạo phát triển tài nguyên bản địa.
Mới đây, tại vòng bán kết 1 vùng ĐBSCL của cuộc thi Dự án Khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn diễn ra vào tháng 10/2019, Vĩnh Long có 1/10 dự án xuất sắc vào chung kết. Đó là sản phẩm bánh từ khoai lang của Tăng Thị Cẩm Hằng và Nguyễn Văn Việt (Công ty TNHH 1TV Bánh Nhật Ngọc ở huyện Long Hồ).
Theo BTC, các dự án không chỉ mang tính khả thi cao trong khai thác giá trị tài nguyên bản địa mà còn độc đáo, có sức lan tỏa đến cộng đồng.
Chủ nhân của dự án- anh Nguyễn Thanh Việt- thừa nhận: “Bản thân có rất nhiều trăn trở về nguồn tài nguyên bản địa của quê hương Vĩnh Long, trong đó có khoai lang. Qua quá trình tìm hiểu và thử nghiệm, đã có các loại bánh mà tôi đã sử dụng khoai lang để chế biến rất phù hợp như bánh hạnh phúc, bánh trung thu, bánh cooki, chè, bánh canh, bánh phồng,…
Định hướng sắp tới, chúng tôi sẽ ra mắt thêm những dòng sản phẩm từ khoai lang. Công ty cũng cần có những nơi dành cho các bạn khởi nghiệp cùng đồng hành… Chúng tôi rất quan tâm các giải pháp cụ thể của tỉnh để hỗ trợ cho các bạn như chính sách về đất đai, khởi nghiệp hoặc xúc tiến thương mại cho dòng sản phẩm này… để đồng hành cùng các doanh nhân trẻ, giúp cho chúng tôi có nhiều động lực để phát triển mạnh hơn trong thời gian tới”.
Quan tâm những ý tưởng, dự án khai thác tài nguyên bản địa, nguyên liệu tại địa phương, ông Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh- cho hay:
“Chúng tôi thường xuyên tiếp xúc với các bạn trẻ khởi nghiệp thì thấy các bạn rất khát khao, hăng hái trong việc tạo ra các sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm sử dụng nguyên liệu địa phương. Tôi nghĩ rằng, những ý tưởng, dự án khai thác tài nguyên bản địa, nguyên liệu tại địa phương cần được quan tâm hỗ trợ bởi hiện nay làm ra sản phẩm không quá khó nhưng làm sao đưa được những sản phẩm đó ra thị trường, cách thức như thế nào mới là chuyện quan trọng.
Khai thác tài nguyên bản địa đang trở thành lựa chọn của nhiều bạn trẻ trên con đường khởi nghiệp, tuy nhiên, đây là con đường không dễ đi và còn nhiều thử thách. Ông Nguyễn Tường Nam cho rằng, lực lượng doanh nhân hiện có và các bạn trẻ đang ấp ủ dự định khởi nghiệp thì cần lựa chọn “nhấn trọng tâm” vào khai thác về giá trị văn hóa lịch sử, giá trị tài nguyên địa phương...
Trong đó, vai trò chính quyền, của các hiệp hội không chỉ hỗ trợ mà là truyền cảm hứng, nuôi dưỡng cảm hứng, tạo niềm tin để các bạn dấn thân sâu hơn vào phát triển ý tưởng, dự án khởi nghiệp.
Vĩnh Long là “vương quốc” khoai lang với sản lượng lớn hàng trăm ngàn tấn/năm, đây là tiềm năng lớn để tạo ra sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Chúng tôi đã nghiên cứu và đưa ra thị trường một số dòng sản phẩm từ khoai lang, mong muốn góp phần nâng giá trị sản phẩm này, góp phần quảng bá hình ảnh, sản phẩm đặc trưng của tỉnh Vĩnh Long đến với du khách. |
Bài, ảnh: SÔNG HẬU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin