Doanh nghiệp bắt tay liên kết tìm đầu ra

04:11, 20/11/2019

Không chỉ là dịp để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, các chương trình kết nối cung cầu còn mở ra cho doanh nghiệp (DN) cơ hội lớn về tìm hiểu thị trường, tìm kiếm đối tác. Từ đó, DN cung ứng và đơn vị thu mua sẽ hiểu nhau, dễ dàng kết nối với nhau hơn.

Không chỉ là dịp để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, các chương trình kết nối cung cầu còn mở ra cho doanh nghiệp (DN) cơ hội lớn về tìm hiểu thị trường, tìm kiếm đối tác. Từ đó, DN cung ứng và đơn vị thu mua sẽ hiểu nhau, dễ dàng kết nối với nhau hơn.

 

Các chương trình kết nối cung cầu giúp doanh nghiệp chủ động, mạnh dạn tìm kiếm thị trường tiêu thụ hơn.
Các chương trình kết nối cung cầu giúp doanh nghiệp chủ động, mạnh dạn tìm kiếm thị trường tiêu thụ hơn.

Để cung gặp cầu

Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương), thời gian qua, chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa giữa tỉnh Vĩnh Long và các tỉnh- thành trong cả nước đã góp phần tạo ra không gian trao đổi, mua bán giữa các DN với nhà sản xuất, cung ứng trong nước. Ðây cũng là tiền đề quan trọng hỗ trợ các loại đặc sản, nông sản thực phẩm an toàn của tỉnh mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Xúc tiến thương mại đã phối hợp hỗ trợ cho DN trong tỉnh tham gia nhiều hội chợ triển lãm, giao thương kết nối cung cầu tại ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh, Đông Nam Bộ, miền Trung, Tây Nguyên,... Theo đó, nhiều đơn vị, DN của tỉnh đã ký kết được các bản ghi nhớ với các nhà phân phối gồm mặt hàng như: trà khổ qua rừng, cam sành organics, đồ chơi gỗ- quà lưu niệm, khoai lang,...

Ông Hồ Trung Nghĩa- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại- cho biết, chương trình hợp tác, kết nối cung cầu hàng hóa giữa tỉnh Vĩnh Long và các địa phương sau nhiều năm triển khai đã khẳng định thương hiệu, tạo được sức lan tỏa lớn góp phần tạo ra nguồn cung sản phẩm đa dạng, chất lượng cho người tiêu dùng.

Theo đó, các mặt hàng, sản phẩm của tỉnh Vĩnh Long luôn được các đối tác tỉnh bạn quan tâm và đánh giá cao. Nếu biết chủ động nắm bắt cơ hội, DN sẽ tìm được đầu ra ổn định, có thể mở rộng mạng lưới phân phối trên nhiều tỉnh thành.

Nhiều DN cũng cho rằng, các chương trình kết nối cung cầu hàng hóa là nơi giao lưu giữa các nhà sản xuất và nhà phân phối, góp phần giúp DN định hướng hoạt động sản xuất chuyển dịch từ “sản xuất cái mình có” sang “sản xuất cái người tiêu dùng cần”. Đồng thời, giúp các đơn vị sản xuất, kinh doanh nắm bắt được tín hiệu thị trường, hình thành chuỗi liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng.

Bà Trần Thị Tố Lan- Phó Giám đốc Công ty TNHH 1TV Mỹ Thuật Tây Long (Long Hồ)- cho biết: “Tham dự hội nghị kết nối cung cầu là cơ hội rất tốt để công ty quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thương hiệu đến người tiêu dùng và các đối tác kinh doanh, các nhà phân phối lớn ở nhiều tỉnh- thành khác nhau, từ đó thương hiệu đồ chơi gỗ “Meo Meo” đã tiếp cận nhiều đến khách hàng và đã nhận được nhiều nhận xét tích cực từ khách hàng”.

Ông Trương Thanh Sử- Phó Giám đốc Sở Công thương- cho hay: Nhiều năm qua, các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu được DN quan tâm.

Nhờ tích cực tham gia kết nối, nhiều DN đã kết nối được với các hệ thống phân phối lớn như hàng thủ công mỹ nghệ, bún, gạo, kẹo,... Bên cạnh đó, các sản phẩm làng nghề cũng được quan tâm tham gia vào chuỗi cung ứng của thị trường lớn.

 

DN cần chủ động và chuyên nghiệp hơn

Tuy đạt được nhiều tín hiệu khả quan, song chương trình kết nối cung cầu cũng còn “vướng” ở một số vấn đề- theo Sở Công thương.

Theo ông Trương Thanh Sử, tuy DN cũng đã có cải thiện cả về chất và lượng sản phẩm nhưng hầu hết cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, sản xuất theo phương pháp thủ công nên việc kiểm định về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm rất khó đáp ứng yêu cầu của các nhà phân phối lớn, siêu thị.

Trong khi đó, sản xuất chế biến nông sản còn manh mún, nhỏ lẻ, phần lớn chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng đưa ra của các kênh tiêu thụ; hoạt động liên kết sản xuất của người dân thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác và DN còn hạn chế,... Điều này cũng khiến các đơn vị phân phối, nhà bán lẻ băn khoăn, còn ngại khi muốn đưa sản phẩm vào kênh phân phối của họ để tiếp cận với thị trường.

Đó là chưa kể, mặt dù tiềm năng phát triển sản phẩm thế mạnh của từng địa phương là rất cao nhưng vẫn chưa được khai thác triệt để và quảng bá đến người tiêu dùng. Công tác kết nối, hình thành chuỗi liên kết sản xuất- phân phối đến nay vẫn chưa bền vững.

Ðể chương trình kết nối cung- cầu hàng hóa đạt hiệu quả cao hơn, bên cạnh việc ngành chức năng cần đẩy mạnh thực hiện công tác phối kết hợp, có các giải pháp thiết thực hỗ trợ DN tìm đầu ra, thị trường thì DN cần nâng cao ý thức sản xuất, lấy chất lượng sản phẩm đặt lên hàng đầu, đầu tư công nghệ chế biến phù hợp, đầu tư về mẫu mã, bao bì để sản phẩm trở nên chuyên nghiệp hơn để nâng sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Ông Hồ Trung Nghĩa cho hay: Thời gian tới, Trung tâm Xúc tiến thương mại sẽ tăng cường công tác kết nối cung cầu giữa DN sản xuất trong tỉnh và hệ thống chuỗi siêu thị, nhà phân phối lớn, thường xuyên khảo sát tình hình sản xuất và tiêu thụ, nhu cầu mua bán của DN, góp phần đưa hàng hóa của tỉnh góp mặt trên thị trường.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh