Thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xã Nguyễn Văn Thảnh (Bình Tân) đã thành công trong việc vận động nhân dân đưa cây đậu nành rau xuống ruộng. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống người dân với mục tiêu đưa xã về đích nông thôn mới (NTM) vào cuối năm nay.
Thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xã Nguyễn Văn Thảnh (Bình Tân) đã thành công trong việc vận động nhân dân đưa cây đậu nành rau xuống ruộng. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống người dân với mục tiêu đưa xã về đích nông thôn mới (NTM) vào cuối năm nay.
Cây đậu nành rau vừa được nông dân thu hoạch xong và chuẩn bị đưa lên xe vận chuyển đến công ty. |
Cây đậu nành rau cho lời cao
Trên tuyến Đường tỉnh 908, chúng tôi thấy anh Nguyễn Thanh Hồng (ấp Hòa An) đang chuyển các bao đậu nành rau ra đường và chờ xe tải đến nhận hàng.
Quệt mồ hôi, anh Hồng cho biết: “Đây là vụ thứ 4 tui trồng đậu nành rau. Vụ đầu tui trồng thử nghiệm trên 3 công, thấy có hiệu quả tui tăng diện tích từ từ, đến nay đã trồng hết 18 công tầm lớn”.
Những vụ trước, anh Hồng trồng đạt 1,2- 1,3 tấn/công, nhưng vụ này mưa nhiều, cây rụng lá, khó phát triển nên thu hoạch chỉ 1 tấn/công. Song, so với trồng lúa, cây đậu nành rau vẫn cho thu nhập cao hơn. “Sau 65 ngày trồng, tui lời chắc từ 3 triệu đồng/công trở lên”- anh Hồng nói.
Qua vận động của chính quyền địa phương và đến tham quan các mô hình trồng đậu nành rau của bà con trong xã, ông Nguyễn Văn Tư (ấp Hòa Thạnh) đã chuyển hẳn 15 công ruộng sang trồng đậu nành rau. Tuy mới trồng vụ đầu tiên nhưng đã cho năng suất cao (1,2 tấn/công).
Theo ông Tư, để trồng đậu nành rau mang lại hiệu quả, ông đã dành nhiều thời gian học hỏi kinh nghiệm và chăm sóc cây rất kỹ. So với trồng lúa, mô hình này đang đem lại lợi nhuận khá, nếu có kinh nghiệm có thể lời 5 triệu đồng/công/vụ trở lên. Sau 7 ngày bán, công ty thu mua sẽ trả tiền vô tài khoản.
Trái đậu nành rau hiện được một công ty ở An Giang bao tiêu với giá 10.500 đ/kg. Sau khi công ty nhận hàng đem về và phân tích mẫu, nếu hàng đạt chuẩn (không nhiễm chất cấm), trái đẹp, công ty sẽ thưởng thêm 250 đ/kg. Nếu hàng không đạt chất lượng thì công ty sẽ mua với giá rẻ thậm chí là không mua.
Mô hình đậu nành rau đang được nông dân xã Nguyễn Văn Thảnh trồng theo hướng an toàn, trong đó chú trọng sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu hữu cơ và sinh học.
Lợi ích của mô hình là giúp cải tạo đất bạc màu, tập dần cho nông dân thói quen trồng rau sạch nhằm bảo vệ môi trường và sức khỏe cho người dân. Đồng thời, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.
Để thu hoạch được 5 công đậu nành rau, ông Tư cần đến cả trăm lao động/ngày. Hiện, giá nhân công vác đậu là 300.000 đ/ngày, còn nhân công chặt cây và hái trái được trả 2.500 đ/kg trái, người làm chậm cũng được trả công 180.000 đ/ngày, cá biệt có người làm giỏi được trả 600.000 đ/ngày công.
So với thu hoạch khoai lang thì việc thu hoạch đậu nành rau nhẹ công hơn nhiều, ngồi lặt đậu nành rau cũng sạch sẽ hơn lựa khoai, nhưng “quan trọng là có tiền nhiều hơn nên ai cũng mê”- ông Tư nói.
Đạt 16/19 tiêu chí NTM
Cây đậu nành rau đang đem lại thu nhập khá cho nông hộ. |
Mô hình trồng đậu nành rau được triển khai từ vụ lúa Đông Xuân 2019, bước đầu chỉ có 5 hộ nông dân ký hợp đồng xuống giống gần 5ha, đến nay đã có 11 hộ tham gia với diện tích 11,5ha.
“Hiện, địa phương đang khuyến khích nông dân chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng đậu nành rau, song sẽ không chuyển đổi ồ ạt mà chuyển đổi từ từ với lịch xuống giống và thu hoạch theo định hướng của địa phương để tránh tình trạng thiếu hụt nhân công lao động khi vào vụ”- Phó Bí thư Đảng ủy xã- Nguyễn Ngọc Tuân cho biết.
Khi tham gia mô hình, nông dân có thể cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và được mua chịu giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật đến thu hoạch mới trả. Khi trồng có vấn đề gì thì chỉ cần “a lô” là được công ty cử người xuống hỗ trợ liền. Bên cạnh, giá cả ổn định nên nông dân có thể an tâm sản xuất, “so với trồng lúa thì đậu nành rau vẫn lời hơn”- ông Nguyễn
Ngọc Tuân nói.
Ông Nguyễn Khắc Bình- Chủ tịch UBND xã, Trưởng BCĐ xây dựng NTM xã- cho biết: Thời gian qua, việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực. Hiện xã đang vận động dân chuyển sang trồng cây đậu nành rau theo quy trình sử dụng phân hữu cơ, chủ yếu tập trung ở các ấp Hòa Bình, Hòa An, Hòa Thuận.
Bên cạnh, xã còn đề ra các giải pháp về đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động và vận động nhân dân cải tạo vườn tạp, đồng thời phát triển mô hình nuôi ếch thâm canh ở ấp Hòa Thuận, nuôi trăn ấp Hòa Thạnh, nuôi rắn ấp Hòa Bình… với mục tiêu phấn đấu đến cuối năm thu nhập bình quân đầu người đạt từ 45 triệu đồng/năm trở lên.
Theo Chủ tịch UBND xã- Nguyễn Khắc Bình, đến nay xã đã xây dựng đạt 15/19 tiêu chí, còn lại tiêu chí thu nhập đang chờ điều tra vào đầu tháng 10/2019; các tiêu chí trường học, y tế, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật đến nay đã gần đạt. Như vậy, đường về đích NTM của xã đã không còn xa.
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin