Kinh tế tập thể phải đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế

02:10, 22/10/2019

Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002, Hội nghị Trung ương 5 khóa IX, Vĩnh Long đã ban hành nhiều kế hoạch tiếp tục đổi mới và phát triển kinh tế tập thể (KTTT) với yêu cầu nâng cao nhận thức của người dân về vị trí, vai trò của KTTT, mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX), đồng thời phải đưa KTTT đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế địa phương.

Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002, Hội nghị Trung ương 5 khóa IX, Vĩnh Long đã ban hành nhiều kế hoạch tiếp tục đổi mới và phát triển kinh tế tập thể (KTTT) với yêu cầu nâng cao nhận thức của người dân về vị trí, vai trò của KTTT, mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX), đồng thời phải đưa KTTT đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế địa phương.

Vĩnh Long có vùng nguyên liệu lớn phù hợp phát triển loại hình hợp tác xã thủ công mỹ nghệ.
Vĩnh Long có vùng nguyên liệu lớn phù hợp phát triển loại hình hợp tác xã thủ công mỹ nghệ.

HTX nâng cao chất lượng hoạt động

Cụ thể, ngay sau khi Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 10/4/2016 của Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới và phát triển KTTT được ban hành, UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành kế hoạch thực hiện nghị quyết này giai đoạn 2016- 2020.

Kết quả đến nay cho thấy, dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng phát triển KTTT của tỉnh có nhiều tiến bộ, phần lớn các HTX tích cực vượt khó, phát huy nội lực sản xuất kinh doanh có hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế- xã hội địa phương.

Trong đó “3 cái nhất”, là: KTTT chú ý nhiều hơn về chất lượng chứ không chạy theo số lượng, nhất là hoạt động của các HTX được củng cố, mạnh dạn giải thể HTX yếu kém, không thực chất; giá trị sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực KTTT có tăng trưởng, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động nông nhàn, thiếu việc làm ở nông thôn; nhiều HTX chú ý liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, phát triển sản phẩm chú ý an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo đầu ra ổn định.

HTX Rau an toàn Phước Hậu (Long Hồ) được xem là nơi chuyên cung cấp rau củ với sản lượng hàng trăm tấn mỗi năm với những hợp đồng liên kết tiêu thụ ổn định. Thành lập từ năm 2006, HTX có 34 xã viên. Nhằm đáp ứng thị trường tiêu thụ quanh năm, HTX khuyến khích mỗi hộ thành viên có thể trồng một loại rau khác nhau, tiến hành luân canh nhằm đa dạng hóa các loại rau củ quả, tránh tình trạng trồng đồng loạt.

Theo ông Trần Văn Hiền- Giám đốc HTX, trong 15ha đủ điều kiện sản xuất rau các loại thì 4,5ha được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP. Đây là địa chỉ tin cậy của nhiều thương lái, doanh nghiệp, siêu thị… tìm kiếm nguồn cung cấp hàng sạch. Hiện HTX đã cung cấp hàng trực tiếp cho các đơn vị Co.opmart Vĩnh Long, Cần Thơ và nhiều của hàng rau an toàn trong và ngoài tỉnh.

Toàn tỉnh hiện có trên 160 HTX và 1 liên hiệp HTX với trên 8.000 thành viên và gần 7.800 lao động. Nhiều HTX tiếp tục củng cố để nâng chất lượng hoạt động, đã phát triển thêm thành viên, vốn hoạt động, nâng cao năng lực quản lý điều hành của bộ máy quản trị, qua đó hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập đời sống các thành viên và người lao động được nâng lên.

Chuyển tư duy sang kinh tế nông nghiệp

Thời gian qua, các ngành chức năng cũng đã tích cực hỗ trợ KTTT bằng việc mở các lớp bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ quản lý điều hành; hỗ trợ trang thiết bị thành lập mới HTX…

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết 13 của Trung ương, tỉnh đã cụ thể hóa, triển khai quán triệt từ trong nội bộ đến nhân dân, làm chuyển biến nhận thức về KTTT. Tuy vậy, cùng với KTTT cả nước, vướng mắc lớn nhất của HTX hiện nay là trình độ và kỹ năng quản lý điều hành còn hạn chế, phần lớn cán bộ quản lý có độ tuổi trung bình cao, thiếu đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật để tư vấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật cho các xã viên…

Đại diện HTX Nông nghiệp cam sành Organics từng cho biết: HTX thiếu vốn xây dựng vùng nguyên liệu, công tác thủy lợi, quy hoạch vùng chuyên canh cũng còn bỏ ngỏ. Bên cạnh, do chưa xây dựng được thương hiệu nên vẫn bị thương lái ép giá.

HTX mong muốn, ngành chức năng cần nâng cao nhận thức cho người dân thấy được tầm quan trọng của KTTT, cũng như định hướng cho xã viên sản xuất theo quy trình an toàn, bền vững, đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật để vừa nâng số lượng và chất lượng sản phẩm.

Để từng bước xây dựng mô hình HTX kiểu mới hoạt động, thời gian qua tỉnh có nhiều giải pháp kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho HTX. Theo đó, hỗ trợ củng cố HTX hoạt động trung bình, yếu về tổ chức bộ máy quản lý và xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ cán bộ trẻ có trình độ về làm việc tại HTX.

Đồng thời, hỗ trợ các HTX liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ tại các vùng nguyên liệu tập trung có lợi thế cạnh tranh như: khoai lang, đậu bắp xanh, cải xà lách, cải xoong, bưởi Năm Roi, cam sành,…

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả KTTT, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan có chia sẻ về phát triển KTTT rất đáng lưu ý, đó là phải chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Và để khắc phục được “lời nguyền” sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và bán nông sản thô của nông dân hiện nay, không cách nào khác là phải phát triển KTTT, nòng cốt là HTX, đồng thời coi “kinh tế hợp tác, HTX là cứu cánh để cơ cấu lại ngành nông nghiệp”.

Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh